Theo quy định tại Khoản 12 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, thì:
Bất cập quy định 60 ngày làm thủ tục cấp phép
Đối với hành vi xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp trong trường hợp sửa chữa, cải tạo; hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới; hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:
– Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;
– Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;
(Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
– Hết thời hạn 60 ngày, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Và tại Điều 5 của Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở cũng quy định: Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.
Như vậy, theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/TT-BXD thì đối với công trình đang thi công xây dựng thì không phân biệt trường hợp đủ điều kiện cấp phép hay không đủ điều kiện cấp phép đều quy định trong thời hạn 60 ngày tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm thủ tục xin cấp Giấy phép xây dựng, nếu quá 60 ngày mà không có giấy phép xây dựng hoặc không điều chỉnh giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.
Quy định này không thật sự phù hợp với thực tế, vì nhiều trường hợp vi phạm khi lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt đã biết trường hợp này KHÔNG THỂ VÀ KHÔNG ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG nên việc quy định thời hạn 60 ngày để xin phép xây dựng là không cần thiết và gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm, vì để thời gian càng dài thì sẽ phát sinh thêm vi phạm và khi cưỡng chế sẽ gây thiệt hại cho cả người vi phạm và cả nhà nước.
Chỉ công trình đủ điều kiện mới để 60 ngày xin phép
Trước đây theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (đã hết hiệu lực từ ngày 15/01/2008), thì : Đối với những công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng nhưng đủ điều kiện để cấp Giấy phép xây dựng theo quy định thì xử lý như sau:
– Những công trình xây dựng phải bị lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp Giấy phép xây dựng gồm: công trình xây dựng phù hợp vị trí quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng trên đất ở có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, phù hợp quy hoạch xây dựng; xây dựng mới trên nền nhà cũ hoặc cải tạo nhà đang ở phù hợp quy hoạch xây dựng; công trình xây dựng trên đất có đủ điều kiện về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai;
– Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc xin cấp Giấy phép xây dựng, đồng thời áp dụng các biện pháp bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng.
Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng, chủ đầu tư không xuất trình Giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cưỡng chế phá dỡ;
(Công trình đang xây dựng có được cấp giấy phép xây dựng?)
Nghị định 180 quy định rõ chỉ những trường hợp đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng thì mới cho thời hạn 60 ngày để làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng, còn nếu trường hợp vi phạm không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng thì áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả ngay chứ không đợi hết 60 ngày.
So với Nghị định 180 thì Nghị định 139 quy định thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm làm thủ tục xin cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng. Tuy nhiên lại không phù hợp với thực tế vì nhiều trường hợp khi phát hiện vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền đã xác định được chắc chắn công trình vi phạm đó sẽ không được cấp giấy phép xây dựng.
(Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính sẽ bị cắt điện, cắt nước)
Thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu điều chỉnh việc áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm quy định tại Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP theo hướng: Đối với trường hợp vi phạm mà đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng thì tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức vi phạm có 60 ngày để làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Còn đối với những trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng thì quy định theo hướng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ công trình ngay chứ không để 60 ngày xin giấy phép xây dựng, vì có để 60 ngày cũng không thể xin cấp giấy phép được. Quy định theo hướng này đảm bảo xử lý kịp thời các công trình xây dựng không phép, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, giảm thiệt hại cho cá nhân, tổ chức vi phạm.
Clip hướng dẫn thủ tục xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng
Không có chế tài ngăn chặn vi phạm
Nghị định số 139/2017/NĐ-CP không có quy định về các biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm như: Ngăn chặn hoặc tạm thu giữ các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc thi công xây dựng công trình vi phạm; dẫn đến sau khi lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, công trình vi phạm vẫn tiếp tục thi công, gây khó khăn cho cơ quan thẩm quyền trong việc ngăn chặn ngay từ khi công trình mới hành thành và công tác xử lý về sau.
Bên cạnh đó, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP không có quy định xử phạt về nội dung tự chuyển đổi công năng sử dụng (Ví dụ: Trên thực tế một số trường hợp khi xin phép xây dựng là nhà ở gia đình và quá trình xây dựng theo giấy phép được cấp nhưng khi đưa vào sử dụng là nhà kho, nhà xưởng, nhà gây nuôi chim yến… phục vụ vào mục đích kinh doanh không sử dụng để ở).
Không thể xử phạt sai phép ở nông thôn
– Theo Điều 89 Luật Xây dựng 2014 (Được sửa đổi bổ sung tại Luật số 62/2020/QH14) công trình nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế có một số trường hợp do nhu cầu nên đã xin cấp phép xây dựng nhà ở và được cơ quan thẩm quyền cấp phép nhưng khi tổ chức thi công xây dựng thì sai nội dung giấy phép xây dựng; đối với những trường hợp này không xử phạt về hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được vì trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP không có điều khoản quy định…
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc về nội dung trên, ý kiến xin ghi ở phần bình luận bên dưới bài viết hoặc gửi qua mail kestitinh355@gmail.com.
(Xây dựng công trình không phép – Chủ thầu, thợ xây có bị xử phạt?)
Phương Thảo
Bất cập của Nghị định 139/2017/NĐ-CP :
Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 6 Thông tư số QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 139/2017/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2017 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG; KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, KINH DOANH KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG, SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG; QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT; KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN, PHÁT TRIỂN NHÀ Ở, QUẢN LÝ SỬ DỤNG NHÀ VÀ CÔNG SỞ” quy định như sau: “Hành vi vi phạm được người có thẩm quyền phát hiện kể từ ngày 15/01/2018 thì xử phạt theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Trường hợp Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP có mức phạt đối với hành vi đó cao hơn mức phạt quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì áp dụng mức phạt quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.”
Theo quy định, Nghị định số 139 có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2018, thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ và Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ. Như vậy, việc quy định áp dụng mức phạt tiền đối với công trình bị phát hiện kể từ thời điểm sau ngày 15/01/2018 theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP gặp nhiều bất cập! Cụ thể, việc quy định áp dụng mức phạt tiền theo NĐ 121 đối với trường hợp CT xây dựng không phép không phù hợp quy hoạch chỉ có 45 triệu đồng (mức phạt trung bình) so với mức phạt quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP với cùng hành vi vi phạm là 55 triệu đồng (mức phạt trung bình). Điều này cho thấy, người xử lý vi phạm một lần nữa phải “dỡ ra” và đối chiếu quy định mức phạt giữa Nghị định cũ và Nghị định mới, trong khi đó NĐ cũ đã hết hiệu lực thi hành, mặt khác mức phạt tiền đối với CTXD vi phạm QH lại giảm, e rằng tính răn đe đối với việc xử lý các công trình này là không có, người vi phạm lợi dụng điều này sẽ khai man CTXD đã xây dựng từ lâu trước ngày 15/01/2018, lợi dụng quyền dân chủ để khiếu nai QĐXP làm hoãn việc thi hành các QĐ xử lý..v….v…, gây khó khăn, tốn thời gian cho việc kiểm tra xác minh, giải quyết khiếu nại của các cơ quan chức năng!
huyen nguyen
Gửi bạn Huyen Nguyên!
THeo tôi hiểu Điểm b Khoản 4 Điều 6 Thông tư 03/2018/TT-BXD như nêu ở trên quy định trong trường hợp Hành vi vi phạm được người có thẩm quyền phát hiện kể từ ngày 15/01/2018 mà đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1, nhưng không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm e khoản 1 Điều 6. Tức là:
a) Hành vi vi phạm xảy ra từ ngày 04/01/2008 và đã kết thúc trước ngày 15/01/2018 nhưng sau ngày 15/01/2018 mới được người có thẩm quyền phát hiện hoặc đã được phát hiện trước ngày 15/01/2018 và đã có một trong các văn bản sau đây: Biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả;
b) Không vi phạm chỉ giới xây dựng;
c) Không ảnh hưởng các công trình lân cận;
d) Không có tranh chấp;
đ) Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp;
Nhưng không phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì mới áp dụng điểm b khoản 4 Điều 6 Thông tư 03, cụ thể: Hành vi vi phạm được người có thẩm quyền phát hiện kể từ ngày 15/01/2018 thì xử phạt theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Trường hợp Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP có mức phạt đối với hành vi đó cao hơn mức phạt quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì áp dụng mức phạt quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Trường hợp hết thời hiệu xử phạt thì không ra quyết định xử phạt hành chính nhưng vẫn ra quyết định áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Như vậy, điểm b khoản 4 điều 6 chỉ áp dụng hành vi xảy ra từ ngày 04/01/2008 và đã kết thúc trước ngày 15/01/2018 mà người có thẩm quyền phát hiện kể từ ngày 15/01/2018 thì mới áp dụng Nghị định 121 nếu có lợi hơn.
Ví dụ: A có hành vi xây dựng không phép vào tháng 12/2017 nhưng đến tháng 10/2018, người có thẩm quyền kiểm tra mới phát hiện và lập biên bản, xác định được A đã xây dựng nhà xong vào tháng 12/2017. Như vậy, trường hợp này hành vi của A xảy ra trước ngày 15/01/2018 nhưng sau ngày 15/01/2018 người có thẩm quyền mới phát hiện, do đó áp dụng điểm b khoản 4 điều 6 Thông tư 03 để xử phạt A, tức là áp dụng Nghị định 121 để phạt có lợi cho A hơn.
Từ ngày 15/01/2018 trở đi, ngày Nghị định 139 có hiệu lực thì nếu có hành vi vi phạm xảy ra thì áp dụng Nghị định 139 để xử phạt chứ không áp dụng Nghị định 121, vì nguyên tắc áp dụng pháp luật là văn bản đang có hiệu lực tại thời điểm hành vi xảy ra.
Do đó khi phát hiện hành vi vi phạm trên lĩnh vực xây dựng điều quan trọng là phải xác định hành vi đang diễn ra hay đã kết thúc, nếu đã kết thúc thì kết thúc thời điểm nào để xác định văn bản áp dụng cho đúng.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn Huyen Nguyên
Nguyễn Quốc Sử – Quản lý Blog trangtinphapluat.com
Dạ vâng! Em cảm ơn ý kiến đóng góp của Luật sư ạ!
Như a đã nói: “Như vậy, điểm b khoản 4 điều 6 chỉ áp dụng hành vi xảy ra từ ngày 04/01/2008 và đã kết thúc trước ngày 15/01/2018 mà người có thẩm quyền phát hiện kể từ ngày 15/01/2018 thì mới áp dụng Nghị định 121 nếu có lợi hơn.” Điều này, mặc nhiên Em hiểu ạ. Vì đó là trường hợp chuyển tiếp của Nghị định 139, mọi hành vi xảy ra đã kết thúc trước thời điểm NĐ 139 có hiệu lực thì xử lý vẫn áp dụng NĐ 121.
Tuy nhiên, nếu trường hợp xây dựng mới và phát hiện cùng lúc vào tháng 6/2018 thì áp dụng NĐ số 139 luôn. Chứ Luật ghi thêm ra câu nàythì hơi thừa: “Hành vi vi phạm được người có thẩm quyền phát hiện kể từ ngày 15/01/2018 thì xử phạt theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Trường hợp Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP có mức phạt đối với hành vi đó cao hơn mức phạt quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì áp dụng mức phạt quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP “. Là 2 vế hay 1 vế?
tất cả hành vi xảy ra sau ngày 15/01/2018 thì áp dụng Nghị định 139 bạn nhé.
Tại Khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định:
Điều 156. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
Và Thông tư 03 cũng nêu rõ trường hợp mà xảy ra trước ngày 15/01/2018 mà sau ngày 15/01/2018 mới bị phát hiện và xử lý thì mới xem xét áp dụng hồi tố nếu Ngị định 121 có lợi hơn cho người vi phạm.