Tiếp xúc cử tri là hoạt động thường xuyên, là trách nhiệm, nghĩa vụ của đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật.
Quy định về tiếp xúc xử tri
Theo Điều 115 Hiến pháp 2013 thì: Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.
Tại Điều 94 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như sau:
Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.
Sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.
Đại biểu phải tiếp xúc cử tri ít nhất 01 lần/năm
Như vậy, theo Hiến pháp và Luật TCCQĐP thì đại biểu HĐND phải thực hiện việc tiếp xú cử tri ít nhất mỗi năm 1 lần, trên thực tế thì các đại biểu tiếp xúc nhiều hơn, trước mỗi kỳ hộp thì tiếp túc để nghe phản ánh, ý kiến của nhân dân, từ đó tổng hợp phản ánh, kiến nghị cho UBND và các cơ quan chuyên môn; sau mỗi kỳ họp thì thông báo kết quả kỳ họp cùng với kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri, đồng thời lắng nghe ý kiến cử tri gửi gắm cho kỳ họp sau.
Thực tế việc tiếp xúc cử tri
Là một cử tri tôi đã đi tiếp xúc rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri từ xã, huyện, tỉnh và quốc hội. Một thực tế đáng buồn là hầu hết cử tri đi tiếp xúc là cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị còn nhân dân thì rất ít. Một cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu tỉnh tại xã thu hút được khoảng 40 cử tri thì trong đó cán bộ chiếm hết 30 người, còn đại biểu HĐND xã tiếp xúc ở thôn thì chỉ lèo tèo vài người mà hầu hết là cán bộ quân dân chính và các tổ đoàn kết. Vì sao lại như vậy?
Nhiều cử tri khi tiếp xúc với đại biểu HĐND xã, huyện, tỉnh đã nói thẳng là: CHúng tôi ý kiến nhiều mấy ông lúc nào cũng ghi nhận, tiếp thu, phản ánh chứ có làm gì được cho dân đâu? bao nhiêu kiến nghị từ kỳ họp này đến kỳ họp khác, từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác có giải quyết được đâu? thử hỏi chúng tôi bỏ thời gian, công sức ra để đi họp nhưng chẳng được gì, lần sau chúng tôi không đi nữa.
Từ việc đại biểu chỉ ghi nhận, phản ánh chứ rất ít ý kiến được giải quyết thỏa đáng nên người dân dần mất niềm tin vào đại biểu HĐND, từ đó vị trí vai trò đại diện cho nhân dân của đại biểu cũng lu mờ dần và đến một lúc nào đó nếu không sửa kịp thời thì niềm tin sẽ không còn.
Vậy, vì sao đại biểu chỉ hứa, hứa và hứa?
Một phần do quyền của đại biểu luật quy định có hạn, chỉ có quyền kiến nghị, phản ánh, chất vấn chứ không có quyền giải quyết. Có những đại biểu không làm trong cơ quan nhà nước mà chỉ ở các hội, đoàn thể hoặc bên Đảng nên không trực tiếp giải quyết công việc, không nắm được vấn đề nên khi dân phản ánh, kiến nghị không nắm bắt được hết và không có thẩm quyển xử lý mà chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền. Kiến nghị xong đôi khi không quan tâm theo dõi, đôn đốc, giám sát nên kết quả chẳng đi đến đâu – đó là do tinh thần, trách nhiệm của đại biểu chưa cao.
Như vậy, một phần do luật định một phần do tinh thần trách nhiệm mà đại biểu chưa kiến nghị, chất vấn, giám sát việc xử lý các vấn đề bức xúc của cử tri.
Nhiều cử tri cho rằng, chúng tôi bầu đại biểu HĐND để đại diện nói lên tiếng nói của nhân dân, bảo vệ quyền lợi cho dân nhưng đại biểu không đủ thẩm quyền và không đủ trách nhiệm để thực hiện thì chúng tôi bầu để làm gì?
Vậy, làm gì để nâng cao chất lượng các buổi tiếp xúc cử tri, để đại biểu HĐND xứng đáng là người đại diện cho nhân dân, bảo vệ quyền lợi người dân?
Thứ nhất, Luật cần phải quy định cụ thể khi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thì phải có lãnh đạo UBND và các cơ quan, cán bộ chuyên môn tham dự để giải quyết các vấn đề của cử tri kiến nghị, tránh tình trạng dân cứ nói, đại biểu cứ ghi chép xong rồi về.
Thứ hai, Các đại biểu cần phải nâng cao trình độ năng lực, trách nhiệm đối với công việc, với nhân dân đã bầu ra mình. Khi ghi nhận vấn đề gì thì phải phản ánh kiến nghị theo đuổi đến cùng, kịp thời thông tin lại cho nhân dân để nhân dân biết, không đợi đến tiếp xúc cử tri mới thông báo mà có thể làm văn bản gửi cho từng cử tri những vấn đề họ kiến nghị đã giải quyết được đến đâu, thẩm quyền của ai để họ yên tâm chờ đợi.
Thứ ba, các đại biểu cần phải gần dân hơn, không phải đến kỳ tiếp xúc mới nghe ý kiến của nhân dân mà phải thường xuyên xuống dân để lắng nghe, phản ánh, kiến nghị xử lý kịp thời các bức xúc trong dân, tránh tình trạng bức xúc của người dân kéo dài không được lắng nghe, chia sẻ, giải quyết.
Thừ tư, đối với những kiến nghị, vấn đề không đúng thẩm quyền hoặc có thể trả lời ngay thì đại biểu khẳng định ngay chứ không nên hứa thế này, thế nọ để rồi không làm được sẽ mất niềm tin.
Thứ năm, việc tiếp xúc cử tri nên tổ chức vào buổi tối hoặc ngày nghỉ, không nên tổ chức vào các ngày hành chính vì dân phải đi làm ăn không tham gia được.
Việc tiếp xúc cử tri là hoạt động quan trọng của đại biểu HĐND, là cầu nối giữa dân với Nhà nước, nếu chiếc cầu này không tốt thì sẽ rất NGUY. Mong rằng HĐND các cấp, các đại biểu HĐND sớm thay đổi cách tiếp xúc cử tri, nâng cao hơn nữa trách nhiệm đại diện của mình, có như vậy, Nhân dân mới tin và gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình vào đại biểu.
Ru bi