Trangtinphapluat.com biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc bài viết cách xác định công chức trong các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội; công chức cấp xã để bạn đọc tham khảo trong quá trình ôn thi công chức, thi nâng ngạch…
Căn cứ để phân loại, xác định công chức là Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019, Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức, Nghị định 92 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Hiện nay công chức được chia làm 02 nhóm: Nhóm 01 công chức từ cấp huyện đến trung ương, nhóm 02 công chức cấp xã. Trong nhóm công chức từ cấp huyện trở lên lại được chia làm 03 nhóm chính: Nhóm công chức trong cơ quan Đảng, nhóm công chức trong cơ quan nhà nước, nhóm công chức trong tổ chức chính trị – xã hội.
A. Nhóm 01 công chức từ cấp huyện đến trung ương
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức năm 2019 thì: tại khoản 1 Điều 1 quy định: Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Như vậy, Luật CBCC sửa đổi đã bỏ đối tượng công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội.
Trong chuyên đề này, trangtinphapluat.com chỉ giới thiệu tới các bạn tới công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.
1. Công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam
1.1. Ở Trung ương:
a) Người giữ chức vụ, chức danh cấp phó, trợ lý, thư ký của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cục, vụ, cơ quan thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng của Văn phòng Trung ương Đảng, cơ quan Ủy banKiểm tra Trung ương và các Ban Đảng ở Trung ương;
Ví dụ: Đối với Văn phòng Trung ương Đảng thì: Cấp phó, trợ lý, thư ký của các vụ, cục, người làm việc trong các cục, vụ là công chức; người đứng đầu các cục, vụ không phải là công chức.
Ví dụ: Đối với Ban Tổ chức trung ương thì Cấp phó, trợ lý, thư ký của các vụ, cục, văn phòng, người làm việc trong các vụ, cục văn phòng là công chức; người đứng đầu các văn phòng, vụ không phải là công chức.
b) Người giữ chức vụ, chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cơ quan ủy ban kiểm tra, các ban của Đảng ủy khối và Đảng ủy ngoài nước trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
c) Người làm việc trong bộ phận giúp việc của cơ quan, tổ chức do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cơ quan do Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập.
1.2. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Người giữ chức vụ, chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cơ quan ủy ban kiểm tra, các ban của tỉnh ủy, thành ủy;
Ví dụ: Đối với Văn phòng Tỉnh ủy thì: Chánh Văn phòng, các phó chánh văn phòng và người làm việc trong Văn phòng là công chức
Đối với Ủy ban kiểm tra: Chủ nhiệm UBKT, các phó Chủ nhiệm UBKD không phải là công chức, vi đây là chức danh bầu. Những người làm việc trong các cơ quan của Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy là công chức.
Ví dụ: Đối với Ban Tổ chức thì: Trưởng ban, các phó trưởng ban và chuyên viên là công chức
Ban Tuyên giáo: Trưởng ban, các phó trưởng ban và chuyên viên là công chức
Ban Dân vận: Trưởng ban, các phó trưởng ban và chuyên viên là công chức
Ban Nội chính tỉnh ủy: Trưởng ban, các phó trưởng ban và chuyên viên là công chức.
b) Người giữ chức vụ, chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cơ quan ủy ban kiểm tra, các ban của Đảng ủy khối trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy;
Ví dụ Đảng ủy khối trực thuộc Tỉnh ủy thì những người sau là công chức
– Chánh Văn phòng, Phó Chánh văn phòng và chuyên viên là công chức
– Ban tuyên giáo: Trưởng ban, phó trưởng ban chuyên viên là công chức
c) Người làm việc chuyên trách trong văn phòng, ban tổ chức, ban tuyên giáo, cơ quan ủy ban kiểm tra của Đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy.
1.3. Ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện):
Người giữ chức vụ, chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cơ quan ủy ban kiểm tra, các ban của huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh.
Ví dụ: Chánh, phó văn phòng và người làm việc trong Văn phòng huyện ủy là công chức
Chủ nhiệm, phó chụ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy là cán bộ, vì đây là chức danh bầu. Đối với những người làm việc trong Ủy ban kiểm tra huyện ủy là công chức
Trưởng, phó Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, người làm việc trong các ban này là công chức.
2. Công chức trong các cơ quan nhà nước
2. 1. Công chức trong Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
Ví dụ: Đối với Văn phòng Chủ tịch nước thì phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch tịch nước là công chức; Vụ, trưởng, vụ phó và người làm việc trong các vụ đối ngoại, pháp luật, tổng hợp….là công chức.
2.2 Công chức trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập
Thứ trưởng và người giữ chức danh, chức vụ tương đương; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, vụ, thanh tra và tổ chức khác không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Tổng cục trưởng và tương đương, Phó Tổng cục trưởng và tương đương, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, vụ, thanh tra thuộc Tổng cục và tương đương.
Cục trưởng, Phó Cục trưởng, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, phòng, thanh tra, chi cục thuộc Cục.
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
2.3. Công chức trong cơ quan hành chính ở cấp tỉnh
+ Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân;
Ví dụ: Trưởng phòng tổng hợp của Văn phòng HĐND cấp tỉnh, Trưởng Phòng Nội chính, Trưởng Phòng Văn xã của UBND cấp tỉnh là công chức và người làm việc tại các phòng này là công chức.
+Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân;
Ví dụ: Đối với Sở Nội vụ thì: Giám đốc, phó Giám đốc, Trưởng, phó các phòng chuyên môn, người làm việc trong các phòng này là công chức.
+ Trưởng ban, Phó Trưởng ban, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân.
2.4. Ở cấp huyện:
+ Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng và người làm việc trong Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
+ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng và người làm việc trong văn phòng Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân;
+ Người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.
Ví dụ: Ở cấp huyện có tổ chức HĐND thì những người sau đây là công chức như: Chánh, phó Văn phòng, Trưởng các phòng Tư pháp, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Kinh tế, Lao động Thương binh và xã hội….và những người làm việc trong các cơ quan này.
Ví dụ: Ở cấp huyện không tổ chức Hội đồng nhân dân thì ngoài những người là công chức như nơi có tổ chức Hội đồng nhân dân thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện là công chức.
3. Đối với công chức trong hệ thống Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thì chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không phải là công chức, còn lại những người làm việc trong các tòa, viện là công chức.
4. Công chức trong cơ quan của tổ chức chính trị – xã hội
4.1. Ở Trung ương:
a) Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và người làm việc trong văn phòng, ban thuộc cơ cấu tổ chức ở Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức chính trị – xã hội);
Như vậy, đối với các cơ quan của tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan thuộc UBMTTQVN thì trưởng, phó các cơ quan này và người làm việc trong các cơ quan này là công chức. Còn người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội, UBMTTQVN không phải là công chức.
b) Người làm việc trong bộ phận giúp việc của Ủy ban thuộc tổ chức chính trị – xã hội.
4.2. Ở cấp tỉnh
Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và người làm việc trong văn phòng, ban thuộc cơ cấu tổ chức của tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức tương đương.
Như vậy cũng giống như trung ương thì ở tỉnh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức tương đương không phải là công chức. Lãnh đạo các văn phòng, ban thuộc cơ cấu tổ chức của các tổ chức này là công chức.
(Tải tài liệu ôn thi công chức hành chính nhà nước, khối Đảng tại đây)
Ví dụ: Đối với Tỉnh đoàn thì bí thư, phó bí thư là cán bộ.Đối với các ban như Ban thanh thiếu nhi trường học, Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên… thì lãnh đạo và người làm việc trong các ban này là công chức.
4.3. Ở cấp huyện
Người làm việc trong cơ quan của các tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức tương đương.
Như vậy, thì đối với cấp huyện thì tất cả người làm việc trong các tổ chức chính trị – xã hội như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động đều là công chức, trừ các chức danh bầu cử theo nhiệm kỳ như: bí thư đoàn, chủ tịch Hội phụ nữ, nông dân…
B. Nhóm 02công chức cấp xã
Hiện nay, theo quy định của Nghị định 92/2009/NĐ-CP thì cấp xã chỉ có 07 chức danh công chức thuộc khối UBND, đối với khối Đảng, đoàn thể thì không có chức danh công chức mà chỉ chức danh cán bộ.
Cụ thể, có 07 chức danh công chức sau: Trưởng Công an; Chỉ huy trưởng Quân sự; Văn phòng – thống kê; Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính – kế toán; Tư pháp – hộ tịch; Văn hóa – xã hội.
Trên đây là hướng dẫn của trangtinphapluat.com liên quan đến việc xác định công chức trong các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội; công chức cấp xã.
Rubi