Theo dự thảo lần 5 của Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi thì có một số điểm mới so với 4 lần dự thảo trước và đây là những quy định hoàn toàn mới mà Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 chưa đề cập, cụ thể đó là thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính, thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế.
I. Điểm mới lập biên bản vi phạm hành chính
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính thì việc lập biên bản vi phạm hành chính có một số điểm mới như: quy định về thời hạn lập biên bản, địa điểm lập biên bản có thể thực hiện ngoài trụ sở làm việc, nơi xảy ra vi phạm nhưng phải ghi rõ lý do; bổ sung trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính vẫn lập biên bản; quy định cụ thể biên bản đã lập nhưng đủ, rõ nội dung thì phải lập biên bản xác minh để làm cơ sở xử phạt; giảm số người chứng kiến từ 2 người xuống còn ít nhất 1 người; bổ sung việc lập, gửi biên bản vi phạm hành chính theo phương thức điện tử…, cụ thể như sau:
Biên bản vi phạm hành chính
1. Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn không quá 24 giờ, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính hoặc từ khi xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 và trường hợp xử phạt căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, kiểm toán nhà nước, thanh tra, kiểm tra chuyển đến quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật này.
Trường hợp vụ việc phức tạp, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn không quá 48 giờ, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.
(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
Trường hợp phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm.
Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.
2. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính hoặc tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do.
3. Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả cụ thể vụ việc, hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm, cơ quan của người có thẩm quyền tiếp nhận giải trình nếu thuộc trường hợp giải trình quy định tại Điều 61 của Luật này; trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình thì phải ghi rõ ý kiến vào văn bản
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến. Nếu không có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến thì phải nêu rõ lý do trong biên bản. Biên bản vi phạm hành chính được giao trực tiếp thì phải ghi rõ họ, tên người nhận và thời gian nhận biên bản.
4. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển trong thời hạn không quá 24 giờ, kể từ khi lập, đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.
Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
Trường hợp đối tượng vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc có mặt nhưng từ chối nhận biên bản vi phạm hành chính thì việc gửi biên bản được thực hiện theo quy định tại Điều 70 của Luật này.
Người lập biên bản vi phạm hành chính phải thông báo để cá nhân, tổ chức vi phạm biết hành vi vi phạm hành chính bị phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
5. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung nêu tại khoản 2 Điều này thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 của Luật này để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.
6. Biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.
II. Điểm mới về quyết định cưỡng chế
Dự thảo sửa đổi Điều 88 Luật XLVPHC theo hướng: Quy định rõ thời gian gửi quyết định cưỡng chế, theo Luật XLVPHC hiện nay thì quyết định cưỡng chế phải được gửi ngay gây khó khăn cho người ban hành quyết định cưỡng chế. Dự thảo Luật XLVPHC sửa đổi quy định thời hạn gửi quyết định cưỡng chế là 2 ngày làm việc và quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành ngay. Quy định thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế theo thời hạn thi hành quyết định xử phạt trừ trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện, buộc khắc phục hậu quả thì không áp dụng thời hiệu, cụ thể:
Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế và cá nhân, tổ chức có liên quan.
Người ra quyết định cưỡng chế tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.
Việc gửi quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan được thực hiện theo quy định tại Điều 70 của Luật này.
Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành ngay, kể từ ngày cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế.
2a. Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật này; quá thời hạn này thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.”
Phương Thảo
Cho tôi mình xin tư vấn nội dung: Ngày 22/10/2018, Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định số 22/QĐ-KPHQ về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Nguyễn Văn A. Biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện là: “Buộc ông A khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; thời hạn thực hiện là 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định. Ông A đã nhận được Quyết định và hết thời hạn ghi trong Quyết định nhưng ông A cũng không thực hiện. Vì vậy, ngày 14/11/2018, Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định số 23/QĐ-CCXP cưỡng chế thi hành Quyết định số 22/QĐ-KPHQ. Các bước (trao Quyết định, vận động thuyết phục…) thực hiện trước khi cưỡng chế đã được UBND huyện thực hiện đầy đủ đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, vì lý do cận tết, vụ việc phức tạp cần xin ý kiến cấp trên và cấp trên đã có ý kiến bằng văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện tạm dừng cưỡng chế… Đến nay cấp trên có văn bản yêu cầu huyện vận động nếu ông A không tự nguyện thực hiện giao trả đất đã lấn chiếm thì tiến hành cưỡng chế. Vậy cho tôi hỏi trong trường hợp này huyện có được tiếp tục tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế số 23 nêu trên hay phải ban hành Quyết định mới để thay thế
Vẫn thi hành quyết định cưỡng chế bạn nhé, vì đối với biện pháp buộc khắc phục hậu quả thì cưỡng chế không có thời hạn, khi nào xong thì thôi. Bạn có thể xem thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế TẠI ĐÂY