Theo quy định tại khoản 3 của Thông tư 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, thì bản chính gồm có 3 loại: Bản chính cấp lần đầu; Bản chính cấp lại; Bản chính đăng ký lại.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công tác chứng thực có nhiều loại giấy tờ không nằm trong 3 loại trên nhưng được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận như: Bản dịch, hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài đã được hợp thức hóa lãnh sự…Khi tiếp nhận yêu cầu chứng thực bản sao từ các loại giấy tờ này đã phát sinh nhiều ý kiến trái chiều nhau.
Một số ý kiến cho rằng những loại giấy tờ này không phải là bản chính nên khi tiếp nhận yêu cầu công dân xuất trình bản chính của những loại giấy tờ này để đối chiếu, nếu có thì chứng thực còn không thì từ chối chứng thực, nhưng cũng có nhiều cơ quan tiếp nhận chứng thực các loại giấy tờ này mà không đòi hỏi xuất trình bản chính của các giấy tờ đi kèm.
Họ cho rằng những bản dịch, hồ sơ đăng ký kết hôn đã hợp thức hóa lãnh sự đã được các cơ quan nhà nước chứng nhận. Vì vậy, những giấy tờ đi kèm bản dịch, hồ sơ đăng ký kết hôn là bản sao nhưng đã được dịch hoặc hợp thức hóa lãnh sự và được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận nên khi công dân yêu cầu chứng thực giấy tờ này thì chỉ căn cứ đối chiếu với bản dịch và hồ sơ đăng ký kết hôn chứ không cần đòi hỏi bản chính để đối chiếu.
(Những điểm mới của Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-Cp về chứng thực)
Chính cách hiểu không thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ chứng thực đã gây khó khăn cho công dân khi có nhu cầu thực hiện chứng thực các loại giấy tờ nêu trên. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung thêm những loại giấy tờ bản dịch, hồ sơ đăng ký kết hôn hoặc các loại giấy tờ khác mà đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận được xem là bản chính để đối chiếu khi thực hiện chứng thực.
Nguyễn Quốc Sử