Ghi văn bản viện dẫn trong xử phạt hành chính như thế nào là đúng?

       Việc hướng dẫn   Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có những Nghị định được sửa đổi bởi những Nghị định khác, chẳng hạn Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 185/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dẫn đến trong quá trình lập biên bản cũng như ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan có thẩm quyền lúng túng trong việc ghi hành vi vi phạm, có nơi ghi hành vi vi phạm theo Nghị định 124 sửa đổi Nghị định 185, cũng có nơi ghi hành vi vi phạm theo Nghị định 124 đã được sửa đổi bởi Nghị định 185. Vậy, pháp luật quy định cách ghi văn bản viện dẫn khi đã được sửa đổi, bổ sung như thế nào?

Chưa có quy định về viện dẫn văn bản trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính?

          Theo Thông tư 25/2011/TT-BNV hướng dẫn về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch (đã hết hiệu lực) thì kỹ thuật viện dẫn văn bản như sau:

– Khi viện dẫn văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên văn bản, số, ký hiệu văn bản; tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.

– Trong trường hợp viện dẫn phần, chương, mục của một văn bản quy phạm pháp luật thì phải xác nhận cụ thể phần, chương, mục của văn bản đó.

– Trong trường hợp viện dẫn đến điều, khoản, điểm thì không phải xác định rõ đơn vị bố cục phần, chương, mục có chứa điều, khoản, điểm đó.

– Trong trường hợp viện dẫn đến phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của một văn bản quy phạm pháp luật thì phải viện dẫn theo thứ tự từ nhỏ đến lớn và tên của văn bản; nếu viện dẫn từ khoản, điểm này đến khoản, điểm khác trong cùng một điều hoặc từ mục, điều này đến mục, điều khác trong cùng một chương của cùng một văn bản thì không phải xác định tên của văn bản nhưng phải viện dẫn cụ thể.

Mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới nhất

          Thông tư trên quy định khá cụ thể, chi tiết việc viện dẫn văn bản nhưng cũng chưa đề cập đến việc viện dẫn văn bản khi đã được sửa đổi, bổ sung.

          Qua tìm hiểu của người viết thì hiện nay ngay cả cơ quan Trung ương cũng viện dẫn không thống nhất trong trường hợp văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, cụ thể:

– Điều 18 Thông tư 25/2014/TT-BTP hướng dẫn kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính, thì viện dẫn văn bản gốc trước rồi mới đến văn bản sửa đổi, bổ sung.

 “ Kiểm tra việc thực hiện đánh giá tác động của quy định thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định 63/2010/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung) và Chương II Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (sau đây viết tắt là Thông tư 07/2014/TT-BTP).”

– Điều 29 Thông tư 02/2016/TT-BTP quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự  thì lại viện dẫn văn bản sửa đổi, bổ sung trước rồi mới đến văn bản gốc.

“ Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong hệ thống thi hành án dân sự theo quy định tại Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự.”

          Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính thì không có văn bản nào quy định cụ thể việc viện dẫn  văn bản, nhưng theo quan điểm của người viết thì viện dẫn văn bản gốc trước rồi mới đến văn bản sửa đổi, bổ sung, vì:

Cách viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật
Cách viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật

       –   Theo Khoản 5 Điều 2 Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Hành vi vi phạm hành chính phải được quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng, phù hợp với tính chất vi phạm của hành vi đó. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực này nhưng do tính chất vi phạm đặc thù của hành vi đó, thì có thể quy định và xử phạt trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực khác. Trong trường hợp này, hình thức, mức xử phạt quy định phải thống nhất với quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính của lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng”, như vậy, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính là quy định hành vi vi phạm còn Nghị định sửa đổi, bổ sung không phải là Nghị định xử phạt mà chỉ là một bộ phận đi kèm, bổ sung cho Nghị định xử phạt, do đó khi lập biên bản hay quyết định xử phạt phải căn cứ vào Nghị định xử phạt rồi mới đến Nghị định sửa đổi, bổ sung.

   –      Tại mẫu biên bản cũng như mẫu quyết định ban hành kèm theo Nghị định 81 đều hướng dẫn ghi tên của nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cụ thể; Ghi điểm, khoản, điều của nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cụ thể. Như vậy,  ghi Nghị định xử phạt trước rồi mới đến Nghị định sửa đổi, bổ sung là phù hợp theo tinh thần hướng dẫn của biểu mẫu Nghị định 81.

          Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.

Quốc Sử

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *