Trangtinphapluat.com tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những bất cập của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành:
Khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Một số quy định của Luật XLVPHC quy định chưa rõ ràng còn chồng chéo chưa thống nhất, trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc như:
– Tại khoản 2 Điều 2 Luật XLVPHC quy định việc xử phạt vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức, không áp dụng đối với hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Thực tế hiện nay, trong các lĩnh vực như xây dựng, kinh doanh, tệ nạn xã hội, bảo hiểm, lao động,… có rất nhiều trường hợp hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm nhưng chưa có quy định cụ thể để xử lý.
– Tại điểm l khoản 1 Điều 10 của Luật XLVPHC quy định: “Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn” nhưng thực tế quy định này chưa có văn bản dưới Luật nào hướng dẫn về quy mô ở cấp độ nào hoặc giá trị hàng hóa từ bao nhiêu tiền (VNĐ) thì được coi là lớn để xác định hành vi được coi là tình tiết tăng nặng trong xử phạt VPHC, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
– Tại khoản 3 Điều 18 Luật XLVPHC quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền” nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới như thế nào. Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 77 Luật XLVPHC quy định: “Đối với trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định xử phạt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đó xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt” nhưng lại không quy định trình tự, thủ tục nên gây nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
– Điều 54 Luật XLVPHC quy định người có thẩm quyền xử phạt có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, Trưởng Công an cấp xã có thể giao quyền xử phạt cho Phó Trưởng Công an cấp xã. Trên thực tế, nhiều địa phương Phó Trưởng Công an cấp xã là cán bộ hợp đồng chưa phải là công chức; vậy trong trường hợp này, Phó Trưởng Công an cấp xã có được quyền lập biên bản và ra quyết định xử phạt hay không.
– Khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC quy định thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 24 giờ, quy định thời gian như trên quá ngắn so với vùng sâu, vùng xa, miền núi hoặc những vụ việc vi phạm phát hiện trong các ngày lễ. Trường hợp thật sự cần thiết được kéo dài thêm 24 giờ nhưng không quy định rõ nên việc áp dụng chưa thống nhất.
– Điều 66 Luật XLVPHC quy định đối với vụ việc vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp thì được kéo dài thời hạn ra quyết định xử phạt không quá 30 ngày. Tuy nhiên, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định như thế nào là trường hợp phức tạp.
– Khoản 3 Điều 99; khoản 3 Điều 101 Luật XLVPHC quy định sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo cho người đề nghị áp dụng hoặc cha, mẹ hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ. Quy định này trong thực tiễn thực hiện gặp nhiều khó khăn vì sau khi thông báo, các đối tượng thường tìm mọi biện pháp để đối phó, trì hoãn hoặc trốn tránh.
– Khoản 1 Điều 122 Luật XLVPHC quy định biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều trường hợp đối tượng có hành vi khác như trộm cắp tài sản, cơ quan Công an cần thời gian để xác minh nhân thân của đối tượng vi phạm để xử lý theo đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm (đối với những tội có quy định đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên), nhưng đối tượng lại không có nơi cư trú ổn định, nếu không tạm giữ hành chính để xác minh thì đối tượng sẽ bỏ trốn, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý về sau.
– Khoản 1 Điều 126 Luật XLVPHC quy định “Cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước trong trường hợp tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép”, gây khó khăn, khó thực hiện vì hiện nay phương tiện vận tải có giá trị lớn, người vận chuyển đa số làm thuê, thu nhập thấp.
Khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
– Nghị định số 180/2007/NĐ-CP và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP có quy định cho phép nộp phạt để tồn tại công trình xây dựng không phép, sai phép nhưng lại không có văn bản hướng dẫn về thời gian áp dụng, cách thức áp dụng nên địa phương không thực hiện được. Đồng thời, Luật Xây dựng 2014 đã có hiệu lực nhưng các văn bản hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng vẫn căn cứ theo Luật Xây dựng năm 2003, chưa được ban hành kịp thời theo quy định Luật mới, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.
– Một số quy định về biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không phù hợp với thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ và chưa đáp ứng được thực tiễn áp dụng; cụ thể: Nghị định số 81/2011/NĐ-CP không quy định mẫu quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và tại Điều 33 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP chỉ quy định những nội dung chính của quyết định cưỡng chế chứ không quy định mẫu cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chưa ban hành các mẫu biên bản, quyết định phù hợp để sử dụng trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình, gây nhiều lúng túng và khó khăn trong việc sử dụng biểu mẫu, dẫn đến việc mỗi địa phương áp dụng theo một cách khác nhau.
– Luật XLVPHC và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không quy định cụ thể đối với các trường hợp đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng nếu người vi phạm không chấp hành thì có ban hành quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hay không. Tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định nguyên tắc tất cả các trường hợp cưỡng chế phải có quyết định cưỡng chế, đồng thời đề cập đến nội dung quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nhưng không quy định biểu mẫu cụ thể. Điều này dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều và lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện.
– Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền lập biên bản gồm “người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ…”. Quy định này dẫn đến khó khăn cho các cơ quan chuyên môn cũng như UBND cấp xã trong quá trình lập biên bản vi phạm hành chính vì số lượng công chức, viên chức không đủ để có mặt thường xuyên lập biên bản vi phạm. Đồng thời, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trên lĩnh vực xây dựng phải là công chức nên gây khó khăn cho các Đội quản lý trật tự xây dựng của cấp huyện vì thành viên của Đội là viên chức. Việc lập biên bản đối với trường hợp hộ gia đình có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị, hiện nay các cơ quan chuyên môn lúng túng trong việc xác định từng cá nhân vi phạm hay chủ thể đại diện gia đình vi phạm ký biên bản.
– Hiện nay, thẩm quyền xác định người nghiện ma túy thuộc về trách nhiệm của ngành y tế, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở y tế trong tỉnh chưa thực hiện việc xác định người nghiện ma túy theo thẩm quyền được quy định tại Điều 10 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở để cai nghiện bắt buộc.
– Theo Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, đối với quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND các cấp thì Chủ tịch UBND ra quyết định cưỡng chế căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND để phân công cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế. Việc phân công cơ quan chủ trì phải trên nguyên tắc vụ việc thuộc lĩnh vực chuyên môn của cơ quan nào thì giao cơ quan đó chủ trì; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều cơ quan thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giao cho một cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng do Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành. Như vậy, hai Nghị định trên đã có sự mâu thuẫn với nhau về trách nhiệm tổ chức thực hiện cưỡng chế. Bên cạnh đó, theo quy định về thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP thì thời hạn thực hiện cưỡng chế là 05 ngày. Tuy nhiên 05 ngày thì không đủ thời gian để cơ quan tổ chức thực hiện lập phương án, kế hoạch, huy động lực lượng để cưỡng chế.
– Điểm a khoản 6 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm hành chính đối với công trình nhà ở riêng lẻ, ở nông thôn xây dựng không phép, tuy nhiên điểm k khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 quy định đối với công trình nhà ở riêng lẻ ở nông thôn được miễn giấy phép xây dựng. Hiện nay, vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho việc xử lý các trường hợp vi phạm.
– Điểm a khoản 6 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, chế tạo, sửa chữa súng săn trái phép nhưng không quy định xử phạt đối với hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ súng săn và các loại đạn dùng cho súng săn nên các địa phương gặp nhiều lúng túng trong công tác quản lý, xử phạt.
– Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 163/2013/NĐ-CP chưa quy định rõ số lượng, khối lượng vật liệu nổ công nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh sử dụng vật liệu nổ công nghiệp làm thất thoát là bao nhiêu để xử lý vi phạm hành chính.
– Việc rà soát đối tượng để áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn do quy định trong 6 tháng ít nhất phải có 02 lần vi phạm bị xử lý (thời gian quá ngắn); trong khi đó, nhiều đối tượng vi phạm nhiều lần, ở nhiều địa bàn khác nhau, nên khó có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng này.
– Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng còn gặp nhiều vướng mắc trong việc xác định tang vật vi phạm hành chính hay số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với cây trồng hoặc sản phẩm được hình thành trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép (do tác động của con người). Hiện nay, vẫn còn nhiều quan điểm không thống nhất trong việc xử lý đối với hành vi vi phạm này.
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện
– Về xác minh thông tin người vi phạm: trong một số trường hợp, người vi phạm không chịu hợp tác, không cung cấp thông tin về nhân thân, buộc người lập biên bản phải liên hệ các cơ quan chức năng để lấy thông tin, do đó ảnh hưởng đến tính kịp thời về xử lý vi phạm hành chính.
– Việc tuân thủ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của một số đối tượng chưa nghiêm, nhất là miền núi, đối tượng vi phạm là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật còn hạn chế, kinh tế khó khăn, không có tiền nộp phạt.
– Về cưỡng chế thi hành hình phạt tiền: hiện nay một số đối tượng vi phạm hành chính bị xử phạt bằng hình thức phạt tiền, không chấp hành quyết định xử phạt nhưng rất khó cưỡng chế thi hành vì hầu hết các đối tượng này đều là lao động tự do, cơ quan, đơn vị không đủ thẩm quyền để xác định tài khoản ngân hàng của người vi phạm; nếu thực hiện kê biên tài sản thì dễ tạo điểm nóng trong dư luận nên khó thực hiện. Bên cạnh đó, quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thực tiễn áp dụng rất khó khăn như việc xác minh tài sản kê biên, tài khoản tiền gửi của người bị xử phạt, nếu không xác minh thì không có căn cứ ra quyết định cưỡng chế, nhưng nếu xác minh có thể dẫn đến việc tẩu tán tài sản.
Trên đây là tổng hợp những bất cập trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Ru bi
Trích từ Báo cáo 131/BC-UBND ngày 02/11/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về báo cáo công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2016