Trangtinphapluat.com giới thiệu những vướng mắc Về xử lý vi phạm hành chính và vấn đề thời hạn, thời hiệu trong một số trường hợp khi phát sinh dịch Covid – 19.
1. Vướng mắc về xử lý vi phạm hành chính
– Việc công khai các quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hành vi vi phạm về phòng, chống dịch, bệnh nhằm bảo đảm tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa cũng gặp vướng mắc, bất cập. Bởi vì, theo quy định tại Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính thì vụ việc thuộc trường hợp công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ, đồng thời 02 điều kiện:
Thứ nhất, vi phạm hành chính thuộc một trong 14 lĩnh vực quản lý nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính (an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả);
Thứ hai, hành vi vi phạm hành chính phải gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dự luận xã hội. Trong khi, trên thực tế, có hành vi vi phạm về phòng, chống dịch, bệnh có thể thuộc 14 lĩnh vực quản lý nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính nhưng lại chưa gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội hoặc ngược lại, có hành vi vi phạm về phòng, chống dịch, bệnh gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội nhưng lại không thuộc 14 lĩnh vực quản lý nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính.
– Có những trường hợp đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính không thể chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do bị cách ly y tế hoặc đang ở trong khu vực, địa phương thực hiện giãn cách xã hội hoặc bị phong tỏa; không có khả năng chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do mất việc làm, thu nhập giảm sút… Trường hợp đối tượng vi phạm do bị cách ly y tế hoặc ở khu vực phòng tỏa nhưng không có tài khoản nên nộp tiền xử phạt chậm phát sinh tiền nộp chậm và có đề nghị được miễn tiền nộp chậm này.
– Một số trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính do xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh khách quan dịch, bệnh kéo dài nhưng vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ: Do dịch bệnh, cách ly, phong tỏa, doanh nghiệp chậm nộp thuế và bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này theo quy định của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Trong những trường hợp này, một số ý kiến cho rằng, cần coi dịch, bệnh COVID-19 là “sự kiện bất khả kháng và không xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Bởi vi, khoản 4 Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng”.
2. Vướng mắc về thời hạn, thời hiệu trong một số trường hợp khác
– Hiện nay, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 mà nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, người dân bị hạn chế ra ngoài khi không cần thiết. Do đó, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp với nhà nước bị ảnh hưởng trực tiếp; nhiều cơ quan nhà nước không thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các lĩnh vực phải tiến hành trực tiếp tại cơ sở, đặc biệt là những hoạt động có quy định về thời hạn, thời hiệu. Trong khi đó, pháp luật chưa có quy định về trường hợp do dịch mà các địa phương bị áp dụng biện pháp giãn cách xã hội là sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan không tính vào thời hạn, thời hiệu. Cụ thể:
+ Thời hạn thanh tra hành chính
Điều 45 Luật Thanh tra năm 2010 quy định về thời hạn thanh tra hành chính như sau:
“1. Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra được quy định như sau:
a) Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày;
b) Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dái, nhưng không quá 70 ngày;
2. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra”.
Theo quy định nêu trên, thời gian tiến hành thanh tra được thực hiện liên tục kể từ khi công bố Quyết định thanh tra tới khi kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra. Trong thời gian dịch bệnh vừa qua việc thực hiện thời gian thanh tra nêu trên là không thể thực hiện được, đặc biệt trong điều kiện đối tượng thanh tra trải dài tại nhiều địa phương trong cả nước, việc đi lại rất khó khăn và không thể kiểm tra, xác minh tại đơn vị. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường và lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng không thể tiến hành thanh tra do một số địa phương bị phong tỏa, giãn cách, cấm đi lại… Tuy nhiên, qua rà soát, Luật Thanh tra hiện hành không có quy định cho phép tạm dừng tiến hành hoạt động thanh tra do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan vì địa phương đang có dịch và áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
+ Về thời hạn giải quyết khiếu nại
Luật Khiếu nại năm 2011, tại Điều 28 và Điều 37 quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại như sau:
Điều 28 quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Điều 37 quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý”.
Theo quy định của Luật Khiếu nại hiện hành chỉ quy định về việc kéo dài thời hạn giải quyết khiếu nại do ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn hoặc do vụ việc phức tạp và việc kéo dài thời hạn chỉ trong một khoảng thời gian nhất định; không có quy định về việc tạm dừng giải quyết khiếu nại do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong khi đó, nhiều vụ việc phức tạp khi giải quyết khiếu nại phải tiến hành xác minh tại cơ sở, do đó, khi địa phương có dịch bệnh và áp dụng biện pháp giãn cách xã hội thì việc xác minh tại một số đơn vị phải dừng lại và thời hạn giải quyết khiếu nại kéo dài hơn so với quy định. Đây sẽ là nguyên nhân đương sự khiếu nại sau này, gây bất lợi cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
+Thời hạn giải quyết tố cáo
Điều 30 Luật Tố cáo năm 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo như sau:
“1. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
- Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
- Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày”.
Tiếp đó, tại Điều 34 Luật Tố cáo quy định về tạm đình chỉ giải quyết tố cáo như sau: “Người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan; b) Cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại…”.
Theo đó, có thể thấy rằng, Luật Tố cáo hiện hành thì thời hạn giải quyết tố cáo chỉ có thể gia hạn so với thời hạn luật định khi vụ việc có tính chất phức tạp hoặc đặc biệt phức tạp; tạm đình chỉ giải quyết tố cáo khi đợi kết quả của cơ quan có thẩm quyền khác mà không có quy định về gia hạn hay tạm dừng giải quyết tố cáo do có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan do địa phương có dịch đang phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Trong khi đó, Luật Tố cáo hiện hành quy định về việc xác minh là thủ tục bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Do đó, việc giải quyết tố cáo không thể thực hiện được do không thể thực hiện được việc xác minh tại cơ sở khi địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
Quốc Huy