Giải pháp để nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở

Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc một số giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao chất lượng hòa giải các tranh chấp phát sinh ở cơ sở thông qua tổ hòa giải.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về hoà giải ở cơ sở nhìn chung tương đối đầy đủ và chi tiết, tạo được khung hành lang pháp lý quan trọng để công tác hoà giải ở cơ sở đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực trạng thi hành Luật hoà giải ở cơ sở cho thấy các quy định pháp luật này cần được tiếp tục kiện toàn ở một số nội dung như sau:

Thứ nhất, đối với quy định về bầu hoà giải viên

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013 thì “Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý”. Quy định này đòi hỏi số lượng các đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đi họp tương đối đầy đủ hoặc khi được phát phiếu lấy ý kiến phải rất hợp tác trong việc bày tỏ nguyện vọng rõ ràng trong việc lựa chọn hoà giải viên thì mới đạt yêu cầu. Trong khi đó, thực tế cho thấy, có một bộ phận người dân chưa thật sự quan tâm và nhận thức đầy đủ về vai trò của hoà giải viên và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Do đó, việc triệu tập đi họp để biểu quyết hay phát phiếu lấy ý kiến của các hộ gia đình sẽ khó đạt được tỉ lệ đồng thuận là 50% đại diện hộ gia đình trong toàn thôn hoặc tổ dân phố.

Tài liệu tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở
Giải pháp nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở

Bên cạnh đó, hoà giải ở cơ sở là một loại hoạt động dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện của người dân, là khuyến khích chứ không phải bắt buộc, bởi vậy, việc bầu hoà giải viên không thể đòi hỏi 100% các hộ gia đình trong tổ dân phố hoặc trong thôn phải quan tâm và đưa ra ý kiến biểu quyết vì sẽ có những gia đình có quyền từ chối tham gia bầu hoặc không quan tâm đến thủ tục bầu hoà giải viên. Điều này cho thấy việc pháp luật áp đặt rằng một người chỉ được đề nghị công nhận là hoà giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý là khó khả thi.

(Tải tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải viên cơ sở)

Vì những lý do này, chúng tôi cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 8 nên điều chỉnh cụm từ “trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý” thành “trên 50% đại diện hộ gia đình tham gia bầu hoà giải viên đồng ý”. Đề xuất này một mặt sẽ làm cho kết quả bầu hoà giải viên bớt mang tính hình thức (những người không quan tâm, không tìm hiểu về hoà giải cơ sở hay bầu hoà giải viên thì việc biểu quyết của họ cũng thường mang tính hình thức, miễn cưỡng biểu quyết cho xong); mặt khác hoạt động bầu hoà giải viên sẽ được tiến hành một cách linh hoạt và hiệu quả khi người được đề nghị công nhận là hoà giải viên không quá phụ thuộc vào một tỉ lệ cứng nhắc là 50% đại diện hộ gia đình trong toàn thôn hoặc tổ dân phố, tránh rườm rà khi mà số lượng biểu quyết không đạt yêu cầu về tỉ lệ quy định.

Ngoài ra Phần đánh giá thực trạng cũng cho thấy sự cần thiết của việc thu hút sự tham gia hoà giải của các vị chức sắc tôn giáo, trưởng ấp, già làng… Về vấn đề này, Luật Hoà giải ở cơ sở quy định tại Điều 19 về Người được mời tham gia hòa giải như sau: “Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải”.

Văn hoá người dân Việt Nam có xu hướng gắn bó với phong tục tập quán, hương ước nơi mình sinh sống, bởi vậy họ có lòng tin, sự kính trọng và vâng lời đối với những lời khuyên nhủ từ những người làm chức sắc tôn giáo hoặc có tiếng nói trong thôn bản. Đặc biệt với những đồng bào dân tộc thiểu số, họ có niềm tin rất lớn đối với tôn giáo mà họ tín ngưỡng. Tuy nhiên Điều 19 trên đây mới dừng lại ở quy định về việc “nếu thấy cần thiết thì mời”, nghĩa là tuỳ thuộc hoàn cảnh cụ thể thì những người này mới được mời tham gia hoà giải chứ không phải làm hoà giải viên (vì hoà giải viên phải được bầu và công nhận theo thủ tục luật quy định). Bởi vậy, chúng tôi đề xuất trong quy định về Tiêu chuẩn hoà giải viên nên bổ sung thêm một tiêu chí ưu tiên bên cạnh các tiêu chí đã được quy định tại Điều 7, đó là tiêu chí là những người có chức sắc tôn giáo hoặc có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân địa phương. Khi có tư cách là hoà giải viên thì những người đó sẽ sẵn sàng tham gia tổ hoà giải một cách chính danh và với tinh thần trách nhiệm cao hơn do ít nhiều đã có sự ràng buộc về tư cách pháp lý. Giải pháp này cũng nhằm hướng đến việc tăng cường tính hiệu quả cho công tác hoà giải ở cơ sở.

Thứ hai, về việc thôi làm hoà giải viên

Khoản 1 Điều 11 Luật Hoà giải ở cơ sở quy định “1. Việc thôi làm hòa giải viên được thực hiện trong các trường hợp sau đây: a) Theo nguyện vọng của hòa giải viên; b) Hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 của Luật này; c) Vi phạm nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 4 của Luật này hoặc không có điều kiện tiếp tục làm hòa giải viên do bị xử lý vi phạm pháp luật.” Theo đó, một người sau khi được bầu và được công nhận là hoà giải viên sẽ thực mang tư cách hoà giải viên và thực hiện nhiệm vụ của mình cho đến khi nào bản thân không muốn làm nữa hoặc không đáp ứng yêu cầu của một hoà giải viên nữa. Quy định này có ưu điểm là sẽ xây dựng được đội ngũ hoà giải viên lâu năm, giàu kinh nghiệm, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho việc bầu hoà giải viên.

Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022"
Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022”

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động hiệu quả của các tổ hoà giải thường phụ thuộc vào một thành viên chính, có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng. Những người còn lại thường đóng vai trò thứ yếu, họ thường thuyết phục các bên theo chủ ý của người có ảnh hưởng lớn hoặc rất ít trao đổi hoặc thường chỉ có mặt và giữ vai trò ghi biên bản.

Để đẩy mạnh tính hiệu quả và tính tích cực của các thành viên trong tổ hoà giải, chúng tôi nghĩ đến việc đề xuất bổ sung quy định về nhiệm kỳ công tác của các thành viên này vì các lý do sau đây:

1) Việc quy định nhiệm kỳ sẽ hình thành một thói quen rà soát và tiến hành bầu hoà giải viên một cách có kế hoạch. Sự thay đổi hoà giải viên theo nhiệm kỳ sẽ góp phần bổ sung nhân tố mới, nhạy bén, hăng hái, tích cực, tạo ra được sự hỗ trợ đắc lực cho những người lớn tuổi, làm việc nhiều năm, giàu kinh nghiệm nhưng có thể sẽ gặp trở ngại trong việc bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, trong việc tiếp cận và khai thác thông tin phục vụ hoạt động hoà giải ở cơ sở;

2) Việc quy định nhiệm kỳ công tác của hoà giải viên sẽ khắc phục được sự tuỳ tiện xin thôi làm hoà giải viên. Thực trạng khảo sát có đề cập đến vấn đề có một số hoà giải viên vừa mới được cử đi tập huấn về thì lại xin thôi hoà giải viên. Hiện tượng này làm giảm hiệu quả của công tác tập huấn nâng cao năng lực hoà giải viên, lãng phí công sức đào tạo, tập huấn mà lại không phát huy được tác dụng gia tăng chất lượng hoạt động hoà giải ở cơ sở;

3) Việc quy định nhiệm kỳ công tác của hoà giải viên không mâu thuẫn với việc giữ chân những hoà giải viên nhiệt tình, giàu kinh nghiệm và có uy tín đối với cộng đồng dân cư. Những hoà giải viên này thường là người lớn tuổi, được tín nhiệm – họ có thể là hoà giải viên trong nhiều nhiệm kỳ;

4) Việc thiết lập cơ chế nhiệm kỳ có thể mở ra một hướng đi mới cho hoạt động của hoà giải viên, đó có thể là chế độ hoà giải viên chuyên trách trong tương lai hoặc ít nhất cũng góp phần chú trọng và làm cụ thể hơn nữa tới yếu tố năng lực (Competency) của hoà giải viên theo quy định của khung pháp lý quốc tế  . Hiện tại, Luật Hoà giải ở cơ sở của Việt Nam quy định về tiêu chuẩn của hoà giải viên phải là người “Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật”[1]. Trong số các tiêu chuẩn đề ra, tiêu chuẩn về hiểu biết pháp luật còn mang tính chung chung thiếu cụ thể. Việc quy định nhiệm kỳ công tác sẽ góp phần tạo ra một khoảng thời gian để “chuẩn hoá” năng lực cho hoà giải viên vì họ sẽ được cử đi tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức trong nhiệm kỳ của mình.

Thứ ba, đối với quy định về nội dung hỗ trợ kinh phí cho tổ hoà giải và hoà giải viên

Theo quy định của Luật Hoà giải ở cơ sở và Nghị định 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở sau này được cụ thể hoá bằng Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tư pháp-Bộ Tài chính về Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thì, có hai nội dung hỗ trợ như sau:

1. Chi hỗ trợ để mua văn phòng phẩm; mua, sao chụp tài liệu phục vụ hoạt động của tổ hòa giải; tổ chức các cuộc họp, sơ kết, tổng kết hoạt động của tổ hòa giải;

Hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã
Kinh phí hỗ trợ cho hòa giải viên cơ sở

2. Chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc; chi hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải”[2]. Trong hai nội dung này có nội dung thứ hai chi thù lao cho hoà giải viên trực tiếp tham gia vụ việc hoà giải là tối đa 200.000đ/vụ việc/tổ hòa giải[3] là chưa phù hợp với thực tế.

(Tải slide bài giảng tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở)

Ở những khu vực vùng cao, đường xá xa xôi, di chuyển khó khăn, nếu tổ hoà giải gồm 3 người phải tự đến nơi tiến hành hoà giải thì thù lao nói trên chia cho 3 người là quá ít ỏi và có những lúc không đủ bù đắp chi phí đi lại thực tế đã phải bỏ ra. Nói một cách khác, pháp luật hiện nay đang quy định khoán 200.000đ/vụ việc/tổ hoà giải mà chưa chi hỗ trợ kinh phí đi lại cho các thành viên của tổ hoà giải này. Đây là một vấn đề mà hầu hết các đối tượng hoà giải viên khi được khảo sát đều đề cập tới, vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệt huyết của hoà giải viên khi làm nhiệm vụ.

Mặt khác, xét trong mối tương quan với mức chi cho đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cũng thấy có sự không phù hợp. Chẳng hạn, việc đi tập huấn được chi khá nhiều khoản từ phụ cấp lưu trú, hỗ trợ đi lại, hỗ trợ thuê phòng nghỉ, tiền ăn… mặc dù đôi khi quãng đường đi tập huấn, bồi dưỡng này có thể sẽ gần và dễ đi hơn so với quãng đường đi hoà giải ở cơ sở. Từ sự phân tích trên đây, chúng tôi đưa ra đề xuất về việc điều chỉnh mức chi cho tổ hoà giải và hoà giải viên theo hướng tăng thêm để khích lệ và ghi nhận những cố gắng của hoà giải viên ở cơ sở

(Trích từ dự thảo báo cáo nghiên cứu thực trạng giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở  của UNDP)

Rubi

        

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *