Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
1. Về trách nhiệm của người đứng đầu
Theo Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP thì người đứng đầu cơ quan nơi quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm thông báo cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp hoặc hội đồng bán đấu giá về tang vật, phương tiện đã có quyết định tịch thu để bán đấu giá.
Tuy nhiên Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân quy định: “Đơn vị chủ trì quản lý tài sản lập phương án xử lý đối với tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật”. Do đó đã dẫn đến sự thiếu thống nhất về quy định, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
2. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
Tại Điều 17 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP có quy định: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
(Vướng mắc trong tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính)
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có quy định cụ thể về thời điểm bắt đầu thông báo là sau khi quá hạn bao nhiêu lâu, cũng như chưa có quy định cụ thể về thời gian giữa 02 lần thông báo. Bên cạnh đó, việc xác định thế nào là lý do chính đáng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc xác định và áp dụng trong thực tế còn chưa thống nhất.
3. Giao lại phương tiện vi phạm hành chính
Chưa có hướng dẫn cụ thể về việc giao lại phương tiện vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản (bao gồm cả thủ tục thực hiện bảo lãnh phương tiện giao thông), dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện, hầu hết chưa được áp dụng trên thực tế.
(Quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính từ ngày 01/5/2020)
Đặc biệt là thiếu các quy định về cách thức xử lý đối với số tiền nộp bảo lãnh còn thừa trong trường hợp người vi phạm không đến cơ quan chức năng để chấp hành Quyết định xử phạt; thiếu quy định hướng dẫn việc xác định người có hành vi vi phạm đã đặt tiền bảo lãnh phương tiện nhưng không đến để giải quyết xử phạt thì khi hết thời hạn xử phạt vi phạm hành chính mà thực hiện lưu thông phương tiện có được coi là hợp pháp hay không.
4. Một số vướng mắc khác
– Việc quy định hút xăng, dầu của phương tiện vi phạm hành chính để tạm giữ, tịch thu chưa hợp lý; chưa có quy định hướng dẫn thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đặc biệt như ma túy, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật… nên khó áp dụng trong thực tế.
(Giải đáp các vướng mắc trong tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính)
– Nghị định chưa quy định cụ thể về việc tịch thu tang vật, phương tiện hết thời hạn bị tạm giữ; thủ tục chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá, tiêu hủy nên quá trình thực hiện còn lúng túng, thiếu thống nhất.
– Tình trạng phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá hạn tạm giữ nhưng người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc không xác định được người vi phạm diễn ra ngày càng phổ biến; dẫn đến tình trạng các tang vật, phương tiện bị tạm giữ quá tải, không bảo đảm các điều kiện an toàn tại các kho lưu trữ. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục thanh lý tang vật, phương tiện còn phức tạp, dẫn đến tình trạng tồn đọng nhiều, thời gian bảo quản tang vật, phương tiện kéo dài dễ dẫn đến giảm giá trị của tang vật, phương tiện, gây lãng phí của cải vật chất.
– Đối với các vụ việc vi phạm hành chính phải tạm giữ phương tiện thì trong hồ sơ ban đầu gồm biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ phương tiện, quyết định tạm giữ phương tiện thường chỉ xác định được người điều khiển phương tiện vi phạm hành chính, trong khi tình trạng mua bán, chuyển nhượng, không thực hiện thủ tục sang tên, chuyển nhượng rất nhiều đã dẫn đến việc không xác định được chủ sở hữu của phương tiện sau khi tạm giữ phương tiện. Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng chủ sở hữu tang vật, phương tiện vi phạm có đến nhận lại tang vật, phương tiện nhưng người trực tiếp sử dụng tang vật, phương tiện để vi phạm lại không xuất hiện, gây khó khăn trong công tác thu phí bảo quản.
(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
– Tại Điều 17 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP có quy định: “Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được ghi trong quyết định đã quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày niêm yết công khai thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “không đến nhận mà không có lý do chính đáng”. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bỏ quy định “niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ”.
Nguồn: Báo cáo Tổng kết thi hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính của Bộ Công an.
Rubi
anh cho em hỏi>
Có một gia đình xây dựng đua tầng hai ra đường của thôn (khoàng 80 cm, cả tầng hai, chứ không phải ban công, hay lan can) hỏi xử lý gia đình này như thế nào, theo lĩnh vực giao thông hay đất đai?
Em cảm ơn anh!
Đất đai thì không có điều khoản để xử phạt bạn nhé,vì họ chỉ lấn ở trên không. Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai không có quy định hành vi này.
Theo điểm a khoản 8 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt lĩnh vực giao thông có quy định:
8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xây dựng nhà ở, công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ;
Bạn cần nghiên cứu kỹ Điều 43 Luật Giao thông đường bộ, Nghi định 11/2010/NĐ-CP để xác định đất dành cho đường bộ rồi xử lý cho đúng pháp luật.