Việt Nam có bao nhiêu tổ chức chính trị – xã hội?

Nhiều bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp theo quy định của pháp luật thì hiện nay ở Việt Nam có bao nhiêu tổ chức được xác định là tổ chức chính trị xã hội? Có 5 hay 6 tổ chức chính trị xã hội.

Tổ chức chính trị – xã hội theo quy định pháp luật

1. Hiến pháp năm 2013: Có 5 tổ chức chính trị xã hội

Theo khoản 2 Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 thì 05 tổ chức được xác định rõ là tổ chức chính trị – xã hội, gồm: Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị – xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Luật Công đoàn năm 2012

Theo quy định tại Điều 1 của Luật Công đoàn năm 2012 thì:

Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

Ở Việt Nam có bao nhiêu tổ chức chính trị - xã hội
Ở Việt Nam có bao nhiêu tổ chức chính trị – xã hội

Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3. Luật Thanh niên năm 2020

Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Thanh niên năm 2020 thì: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị-xã hội của thanh niên Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên và tổ chức thanh niên; tổ chức hướng dẫn hoạt động của thiếu niên, nhi đồng, phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

Theo Điều lệ của các tổ chức chính trị – xã hội

Bên cạnh quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Thanh niên, Luật Công đoàn có quy định cụ thể về tổ chức được xác định cụ thể là tổ chức chính trị – xã hội thì Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 của Ban CHấp hành Trung ương hướng dẫn thi hành điều lệ Đảng và các điều lệ của các tổ chức như Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh cũng xác định cụ thể tổ chức nào là tổ chức chính trị – xã hội.

Quy định 24-QĐ/TW hướng dẫn Điều lệ Đảng

Tại điểm 17.3 Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 của Ban CHấp hành Trung ương hướng dẫn thi hành điều lệ Đảng thì: Cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam)

 Điều lệ Đoàn thanh niên cộng sản

Theo Điều lệ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thì: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện

Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam

Theo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam thì: “Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị – xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.”

  Điều lệ Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Theo Điều lệ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì: “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam  là tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.”

+ Theo Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam thì

“Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một đoàn thể chính trị – xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội.”

5 hay 6 tổ chức chính trị xã hội

Như vậy, theo Hiến pháp năm 2013, Luật Thanh niên, Luật Công đoàn, Quy định 24-QĐ/TW hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, điều lệ của các tổ chức  thì có 05 tổ chức chính trị – xã hội được nêu cụ thể, đó là: Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam.

Tuy nhiên, căn cứ vào một số văn bản pháp luật về cán bộ, công chức thì ngoài 5 tổ  chức trên thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng được xác định là tổ chức chính trị – xã hội, cụ thể:

Luật cán bộ, công chức: Mặt trận Tổ quốc là tổ chức chính trị – xã hội

Theo Luật cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì: Tại khoản 3 Điều 4 quy định : “Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”

Tại điểm d khoản 2 Điều 61 Luật cán bộ, công chức thì:  Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cán bộ cấp xã.

Như vậy, theo Luật cán bộ, công chức thì Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã thuộc người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội.

Nghị định 06 quy định những người là công chức

 Theo Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức, thì

Điều 9. Công chức trong cơ quan của tổ chức chính trị – xã hội

1. Ở Trung ương:

a) Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và người làm việc trong văn phòng, ban thuộc cơ cấu tổ chức ở Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức chính trị – xã hội);”

Như vậy, theo hướng dẫn Nghị định 06/2010/NĐ-CP thì người người làm việc mang tính chất chuyên môn ở cơ quan mặt trận được xác định là công chức. Và theo Luật cán bộ, công chức thì công chức ở cấp tỉnh, cấp huyện là người làm việc trong các cơ quan tổ chức chính trị – xã hội. Do đó, suy ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội.

Tóm lại, căn cứ Hiến pháp, Luật Cán bộ, công chức, Quy định 24-QĐ/TW, điều lệ của các tổ chức…thì có 6 tổ chức chính trị – xã hội gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ Nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Bạn đọc có ý kiến khác về các tổ chức chính trị – xã hội ở Việt Nam, vui lòng để ý kiến ở mục bình luận bên dưới bài viết?

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *