Quy định về xác nhận của UBND cấp xã: Thiếu quy định, Quá nhiều rủi ro!

Hiện nay trong các giao dịch của người dân có rất nhiều cơ quan, đơn vị yêu cầu phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi thường trú như: Khi thực hiện hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì các Văn phòng Công chứng yêu cầu người dân về UBND cấp xã để xác nhận tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có mấy thành viên hay như các công ty khi tuyển dụng đều yêu cầu người xin việc phải có bản xác nhận hạnh kiểm của chính quyền địa phương hay như trường hợp một người có nhiều tên gọi khác nhau hoặc tên trong các giấy tờ khác nhau thì cơ quan tiếp nhận cũng yêu cầu về đia phương xác nhận là một người hay như người dân yêu cầu chính quyền cấp xã xác nhận gia đình họ có những người đồng thừa kế...và muôn vàn yêu cầu khác nữa.

Chưa có quy định về xác nhận của UBND cấp xã

Hiện nay, theo trangtinphapluat.com tìm hiểu thì chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền xác nhận của UBND cấp xã đối với một số yêu cầu nêu trên như xác nhận về thành viên hộ gia đình, xác nhận bản hạnh kiểm, xác nhận số người đồng thừa kế…

Quy định về xác nhận của UBND cấp xã
Quy định về xác nhận của UBND cấp xã

Trong lĩnh vực chứng thực thì có Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Theo đó, UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, chứng thực hợp đồng, giao dịch, không có quy định về xác nhận nội dung theo yêu cầu của công dân.

Không xác nhận không được

Mặc dù pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc xác nhận các văn bản nói trên nhưng trong thực tế thì công dân yêu cầu xác nhận các nội dung trên rất nhiều đặc biệt là xác nhận hạnh kiểm để làm hồ sơ xin việc, trong đó có thể hiện có vi phạm pháp luật hay không (một dạng của phiếu lý lịch tư pháp), xác nhận thành viên hộ gia đình sử dụng đất, xác nhận đồng thừa kế…

(Thẩm quyền xác nhận thành viên hộ gia đình sử dụng đất)

Do không có quy định nên hầu hết UBND cấp xã vận dụng việc chứng thực chữ ký theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP để thực hiện, tức là xác nhận chữ ký của người đề nghị xác nhận là đúng chứ không xác nhận nội dung cụ thể theo yêu cầu của công dân. Tuy nhiên, nhiều cơ quan khi tiếp nhận các loại văn bản xác nhận chữ ký của UBND cấp xã đã không đồng ý, vì cho rằng cần phải xác nhận nội dung là đúng hay không? có bao nhiêu thành viên hộ gia đình, bao nhiêu người được hưởng thừa kế…nên trả hồ sơ, yêu cầu công dân về địa phương xác nhận lại dẫn đến người dân cho rằng chính quyền gây khó dễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Quá nhiều rủi ro

Chính quyền địa phương không thể biết rõ là tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gia đình người được cấp đất có mấy thành viên được, vì việc cấp giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện nên UBND cấp xã không thể xác nhận được (Tại Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân Tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, tại mục số 4  của phần Dân sự  thì UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chứ không phải UBND cấp xã) xác định thành viên trong hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm căn cứ giải quyết vụ án – XEM GIẢI ĐÁP TÒA ÁN TỐI CAO VỀ XÁC NHẬN THÀNH VIÊN HỘ GIA ĐÌNH). Hay như, UBND cấp xã không thể xác nhận một công dân là vi phạm pháp luật hay là không chấp hành các quy định tại địa phương trong bản xác nhận hạnh kiểm được, vì Chính phủ đã yêu cầu không được xác nhận các nội dung chấp hành pháp luật vào sơ yếu lý lịch, bên cạnh đó việc có vi phạm pháp luật hay không thì xã không thể biết hết được.

Thẩm quyền xác nhận thành viên hộ gia đình sử dụng đất
Quy định thành viên Hộ gia đình sử dụng đất

Hay như việc xác nhận có bao nhiêu người được hưởng thừa kế của người chết để lại di sản được, vì họ có thể có con riêng, con nuôi ở nơi khác…

(Xác nhận sơ yếu lý lịch ở đâu)

Hay việc một người có nhiều tên khác nhau trong các loại giấy tờ, cần phải xác nhận là một người để thực hiện các giao dịch với ngân hàng hoặc các cơ quan khác, nếu UBND xã không xác nhận thì cơ quan nào xác nhận đề người dân thực hiện các giao dịch của mình.?

Cần có quy định cụ thể về xác nhận của UBND cấp xã

Để giải quyết được các nhu cầu xác nhận giấy tờ của công dân như đã nêu ở trên, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần sớm bổ sung các quy định về thẩm quyền xác nhận các loại giấy tờ, văn bản của UBND cấp xã theo hướng nếu chính quyền địa phương biết rõ nội dung mà công dân yêu cầu xác nhận thì xác nhận nội dung là đúng. Trường hợp không biết rõ nội dung công dân yêu cầu xác nhận là đúng hay không thì thực hiện xác nhận chữ ký theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP, nội dung công dân tự chịu trách nhiệm.

(Vướng mắc trong thủ tục xác nhận quan hệ nhân thân)

Trangtinphapluat.com rất mong muốn nhận được ý kiến của bạn đọc chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc xác nhận của UBND cấp xã đối với các yêu cầu của công dân.

Ý kiến bình luận vui lòng đăng ở phần bình luận bên dưới bài viết.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

3 Bình luận

  1. Võ Đức Thuận

    Cho hỏi vậy nếu xã cố tình làm khó không muốn chứng thực chữ ký vì thành kiến cá nhán thì sao ạ

  2. Lê Thị Anh Đào

    Xin phép hỏi: Vậy nếu đơn giản chỉ là việc xác nhận chữ kí của người khai nội dung trong văn bản trong các trường hợp không thể xác nhận nội dung thì Văn phòng Công chứng cũng có đủ thẩm quyền xác nhận chữ ký, đúng không ạ?
    Vậy trong các văn vản tường trình quan hệ nhân thân để phân chia di sản thừa kế ( Đất đai) thì việc xác nhận phải giải quyết như thế nào cho hợp lí?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *