Ngày 13/02/2020, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam ban hành Hướng dẫn 242/HD-SNV Về việc tuyển dụng công chức đối với các trường hợp đặc biệt; tuyển dụng viên chức đối với các trường hợp đặc biệt và xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên.
Trangtinphapluat.com giới thiệu một số nội dung chính trong việc tuyển dụng công chức trường hợp đặc biệt để bạn đọc tham khảo (bạn đọc có thể tải toàn văn Hướng dẫn ở cuối bài viết)
I. Đối tượng
Các trường hợp được quy định tại Điểm a, b, c, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 10, Thông tư số 13/2010/TT-BNV được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3, Điều 1, Thông tư số 03/2019/TT-BNV, cụ thể như sau:
Các trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên quy định tại Điều 19, Nghị định số 24/2010/NĐ-CPđược sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11, Điều 1, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, bao gồm:
a) Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đã có thời gian làm viên chức từ đủ 05 năm (60 tháng) trở lên, tính từ thời điểm được tuyển dụng viên chức (không kể thời gian tập sự).
(Thông tin thi tuyển công chức mới nhất tỉnh Quảng Nam 2020)
– Lưu ý: Không thực hiện xét tiếp nhận vào công chức đối với trường hợp viên chức đang được điều động, biệt phái làm việc tại cơ quan hành chính.
b) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu, đã có thời gian công tác từ đủ 05 năm (60 tháng) trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) hoặc làm công tác cơ yếu, tính từ thời điểm có quyết định tuyển dụng chính thức vào quân đội, công an hoặc tại các tổ chức của lực lượng cơ yếu.
c) Người đang giữ chức danh, chức vụ (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Thành Viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng) tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc) tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 05 năm (60 tháng), không kể thời gian thử việc.
Các trường hợp đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý điều động, luân chuyển (không thuộc trường hợp giải quyết chế độ thôi việc) đến làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc được bổ nhiệm giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Lưu ý: Các trường hợp được tuyển dụng công chức nhưng khi tuyển dụng được điều động trực tiếp về đơn vị sự nghiệp công lập mà không trải qua thời gian tập sự, công tác tại cơ quan hành chính thì được xác định là viên chức và các trường hợp này áp dụng như quy định tại Điểm a, Khoản 1, Mục I, Phần II của Hướng dẫn này.
II. Điều kiện, tiêu chuẩn
1. Yêu cầu về thời gian công tác:
Đối với các trường hợp thuộc Khoản 1, Mục 1, Phần II của Hướng dẫn này phải có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên (tương đương ngạch chuyên viên trở lên) phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 19, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11, Điều 1, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của vị trí việc làm dự kiến bố trí, cụ thể:
– Đối với ngạch chuyên viên: Theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09/10/2014 của Bộ Nội vụ và Khoản 3, Điều 1, Thông tư số 05/2017/TT- BNV ngày 15/8/2017 của Bộ Nội vụ.
– Đối với ngạch chuyên viên chính: Theo quy định tại Điều 6, Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09/10/2014 của Bộ Nội vụ và Khoản 2, Điều 1, Thông tư số 05/2017/TT- BNV ngày 15/8/2017 của Bộ Nội vụ.
– Đối với ngạch kế toán viên: Theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 77/2019/TT-BTC ngày 11/11/2019 của Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.
– Tiêu chuẩn của các ngạch công chức, viên chức chuyên ngành khác theo quy định của pháp luật và các Bộ, ngành liên quan.
– Các điều kiện, tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
III. Thành phần hồ sơ
Căn cứ Khoản 4, Điều 10, Thông tư số 13/2010/TT-BNV được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3, Điều 1, Thông tư số 03/2019/TT-BNV; người đứng đầu Sở, UBND huyện căn cứ các quy định về đối tượng và điều kiện, tiêu chuẩn của người đề nghị tiếp nhận vào công chức, lập hồ sơ (mỗi trường hợp 02 bộ) trình UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) kiểm tra, thẩm định; hồ sơ gồm:
– Văn bản đề nghị tiếp nhận vào công chức, trong đó nêu rõ:
+ Số biên chế được giao, số biên chế chưa sử dụng;
+ Chuyên ngành đào tạo và vị trí việc làm cần tiếp nhận; phòng, ban dự kiến bố trí công tác;
+ Bản mô tả công việc của vị trí việc làm cần tiếp nhận vào công chức; sự phù hợp về trình độ đào tạo, kinh nghiệm của người được đề nghị tiếp nhận đối với vị trí việc làm cần tiếp nhận;
+ Ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ, thời gian nâng bậc lương gần nhất; dự kiến xếp ngạch, bậc lương đối với người được đề nghị tiếp nhận vào công chức.
– Quyển lý lịch cán bộ, công chức theo mẫu 01a-BNV/2007 ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV ngày 18/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành thành phần hồ sơ cán bộ, công chức và biểu mẫu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức.
– Bản sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức theo mẫu số 2c-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển.
– Bản tiểu sử tóm tắt theo mẫu số 03a-BNV/2007 ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV ngày 18/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành thành phần hồ sơ cán bộ, công chức và biểu mẫu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức.
– Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng do cơ quan y tế đủ điều kiện được khám sức khỏe chứng nhận theo quy định.
– Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác và các hình thức khen thưởng đã đạt được, có nhận xét và xác nhận của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác.
– Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm xét tiếp nhận, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt.
– Bản sao các Quyết định: Tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch (hạng chức danh), điều động, biệt phái, nâng lương gần nhất và bản ghi quá trình đóng Bảo hiểm xã hội.
– Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp.
– Bản sao giấy khai sinh có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
– Hồ sơ dự tuyển của cá nhân được đựng trong phong bì theo mẫu B01 có kích thước 250 x 340 x 5 mm (theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 1, Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV ngày 18/6/2007 về việc ban hành thành phần hồ sơ cán bộ, công chức và mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức).
III. Quy trình tuyển dụng công chức đối với các trường hợp đặc biệt
1. Đối với các trường hợp thuộc Khoản 2, Mục 1, Phần II của Hướng dẫn này (trường hợp không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch căn cứ Điểm c, Khoản 2, Điều 19, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11, Điều 1, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP)
Bước 1: Các Sở, UBND huyện gửi hồ sơ xét tiếp nhận vào công chức về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ kiểm tra, thẩm định).
Bước 2: Sở Nội vụ sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả xét tiếp nhận vào công chức đối với các trường hợp đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Bước 3: Giám đốc Sở Nội vụ ban hành quyết định tiếp nhận vào công chức (căn cứ quyết định phê duyệt kết quả của Chủ tịch UBND tỉnh).
Bước 4: Người đứng đầu Sở, UBND huyện ban hành quyết định tiếp nhận và phân công công tác đối với người được xét tiếp nhận vào công chức (căn cứ quyết định của Giám đốc Sở Nội vụ).
2. Đối với các trường hợp thuộc Khoản 1, Mục 1, Phần II của Hướng dẫn này (trường hợp phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch căn cứ Điểm a, b, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 19, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11, Điều 1, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP)
Bước 1: Trên cơ sở văn bản báo cáo nhu cầu tiếp nhận vào công chức của các Sở, UBND huyện; Sở Nội vụ sẽ tổng hợp, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch và phê duyệt chỉ tiêu xét tiếp nhận vào công chức trên toàn tỉnh.
Bước 2: Trên cơ sở Kế hoạch và chỉ tiêu tiếp nhận vào công chức được UBND tỉnh phê duyệt; các Sở, UBND huyện gửi hồ sơ xét tiếp nhận vào công chức về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ kiểm tra, thẩm định).
Bước 3: Sở Nội vụ sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch và Hội đồng kiểm tra, sát hạch sẽ tổ chức kiểm tra, sát hạch.
Bước 4: Sở Nội vụ sẽ tham mưu Hội đồng kiểm tra, sát hạch báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả xét tiếp nhận vào công chức đối với các trường hợp đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định (căn cứ biên bản báo cáo kết quả của Hội đồng kiểm tra, sát hạch).
Bước 5: Giám đốc Sở Nội vụ ban hành quyết định tiếp nhận vào công chức (căn cứ quyết định phê duyệt kết quả của Chủ tịch UBND tỉnh).
Bước 6: Người đứng đầu Sở, UBND huyện ban hành quyết định tiếp nhận và phân công công tác đối với người được xét tiếp nhận vào công chức (căn cứ quyết định của Giám đốc Sở Nội vụ).