Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định khá chi tiết trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tại Điều 52 Luật XLVPHC có quy định nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
Thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:
+ Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó.
(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
+ Nếu hình thức, mức xử phạt, giá trị tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.
Như vậy, theo Luật XLVPHC thì thẩm quyền phạt tiền đã phân định rõ, đó là căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt. Tuy nhiên, thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả, Luật XLVPHC mới chỉ quy định ở trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi mà biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng một trong các hành vi đó vượt thẩm quyền của người xử phạt thì người đó phải chuyển cho người có thẩm quyền. Trường hợp một người thực hiện 01 hành vi vi phạm hành chính nhưng hành vi đó có 02 hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có 1 biện pháp khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền xử lý của người lập hồ sơ, một biện pháp không thuộc thẩm quyền thì trường hợp này người thụ lý hồ sơ xử phạt hay phải chuyển cho người có thẩm quyền áp dụng cả 2 biện pháp khắc phục hậu quả.
Quan điểm áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
Do Luật chưa có quy định cụ thể nên hiện nay có hai cách hiểu khác nhau.
Một số quan điểm cho rằng trường hợp có nhiều biện pháp khắc phục hậu quả mà trong đó có ít nhất một biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền của người thụ lý hồ sơ thì người đó phải chuyển toàn bộ hồ sơ đến người có thẩm quyền để xử lý.
(Thời hạn gửi quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là bao nhiêu ngày?)
Ví dụ: A có hành vi chiếm đất rừng phòng hộ, với diện tích 2000m2. Chủ tịch UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai (từ ngày 05/01/2020 thì áp dụng theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai). Tuy nhiên, do hành vi của A bị áp dụng 2 biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm. Đối chiếu với Khoản 1 Điều 31 Nghị định 102 thì Chủ tịch UBND cấp xã chỉ được áp dụng biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, do đó chủ tịch UBND xã phải chuyển hồ sơ để Chủ tịch UBND cấp huyện xử phạt.
Vận dụng để áp dụng pháp luật
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng do Luật XLVPHC chưa quy định rõ nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp một người chỉ có một hành vi vi phạm nhưng lại có nhiều biện pháp áp dụng khắc phục hậu quả, do đó có thể vận dụng Điểm a Khoản 2 Điều 28 Luật XLVPHC để xác định thẩm quyền, đó là: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
(Tổng hợp các sai sót thường gặp và cách khắc phục trong xử phạt hành chính)
Căn cứ vào quy định trên thì trường hợp một người có hành vi phạm hành chính nhưng áp dụng nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền của người xử lý hồ sơ thì người đó vẫn có thẩm quyền xử phạt với việc lựa chọn áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền của mình.
Từ ví dụ ở trên, nếu áp dụng theo nguyên tắc này thì Chủ tịch UBND xã có quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với A và buộc A phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Và mới đây, theo Ngày 24/5/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực 10/7/2021, theo đó: Người không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định này thì không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tương ứng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm đó.
Để áp dụng pháp luật được thống nhất, thiết nghĩ các Nghị định của Chính phủ khi ban hành xử phạt vi phạm hành chính cũng cần nêu rõ thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với một người thực hiện một hành vi vi phạm hành chính nhưng có nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng như Nghị định 55/2021/NĐ-CP để các cơ quan có thẩm quyền xử phạt thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật.
Clip giải đáp vướng mắc trong áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả
Phương Thảo