Tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở có nhạy cảm giới năm 2020 -phần 4

Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc Bộ tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở có nhạy cảm giới năm 2020 dành cho hòa giải viên. Tài liệu do Bộ Tư pháp biên soạn.

Tài liệu gồm 06 phần: 

PHẦN 1: MỘT SỐ KIẾN THỨC CHUNG VỀ GIỚI  (xem tại đây)

PHẦN 2: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ (xem tại đây)

PHẦN 3: HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ CÓ NHẠY CẢM GIỚI (xem tại đây)

PHẦN 4: PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ NĂNG CỦA HÒA GIẢI VIÊN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHẠY CẢM GIỚI

Tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở năm 2020
Tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở năm 2020

PHẦN 5: TIẾN HÀNH HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ CÓ NHẠY CẢM GIỚI (xem tại đây)

PHẦN 6: THỰC HÀNH HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ CÓ NHẠY CẢM GIỚI. (xem tại đây)

Trong chuyên đề hôm nay, trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc phần thứ 4  – phương pháp và kỹ năng của hòa giải viên .

1 PHƯƠNG PHÁP HÒA GIẢI
Phương pháp hòa giải là cách thức mà hòa giải viên sử dụng để tiến hành hòa giải một vụ việc trên thực tế. Việc vận dụng cách thức nào phụ thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của mỗi hòa giải viên và tính chất, nội dung của tranh chấp cũng như đặc điểm của các bên tranh chấp. Hòa giải viên có thể tham khảo một số phương pháp hòa giải:
Phương pháp thúc đẩy/Facilitative method: Hòa giải viên điều hành buổi hòa giải theo hướng dẫn dắt các bên cùng đồng thuận trao đổi cởi mở, cùng nghiên cứu quy định pháp luật để tìm ra giải pháp tối ưu cho các bên để giải quyết tranh chấp. Hòa giải viên đặt câu hỏi; xác nhận và bình thường hóa quan điểm của các bên; phân tích lợi ích riêng của các bên; và hỗ trợ các bên trong việc tìm kiếm và phân tích các phương án lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn.
Lưu ý: Hòa giải viên không đưa ra khuyến nghị cho các bên, mà để các bên tự đưa ra ý kiến riêng của mình cũng như lựa chọn giải pháp phù hợp. Hòa giải viên chịu trách nhiệm về quy trình, trong khi các bên chịu trách nhiệm về kết quả. Phương pháp này đảm bảo rằng các bên tham gia thỏa thuận dựa trên thông tin và sự hiểu biết để tự tìm thấy giải pháp.
Phương pháp đánh giá/Evaluative method: Hòa giải viên sẽ đánh giá mâu thuẫn và hỗ trợ các bên bằng cách chỉ ra những vấn đề trong vụ việc của họ và các giải pháp họ có thể thỏa thuận, thương lượng. Thông qua đánh giá, hòa giải viên có thể đưa ra các khuyến nghị chính thức hoặc không chính thức cho các bên về kết quả giải quyết mâu thuẫn. Khi đánh giá, hòa giải viên quan tâm đến các nhu cầu và lợi ích cũng như các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên, đánh giá dựa trên các quy định của pháp luật và bảo đảm sự công bằng, sự hài lòng, thỏa mãn về cách giải quyết. Hòa giải viên đánh giá các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của hòa giải và đề xuất các phương thức giải quyết mâu thuẫn.
Phương pháp chuyển đổi/Transformative method: Hòa giải viên đặt các bên vào vị trí của nhau để có sự thấu hiểu, cảm thông. Phương pháp chuyển đổi khuyến khích và hỗ trợ các bên tham gia nhận thấy vấn đề của bên kia, từ đó đưa ra quan điểm, ý kiến. Hòa giải chuyển đổi là một hình thức hòa giải tập trung đầu tiên vào việc khôi phục mối quan hệ và sau đó là giải quyết tranh chấp.
Phương pháp hỗn hợp: Là việc sử dụng tất cả các phương pháp trên để tiến hành một vụ việc hòa giải. Hòa giải viên sẽ đưa ra những khuyến nghị, đánh giá mâu thuẫn và hỗ trợ các bên tự đề xuất ý kiến, phương án giải quyết mâu thuẫn và công nhận những phương án giải quyết mâu thuẫn đó.

2 MỘT SỐ KỸ NĂNG HÒA GIẢI CÁC VỤ, VIỆC CÓ NHẠY CẢM GIỚI
a) KỸ NĂNG GIAO TIẾP

Giao tiếp là hoạt động trao đổi thông tin để xác lập mối quan hệ và sự tiếp xúc giữa con người với nhau nhằm đạt được mục đích nhất định.

GIAO TIẾP CÓ NHẠY CẢM GIỚI
Trong quá trình giao tiếp với các bên, hòa giải viên cần sử dụng ngôn ngữ
(lời nói, hành động, cử chỉ) có nhạy cảm giới, cụ thể là:
Sử dụng ngôn ngữ trung tính về giới hoặc ngôn ngữ có nhạy cảm giới được hiểu là ngôn ngữ tránh sự thiên vị đối với một giới cụ thể (khác với ngôn ngữ giới tính). Ngôn ngữ mang định kiến giới thường được hiểu là ngôn ngữ có xu hướng thiên về một giới tính riêng biệt nào đó, ví dụ như “công việc nội trợ” thường ám chỉ là công việc dành cho phụ nữ, thay vào đó chúng ta gọi đó là “công việc nhà”. Mục đích của ngôn ngữ trung tính về giới là nhằm tránh sự phân biệt đối xử, hạ thấp dựa trên giới, giúp giảm thiểu các khuôn mẫu giới và thúc đẩy sự thay đổi xã hội, đóng góp vào bình đẳng giới thực chất. Nói cách khác là Không sử dụng ngôn ngữ mang tính chất định kiến giới. Trong giao tiếp hàng ngày chúng ta có thể sử dụng những ngôn ngữ mang tính chất định kiến giới hoặc những thái độ, cử chỉ phân biệt đối xử, do đó cần phải tránh hoặc hạn chế các bên không sử dụng các ngôn ngữ mang tính chất định kiến.
Ví dụ: Sử dụng các câu ca dao, tục ngữ mang tính định kiến như: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” có thể thay thế bằng câu “tục ngữ mới” là “Con hư là tại mẹ cha, cháu hư là tại cả bà lẫn ông”; v.v…
Không sử dụng ngôn ngữ loại trừ phụ nữ: trong giao tiếp, theo thói quen thường ghi nhận vai trò của nam giới, ưu tiên cho nam giới mà loại trừ, hoặc bỏ qua vai trò, sự đóng góp, tham gia của phụ nữ.
Ví dụ: “Các anh có ý kiến gì không?”; “Xin ý kiến của các anh trước” (trong hầu hết các cuộc thảo luận) => Câu nói này đã vô tình loại trừ sự tham gia đóng góp ý kiến của phụ nữ hoặc thể hiện sự coi trọng ý kiến của nam giới hơn.


Không sử dụng ngôn ngữ đề cao vị thế của đàn ông: Cách giao tiếp truyền thống mang định kiến giới thể hiện sự không coi trọng vai trò của phụ nữ, coi họ là người phụ thuộc và không có ý kiến, không có quyền ra quyết định. Do đó, trong giao tiếp bình đẳng, cần nâng cao vị thế của phụ nữ, đảm bảo họ có quyền đưa ra ý kiến và quyền quyết định.
Ví dụ: “Trong gia đình, người chồng là trụ cột…”, “Chồng chị là người kiếm thu nhập chính còn chị chỉ ở nhà nội trợ thôi phải không?” v.v… =>Sử dụng ngôn ngữ này thể hiện sự không thừa nhận vai trò, vị trí cũng như năng lực của phụ nữ.
Thể hiện sự tôn trọng và lịch sự qua ngôn ngữ cơ thể Khi điều hành buổi hòa giải, hòa giải viên cần thực hiện tốt kỹ năng lắng nghe, thể hiện sự tôn trọng khi các bên chia sẻ về vấn đề và quan điểm của họ, tránh cắt ngang hay chen ngang câu chuyện (khi không cần thiết).
Nguyên tắc này cũng cần được áp dụng đối với tất cả các bên khi tham gia vào vụ việc. Cần thể hiện sự hiểu biết, thấu hiểu về vị trí, vai trò và đặc điểm của từng giới.
Ví dụ: Không cười cợt, tỏ ra sốt ruột, ngắt lời liên tục, nhíu mày, quay mặt đi, v.v… khi một trong các bên xung đột đang trình bày ý kiến, đặc biệt khi người đó là phụ nữ.

Đảm bảo ngôn ngữ có nhạy cảm giới là vấn đề cần đặc biệt lưu ý và xuyên suốt trong toàn bộ tiến trình hòa giải ở cơ sở.
Ngôn ngữ cần thể hiện sự tôn trọng, công bằng, không mang tính phân biệt
đối xử dựa trên giới và không mang tính loại trừ.

LẮNG NGHE ĐỂ ĐẢM BẢO GIAO TIẾP CÓ HIỆU QUẢ
Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp giúp hòa giải viên có thể nắm bắt vấn đề, thu thập thông tin; qua đó nâng cao khả năng tương tác qua lại với đối phương, đồng thời tạo ra sự liên kết về xúc cảm giữa người nói và người nghe, tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp.
✔ Tập trung vào cuộc giao tiếp
✔ Không được chen ngang/ngắt lời
✔ Thấu hiểu, có tương tác thông qua các biểu cảm như: ngạc nhiên, xúc động, gật đầu (ngôn ngữ hình thể)
✔ Không phán xét, áp đặt đối phương
✔ Biết cách đặt câu hỏi

b) KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN PHÂN TÍCH MÂU THUẪN DƯỚI GÓC ĐỘ GIỚI
Các mâu thuẫn cần được phân tích dưới góc độ giới thông qua các tiêu chí sau:
• Vai trò của giới và sự phân công lao động: Ví dụ như tranh chấp có liên quan đến tài sản hình thành sau hôn nhân, trong trường hợp người phụ nữ làm nội trợ thì họ thường bị coi là không có đóng góp gì vì họ ở nhà, sinh con và làm việc nhà (những công việc không trực tiếp tạo ra của cải vật chất). Do đó, vai trò đóng góp của nữ giới đã không được công nhận.
• Tác động giới và nhu cầu, lợi ích cụ thể của từng giới: Vụ việc mâu thuẫn đó có ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích của mỗi giới, phương án giải quyết mâu thuẫn có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của các bên.
Ví dụ, người phụ nữ không được phân chia tài sản một cách công bằng do bị cho là không có đóng góp gì trong thời gian kết hôn, điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào.

• Sự khác biệt của mỗi giới về tính cách, đặc trưng, lối sống: Mỗi giới có những đặc trưng riêng trong cách giải quyết mâu thuẫn, trong tính cách. Ví dụ như nam giới thường hay nóng giận, nói to, có thiên hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Sự khác biệt về tính cách, lối sống có thể là nguyên nhân gây ra xung đột, mâu thuẫn nếu không hiểu và chia sẻ với nhau.
Sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống đối với vai trò của mỗi giới. Ví dụ, ở những khu vực miền núi, phụ nữ thường ở nhà sinh con, làm công việc nội trợ, hoặc ít khi được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các tài sản có giá trị lớn. Các phong tục, tập quán lạc hậu, cổ hủ có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của một trong hai giới, là nguyên nhân dẫn đến xung đột, mâu thuẫn.
• Sự tham gia vào quá trình ra quyết định: Sự tham gia của mỗi bên trong vụ việc và quá trình đưa ra các phương án giải quyết mâu thuẫn, ý kiến của các bên có được tôn trọng không, có sự phân biệt đối xử, hay định kiến giới không. Ví dụ: Có quan điểm cho rằng, phụ nữ không có vai trò gì trong việc đưa ra các quyết định, hay ý kiến của phụ nữ không quan trọng.

KỸ NĂNG CỦA HÒA GIẢI VIÊN

Hòa giải viên cần kiểm soát được cảm xúc của các bên, kiềm chế sự tức giận hoặc thái độ phản ứng tiêu cực của các bên. Ví dụ, nam giới thường khó kiềm chế được cảm xúc, dễ nổi nóng, to tiếng, còn nữ giới thường dễ xúc động, hay khóc.
Để có kỹ năng kiểm soát sự tức giận, hòa giải viên cần trả lời các câu hỏi

Tài liệu tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở
Giải pháp nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở

như sau:
• Làm thế nào để đánh giá mức độ tức giận của các bên? (thông qua cử chỉ, thái độ, lời nói để đánh giá mức độ tức giận; chỉ khi hiểu rõ mức độ căng thẳng của mâu thuẫn, hòa giải viên mới có thể có những biện pháp và kỹ năng làm giảm căng thẳng, mâu thuẫn).
• Sự tức giận được thể hiện bởi một bên hay hai bên? Nếu là một bên tức giận thì đó là nam giới hay nữ giới và bên kia phản ứng như thế nào? Nếu sự tức giận ở cả hai bên thì mức độ mâu thuẫn, xung đột đến mức độ nào?
Sự tức giận có ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến quá trình giải quyết mâu thuẫn? Việc hiểu rõ những ảnh hưởng tiêu cực đến giải quyết mâu thuẫn sẽ giúp cho hòa giải viên đưa ra các đề xuất, giải pháp, cách làm giảm bớt sự căng thẳng, tức giận của các bên: kiểm soát được sự tức giận, tránh “đổ thêm dầu vào lửa”.

Hòa giải viên cần tập trung vào vấn đề cần giải quyết và chấm dứt các bên tiếp tục tấn công hay đổ lỗi cho nhau bằng cách:

 Tập trung sâu hơn vào các vấn đề cần giải quyết và ý kiến, yêu cầu hay nguyện vọng của các bên không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan hay vị trí, quan điểm của họ.
 Khuyến khích các bên đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề một cách tích cực, mang tính chất xây dựng và quan tâm tới quyền lợi của phụ nữ, trẻ em…
 Khuyến khích sử dụng các ngôn ngữ lịch sự, suy nghĩ tích cực để giải quyết vấn đề.
 Chủ động gợi ý các giải pháp cho các bên để tự quyết định và giải quyết vấn đề mâu thuẫn trong hiện tại và các lợi ích có thể đạt được từ việc hòa giải thành.

c) KỸ NĂNG GIÚP ĐỠ CÁC BÊN THỎA THUẬN, THƯƠNG LƯỢNG
>Thương lượng là sự thuyết phục nhau nhìn nhận một vấn đề hoặc sự việc theo cách riêng của họ. Mục đích của thương lượng là để đạt được những lợi ích đặc biệt hoặc đáp ứng những nhu cầu nhất định theo cách hợp tác và hòa bình. Nhưng trong điều kiện thực tế, một số cuộc thương lượng có thể phức tạp đặc biệt là khi nó liên quan đến nhiều hơn hai bên.
> Một cuộc thương lượng có kết quả chủ yếu phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng về tinh thần và tâm lý để theo đuổi một mục tiêu. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên cần nắm rõ thông tin, hiểu rõ về nguyên nhân của mâu thuẫn, các vấn đề về tranh chấp, lợi ích, nguyện vọng của mỗi bên và phân tích rõ vấn đề giúp các bên thỏa thuận, thương lượng về các giải pháp giải quyết mâu thuẫn.

Lưu ý rằng không có sự khác biệt đáng kể giữa nam giới và nữ giới  trong quá trình lựa chọn phương án giải quyết mâu thuẫn khi đàm phán. Theo một nghiên cứu chỉ ra rằng có đến 94% nữ giới và 88% nam giới được hỏi cho rằng chậm và cẩn thận trong việc đạt được thỏa thuận không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Theo họ, việc soạn thảo một thỏa thuận tốt có thể là một nhiệm vụ khó khăn và cần có thời gian, do đó đàm phán chi tiết và cẩn thận được coi là một yêu cầu quan trọng và chuyên nghiệp trong quá trình hòa giải.
Tuy nhiên, cần chú ý đến sự khác biệt về giới trong quá trình thỏa luận, thương lượng: Nữ giới thường có xu hướng lo ngại về phản ứng dữ dội của nam giới nên thường nói nhiều hơn, còn nam giới thường có tâm lý “quyền lực” và “cái tôi/sĩ diện”. Hòa giải viên cần có kỹ năng xác định thời điểm nào cần can thiệp, ngắt lời các bên. Hòa giải viên cũng có thể đưa ra các lời lẽ mang tính khuyến khích đối với các bên khi họ đã làm tốt, hay có cách hành xử (thái độ, hành vi) đúng đắn. Ví dụ, Tôi thấy anh/chị đã rất tích cực, có thành ý trong việc đưa ra các giải pháp giải quyết xung đột; Anh/chị đã có rất nhiều giải pháp cho vấn đề này…

Kỹ năng sử dụng phương pháp hợp tác thương lượng để giúp các bên  chuyển từ thái độ đối đầu sang việc hợp tác tìm kiếm các giải pháp chung để giải quyết vấn đề

 Tách biệt vấn đề của mỗi bên, không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của họ.
 Tập trung vào các lợi ích, tổng hợp các ý kiến và sử dụng các tiêu chí để đánh giá các thông tin một cách khách quan nhất.
 Giúp các bên tiếp cận theo hướng đôi bên cùng có lợi.
 Khôi phục lòng tin và xây dựng lại mối quan hệ giữa các bên, giảm thiểu các nguy cơ xung đột.

d) KỸ NĂNG THU THẬP VÀ PHÂN TÍCH THÔNG TIN

Hòa giải viên cần có kỹ năng thu thập các thông tin: Khi một hoặc hai bên chia sẻ thông tin họ thường chia sẻ dựa trên quan điểm và ý chí chủ quan của họ, nhằm mục đích để bảo vệ lợi ích của họ và thường “đổ lỗi” cho phía bên kia. Do đó, hòa giải viên cần có kỹ năng thu thập, phân tích các thông tin, chứng cứ để xem xét các thông tin, chứng cứ thu thập được đã đủ căn cứ để đưa ra các giải pháp giải quyết mâu thuẫn của các bên hay chưa? Hòa giải viên cần lưu ý luôn đóng vai trò trung lập, không thiên vị hay thể hiện sự giúp đỡ bất kỳ bên nào.

Khi thu thập, phân tích thông tin, cần đảm bảo đánh giá thông tin có nhạy cảm giới hay không, cụ thể như sau:
• Các thông tin có thể hiện quan điểm, định kiến giới không? Ví dụ, nam giới thường có quan niệm đổ lỗi hay áp đặt đối với phụ nữ nên các thông tin đưa ra thường có tính chất áp đặt: “cô ý ở nhà cả ngày chỉ có mỗi việc trông con mà không làm được”; “cô ý không đi làm nên không thể có đóng góp gì về tài sản”. Hòa giải viên cần chú ý người cung cấp thông tin là ai? Nam giới hay nữ giới? Bởi vì trên hực tế do có sự khác biệt về giới, và có sự nhìn nhận khác nhau về vai trò giới giữa nam và nữ nên các thông tin mà các bên cung cấp thường thể hiện quan điểm của họ về vấn đề đó.
• Thông tin có liên quan đến những vấn đề tế nhị, mang tính chấtriêng tư của mỗi giới không? Có những thông tin mà các bên chỉ muốn chia sẻ với người cùng giới bởi vì họ sẽ cảm thấy không thoải mái, e ngại, xấu hổ hoặc mất niềm tin nếu chia sẻ với người khác giới.

Tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở có nhạy cảm giới năm 2020 -phần 5 tại đây

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *