Sai sót trong việc áp dụng các quy định biện pháp khẩn cấp tạm thời

Một số sai sót cần rút kinh nghiệm trong áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được nêu ra tại Chỉ thị 03/2019/CT-CA ngày 03/01/2020 của Tòa án nhân dân Tối cáo về việc nâng cao chất lượng áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự .

1. Sai sót khi áp dụng những quy định chung về các biện pháp khẩn cấp tạm thời 

1.1. Về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự)

Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Tòa án đang giải quyết vụ án. Tuy nhiên, có trường hợp tại thời điểm nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án đã biết việc thụ lý là không đúng thẩm quyền nhưng vẫn ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (sau đó mới chuyển vụ án theo thẩm quyền) là vi phạm quy định pháp luật.

bien phap khan cap tam thoi
Sai sót khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1.2. Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 133 Bộ luật TTDS)

Một là, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn , nếu người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phản phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu. Tuy nhiên, có trường hợp Thẩm phán ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc thông báo không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn này. Bên cạnh đó, còn có Tòa án không có sổ theo dõi nhận đơn, không ghi chép thời gian nhận đơn nên không có căn cứ để xác định chính xác thời hạn giải quyết theo quy định.

Có trường hợp không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng Thẩm phán không thông báo bằng văn bản hoặc thông báo nhưng không nêu rõ lý do cho người yêu cầu hoặc nêu  lý do áp dụng không đúng quy định của pháp luật.

Hai là, theo quy định tại khoản 2 Điều 111 , Khoản 3 Điều 133 BLTTDS thì trong trường hợp tình thế khẩn cấp, cần bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận đơn yêu cầu Thẩm phán phải xem xét ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, khi nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc trường hợp nêu trên thì Tòa án lại từ chối việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì chưa thụ lý vụ án là chưa đúng quy định pháp luật.

Ba là, theo quy định tại khoản 4 Điều 133 BLTTDS thì trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời , gồm: phong tỏa tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạn nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ, phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ thì theo quy định của BLTTDS , Thẩm phán chỉ được phong tỏa tài sản có giá trị tương đương với tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Tuy nhiên, khi áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời này, Thẩm phán có sai sót là không ấn định số tiền bị phong tỏa; không xác định giá trị tài sản phong tỏa mà phong tỏa một phần tài sản chung (chưa chia); phong tỏa số tiền hoặc tài sản có giá trị lớn hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện; hoặc phong tỏa số tiền, tài sản  có giá trị vượt quá yêu cầu của người yêu cầu.

1.3. Về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm (Điều 136 BLTTDS)

Có trường hợp người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời : Kê biên tài sản đang tranh chấp (khoản 6 Điều 114); cấm dịch chuyển về quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp (khoản 7 Điều 114) ; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp (khoản 8 Điều 114); phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước ; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ  (khoản 10 Điều 114); phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ  (khoản 11 Điều 114) ; tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động liên quan đến đấu thầu (khoản 15 Điều 114); bắt giữ tàu bay, tàu biển để đảm bảo để giải quyết vụ án (khoản 16 Điều 114) chưa thực hiện biện pháp bảo đảm nhưng Tòa án vẫn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; có trường hợp Tòa án ấn định số tiền buộc thực hiện biện pháp bảo đảm quá ít hoặc quá nhiều không tương đương với tổn thất  hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

Có trường hợp Tòa án vẫn ra quyết định yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm trong khi theo quy định tại khoản 1 Điều 136 BLTTDS thì người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm.

1.4. Về hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 138 BLTTDS)

Đối với những vụ án đã được đình chỉ giải quyết , Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án không hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 138 BLTTDS , sau đó khi người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ thì Thẩm phán mới ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng.

Tòa án ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng không xem xét , quyết định để người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được nhận lại chứng từ bảo lãnh được đảm bảo bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản tiền, kim khí quý , đá quý hoặc giấy tờ có giá mặc dù không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 113 BLTTDS mà đợi có đơn yêu cầu mới xem xét, giải quyết.

1.5. Về việc khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị  về quyết định áp dụng, thay đổi ,hủy bỏ  hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời  (Điều 140, 141 BLTTDS)

Đương sự thực hiện quyền khiếu nại về việc Tòa án không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đã quá thời hạn quy định tại Điều 140 BLTTDS  nhưng Chánh án vẫn xem xét, giải quyết khiếu nại. Trường hợp đương sự khiếu nại trong thời hạn nhưng Chánh án không   giải quyết khiếu nại hoặc giải quyết khiếu nại bằng thông báo trả lời khiếu nại hoặc công văn mà không ra quyết định giải quyết khiếu nại là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 141 BLTTDS.

2. Những sai sót khi áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể

2.1. Kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp (khoản 6, 7,8 Điều 114; Điều 120, 121, 122 BLTTDS)

Một là, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8 Điều 114 các Điều 120, 121, 122 BLTTDS đối với tài sản không phải là tài sản đang tranh chấp (như: Tranh chấp hợp đồng vay tài sản nhưng Tòa án lại áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền tài sản nhà đất của bị đơn; tranh chấp hợp đồng đặt cọc để đảm bảo giao kết hợp đồng chuyền nhượng quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất nhưng Tòa án lại áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền tài sản đối với nhà đất đó; tranh chấp hợp đồng xây dựng tại tòa nhà một lô đất cụ thể trong toàn bộ dự án khu nhà ở nhưng Tòa án lại áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với phần dự án hoặc sản phẩm của dự án tại lô đất khác trong dự án đó …). Các biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên chỉ được áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp . Đối với tài sản không có tranh chấp , Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ nếu đương sự có yêu cầu và việc áp dụng này là có căn cứ.

Hai là, áp dụng đồng thời hai biện pháp “kê biên tài sản đang tranh chấp” và “cấm chuyển dịch về quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” đối với cùng một tài sản đang tranh chấp. Trường hợp này, tài sản đang tranh chấp bị kê biên thì hệ quả tất yếu là tài sản đó không thể chuyển dịch. DO vậy, Tòa án chỉ áp dụng một trong hai biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên đối với cùng một tài sản đang tranh chấp. Tòa án căn cứ vào yêu cầu của đương sự và quy định của từng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể để ra quyết định cho phù hợp.

Ba là, áp dụng biện pháp kê biên một phần tài sản tranh chấp (ví dụ kê biên một phần căn nhà…), cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp  (ví dụ cấm chuyển dịch 1/6 quyền sử dụng đất , cấm chuyển dịch phần giá trị  còn lại của căn nhà đang tranh chấp…).. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như trên là không đúng và không thể thực hiện được vì không thể xác định “một phần” là bao nhiêu, là phần nào trong khối tài sản đang tranh chấp.

2.2. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp (Khoản 8 Điều 114, Điều 122 BLTTDS)

Áp dụng biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp nhưng không mô tả hiện trạng tài sản đang tranh chấp tại thời điểm ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến không thể xác định được tài sản có bị thay đổi hiện trạng hay không sau khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

2.3. Phong tỏa tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước (khoản 10 Điều 114, Điều 124 BLTTDS)

Khi phong tòa nhiều tài khoản của người có nghĩa vụ , Thẩm phán không xác định chính xác số tiền phải phong tỏa. Đối với tài khoản chung của nhiều người, Thẩm phán chưa làm rõ số tiền của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tài khoản chung đó. Người yêu cầu không nêu rõ số tiền yêu cầu Tóa án phong tỏa hoặc Tòa án phong tỏa có số tiền vượt quá đề nghị của người yêu cầu. Tài khoản là của chung nhiều người, chưa phân định đường phần của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng Tòa án phong tỏa toàn bộ tài khoản chung.

Cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng
Cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng

2.4. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ  (khoản 11 Điều 114, Điều 126 BLTTDS)

Thẩm phán áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản trong khi tài sản này đang thế chấp ở Ngân hàng để đảm bảo cho nghĩa vụ khác hoặc tài sản đã được tổ chức bán đấu giá , trong khi biện pháp này chỉ được áp dụng sau khi tài sản đã được giải chấp. Đối với tài sản chung chưa chia hoặc không thể phân chia nhưng Thẩm phán vẫn áp dụng biện pháp phong tỏa một phần tài sản của người có nghĩa vụ.

2.5. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định (Khoản 12 Điều 114 và Điều 127 BLTTDS)

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 136 BLTTDS , người đề nghị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thực hiện hành vi nhất định thì không buộc phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, có trường hợp Tòa án áp dụng biện pháp cấm thực hiện hành vi nhất định nhưng khi mô tả hành vi bị cấm thì đó lại là hành vi chuyển dịch quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp quy định tại Điều 121, Điều 122 BLTTDS . Như vậy, lẽ ra, Tòa án phải áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp  (Điều 121), cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp (Điều 122) và buộc thực hiện biện pháp bảo đảm thì Tòa án lại thực hiện cấm hành vi nhất định và không buộc thực hiện biện pháp bảo đảm.

Thẩm phán áp dụng biện pháp cấm việc thực hiện hành vi nhất định nhưng việc không thực hiện hành vi này là trái quy định pháp luật (ví dụ: Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp cấm Đại hội đồng cổ đông họp trong khi khoản 1 Điều 136 Luật Doanh nghiệp quy định đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần.

2.6. Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ (Điều 128 BLTTDS)

Tòa án áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ để đảm bảo giải quyết vụ án khi người bị áp dụng đã có người đại diện cư trú tại Việt Nam tham gia tố tụng hoặc để đảm bảo thi hành án trong khi người có nghĩa vụ đã bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác như: phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản…là không đúng quy định pháp luật.

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *