Theo Điều 88 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm gửi ngay quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.
Cá nhân, tổ chức nhận được quyết định cưỡng chế phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế và phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.
Và tại Khoản 2 Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thỉ: Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.
Thế nào là trước khi cưỡng chế?
Vấn đề đặt ra ở đây là thời điểm nào được xác định là trước khi tiến hành cưỡng chế? VIệc xác định thời điểm này ảnh hưởng đến việc lập biên bản tự nguyện thi hành hay biên bản thi hành quyết định cưỡng chế.
Có ý kiến cho rằng trước khi người có thẩm quyền công bố quyết định cưỡng chế mới được xem là trước khi tiến hành cưỡng chế, bởi lẽ tại thời điểm đó, người có thẩm quyền chưa thực thi quyết định cưỡng chế. Và lúc đó nếu tổ chức, cá nhân vi phạm xin tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành. Tuy nhiên, hiện nay Luật XLVPHC và các nghị định thi hành chưa có mẫu biên bản công nhận tự nguyện thi hành gồm những nội dung gì và trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm đã xin tự nguyện thi hành nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì xử lý như thế nào, hiện nay Luật vẫn chưa quy định.
Còn nhiều cách hiểu khác nhau
Cũng có ý kiến cho rằng thời điểm trước khi tiến hành cưỡng chế có thể là sau khi người có thẩm quyền công bố quyết định cưỡng chế nhưng các lực lượng chưa tiến hành cưỡng chế mà cá nhân, tổ chức vi phạm xin tự nguyện thi hành thì có thể lập biên bản tự nguyên thi hành.
Quan điểm của người viết cho rằng, thời điểm được xem là trước khi tiến hành cưỡng chế phải là trước khi người có thẩm quyền công bố quyết định cưỡng chế, và khi đã công bố quyết định cưỡng chế tức là quá trình cưỡng chế đã bắt đầu, khi đó người dân dù có tự nguyện thi hành đi nữa vẫn không được lập biên bản tự nguyện thi hành mà lập biên bản thi hành quyết định cưỡng chế, trong biên bản thể hiện rõ thái độ chấp hành của người vi phạm là thực hiện tốt quyết định cưỡng chế.
(Xem mẫu kế hoạch cưỡng chế vi phạm hành chính)
(Tải tất cả mẫu văn bản xử phạt vi phạm hành chính mới nhất)
Để thuận lợi trong việc tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các biểu mẫu quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, biên bản ghi nhận sự tự nguyện thi hành quyết định cưỡng chế…
Hướng dẫn ban hành quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính
Phương Thảo