Vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bình đẳng giới

Trangtinphapluat.com giới thiệu một số vướng mắc Nghị định số 55/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.

1. Một số nội dung của Nghị định số 55/2009/NĐ-CP không phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), cụ thể như sau:

a) Về mức phạt tiền tối đa:

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới lên đến 40.000.000 đồng. Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mức xử phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới là 30.000.000 đồng.

Tháng hành động vì ình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019
Vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bình đẳng giới

b) Về thẩm quyền xử phạt và phân định thẩm quyền xử phạt:

Thứ nhất, về thẩm quyền xử phạt:

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của hầu hết các chức danh trong Nghị định số 55/2009/NĐ-CP chưa phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), ví dụ:

– Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì Chánh Thanh tra Sở chỉ được phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực bình đẳng giới (tức là chỉ được phạt tiền đến 15.000.000 đồng). Tuy nhiên, điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP lại đang quy định mức phạt tiền của chức danh Chánh Thanh tra Sở lên đến 30.000.000 đồng.

– Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực bình đẳng giới (tức là được phạt tiền đến 3.000.000 đồng). Tuy nhiên, điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP lại đang quy định mức phạt tiền của chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là 2.000.000 đồng.

Thứ hai, về phân định thẩm quyền xử phạt:

Nghị định số 55/2009/NĐ-CP chưa quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP: “Trường hợp nghị định xử phạt vi phạm hành chính có quy định nhiều chức danh tham gia xử phạt thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau, thì phải quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các chức danh đó đối với từng điều khoản cụ thể”.

2. Một số quy định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên người có thẩm quyền xử phạt khó nghiên cứu, áp dụng (các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau: Một số hành vi liên quan đến bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động đang được quy định tại Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; một số hành vi liên quan đến bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế hiện được quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế,…).

3. Một số hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 55/2009/NĐ-CP có sự trùng lặp với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhưng mức phạt không thống nhất với các nghị định này, do vậy, người có thẩm quyền xử phạt rất lúng túng trong áp dụng, ví dụ:

– Mức phạt tiền đối với hành vi “sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Tuy nhiên, cùng hành vi như nêu trên, mức phạt tiền theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 27 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

– Mức phạt tiền đối với hành vi “xúi giục người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP là từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Tuy nhiên, đối với hành vi “dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính” quy định tại khoản 2 Điều 100 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì mức phạt tiền là từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

4. Một số nội dung của Nghị định số 55/2009/NĐ-CP không bảo đảm sự thống nhất, ví dụ như: Điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; khoản 5 Điều 5 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất người nước ngoài vi phạm hành chính về bình đẳng giới. Tuy nhiên, không có hành vi nào trong Nghị định số 55/2009/NĐ-CP bị áp dụng 02 hình thức xử phạt nêu trên.

5. Một số quy định của Nghị định số 55/2009/NĐ-CP không còn phù hợp với thực tế, ví dụ như quy định về mức phạt tiền (từ 200.000 đến 500.000 đồng) đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm còn thấp nên không đủ để răn đe hành vi vi phạm.

6. Một số hành vi vi phạm về bình đẳng giới được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhưng chưa được quy định mức xử phạt khi vi phạm như: Hành vi phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Khoản 5, Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

7. Một số hành vi vi phạm về bình đẳng giới có phát sinh trên thực tế nhưng chưa được quy định mức xử phạt khi vi phạm như: Hành vi ép buộc hoặc cản trở người khác lựa chọn môn học, ngành, nghề học tập, đào tạo, hoặc làm việc vì lý do giới tính.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *