Vướng mắc từ thực tiễn đối với người chuyển đổi giới tính

Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc những hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn đối với người chuyển đổi giới tính ở Việt Nam.

1. Về thực trạng xã hội liên quan xác nhận chuyển đổi giới tính

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới là từ 0,3% đến 0,5% dân số . Hiện nay, 72 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp bằng việc quy định quyền chuyển đổi giới tính; trong đó: (1) châu Âu có 41/50 quốc gia và vùng lãnh thổ; châu Á có 13/50 quốc gia và vùng lãnh thổ, châu Mỹ và Mỹ latin có 15/35 nước và vùng lãnh thổ, châu Phi có 01/54 quốc gia và vùng lãnh thổ; châu Đại dương có 02/14 quốc gia và vùng lãnh thổ có pháp luật điều chỉnh về chuyển đổi giới tính; (2) 45/72 quốc gia cho phép chuyển đổi giới tính mà không cần phải phẫu thuật; độ tuổi được phép chuyển đổi giới tính phổ biến là 16 đến 18 tuổi.

Tại Việt Nam, chưa có điều tra chính thức ở diện rộng nào về người chuyển giới nên rất khó để có số liệu chính xác về cộng đồng này. Nếu ước tính số trung bình thấp của thế giới thì Việt Nam có khoảng 300,000 người chuyển giới. Số liệu này trên thực tế được đánh giá là cao hơn rất nhiều do các dịch vụ y tế cho người chuyển giới chưa sẵn có và sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người chuyển giới còn đang diễn ra phổ biến ở các môi trường khác nhau, từ gia đình, trường học, cộng đồng, trên truyền thông, nơi làm việc tới các không gian công cộng.

Thay đổi hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính
Vướng mắc từ thực tiễn đối với người chuyển đổi giới tỉnh

1.1. Kỳ thị, phân biệt đối xử với người chuyển giới và các khó khăn, rào cản khác

1.1.1. Trong môi trường gia đình

Không dám bộc lộ mong muốn thể hiện giới của mình với gia đình, và xã hội (lúc còn nhỏ) là phản ứng mà nhiều người chuyển giới (NCG) trong các nghiên cứu gặp phải. Có nhiều lý do giải thích cho tình trạng này. Một số người sợ phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội, người thân. Một số người lo lắng làm gia đình, người thân buồn. Một số người khác thì sợ bị gia đình đánh đập, ruồng bỏ. Một số người bị coi là có vấn đề về tâm lý được gia đình đưa đi điều trị, tư vấn.

Báo cáo khảo sát tìm hiểu nhu cầu về thông tin, dịch vụ y tế và một số dịch vụ chuyên biệt khác của người chuyển giới tại Việt Nam do Doanh nghiệp xã hội Hải Đăng thực hiện năm 2019 với gần 150 người chuyển giới cho thấy: Hầu hết NCG tham gia nghiên cứu đều đã công khai với gia đình, bao gồm cả hình thức trực tiếp chia sẻ bản dạng giới hoặc để gia đình tự ngầm hiểu. Kết quả phân tích cho thấy gia đình NCG có rất nhiều cách phản ứng khác nhau, nhưng chỉ có một số lượng rất nhỏ NCG nhận được sự thấu hiểu, cảm thông và hỗ trợ từ phía gia đình. Nhìn chung, đa phần gia đình NCG đều có phản ứng ban đầu là không chấp nhận, thậm chí là không thay đổi tư tưởng. Ngoài ra, khi xét về mối quan hệ gia đình mở rộng hơn (bao gồm ông bà, chú bác, anh chị em) thì tất cả NCG tham gia nghiên cứu đều đã từng có những trải nghiệm liên quan đến sự kỳ thị, phản ứng tiêu cực từ họ hàng, những người khác trong dòng tộc.

Nhìn chung, quan điểm truyền thống về giới tính và tính dục trong văn hoá Việt Nam nói riêng và văn hoá Á Đông nói chung vẫn còn nặng nề và bảo thủ. Vì vậy, gia đình NCG thường rất khó chấp nhận khi con cái mình có xu hướng tính dục và biểu hiện khác biệt so với với chuẩn mực giới truyền thống, từ đó có những hành động phản đối gay gắt. Nhiều bậc cha mẹ luôn mong muốn con mình thay đổi xu hướng tính dục, bản dạng giới và thể hiện giới bằng cách chữa bệnh cho con hoặc bằng các biện pháp tiêu cực như mắng chửi hay gây áp lực về kinh tế (cắt giảm hoặc không cho tiền chi tiêu). Một số gia đình thì bắt NCG phải nghỉ học. Hình thức phản ứng này khiến một số NCG có trình độ học vấn thấp và cuối cùng là lựa chọn làm lao động tình dục để kiếm sống. Nặng nề hơn, một số NCG còn bị chính gia đình đưa vào viện, hoặc ép lấy vợ/ chồng sinh con, bị bố mẹ nhốt lại trong nhà để kiểm soát. hoặc bị đuổi khỏi nhà và không được thừa nhận mối quan hệ con cái – bố mẹ. Những phản ứng tiêu cực này từ phía gia đình khiến một số bạn chuyển giới không công khai và không muốn công khai, lựa chọn lối sống 2 mặt, tức là khi sống xa nhà thì sống với bản dạng giới của mình, còn khi trở về gia đình thì sống như giới tính sinh học. Tuy vậy, một số NCG khác thì đã có những đối thoại cởi mở và dần nhận được sự thấu hiểu từ phía cha mẹ.

Mặt khác, ở Việt Nam, những áp lực của đời sống xã hội với nhiều mối quan hệ gần gũi khiến gia đình người chuyển giới thường sợ bị hàng xóm và người quen xét nét, từ đó yêu cầu con cái không được ăn mặc hay có những hành vi khác biệt để giữ thể diện cho gia đình. Nghiêm trọng hơn, nhiều gia đình do không có kiến thức nên cho rằng con đua đòi a dua theo bạn bè, con không có tương lai nếu là người chuyển giới nên đã ra những biện pháp mạnh để “điều chỉnh” hoặc ép buộc con phải quay lại giới tính “thật” của mình. Các hình thức bạo lực có thể là từ lời nói (mắng nhiếc, sỉ nhục) đến hành động (vũ lực) và thường cộng đồng người chuyển giới nữ bị nhiều hơn người chuyển giới nam.

Báo cáo khảo sát trực tuyến trải nghiệm bình đẳng và phân biệt đối xử đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam doBộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện tháng 10 năm 2022, khảo sát trên 1,337 người cho thấy: người chuyển giới khi công khai trong gia đình thì phải trải qua các tình huống như: “Người thân im lặng, không nói chuyện”, “Bị ngăn cấm các mối quan hệ với bên ngoài”, “Bị đối xử không công bằng với các thành viên khác trong gia đình”; “Ép buộc kết hôn”; “Bị kiểm soát tài chính, tiền bạc”, “Người yêu, gia đình của người yêu bị gây áp lực”; “Ép buộc đi gặp bác sỹ, dùng thuốc để chữa trị”; “Bị đánh đập, hành hung”; “Bị gợi ý/ép chuyển đi nơi khác sống”; “Bố mẹ, người thân nhốt ở nhà, không cho ra ngoài”; “Buộc gặp thầy cúng, bùa giải”; và “Người yêu bị hành hung, đánh đập” đều có tỷ lệ cao hơn các cộng đồng khác như song tính, đồng tính trong đó 2 tình huống xảy ra phổ biến nhất với tỷ lệ rất cao là“Buộc thay đổi ngoại hình, cử chỉ” với 71,8% và “Bị la mắng, dùng lời nói gây áp lực” với 60,6%.

Có thể nói, nhìn chung nhiều gia đình hoàn toàn không chấp nhận việc con cái mình là người chuyển giới, hoặc nếu chấp nhận thì là một quá trình lâu dài, vì thương con mà dần dần chấp nhận, nhưng vẫn thường tìm cách che giấu người xung quanh vì xấu hổ và muốn giữ thể diện. Đáng chú ý là ở những gia đình của người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam, việc chấp nhận con dễ dàng hơn là ở gia đình của người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ. Điều này cũng tương đồng với cách nhìn nhận chung của cả xã hội dễ dàng chấp nhận con gái có cá tính, và thể hiện nam tính, hơn là chấp nhận sự nữ tính của con trai (hay bị gọi là “đồng cô”, “ái”, “bệnh hoạn”)

1.1.2. Trong môi trường giáo dục

Ở độ tuổi đang còn đi học trong nhà trường, nhiều người chuyển giới đã không thể che giấu khao khát được thể hiện bản dạng giới của mình (ví dụ chuyển giới nữ mặc áo tay bồng của con gái đi học, hay chơi với con gái và để ý bạn trai, hay chuyển giới nam cắt tóc ngắn, thích chơi với con trai và để ý bạn gái), nên dễ dàng trở thành tâm điểm trêu chọc và phân biệt đối xử của giáo viên và bạn bè trong nhà trường. Có chuyển giới nữ cho biết bạn còn thường bị “đánh hội đồng” ở trường phổ thông nhiều đến mức nghĩ đến đi học đã cảm thấy sợ hãi và thường xuyên phải trốn học. Chính vì sự kỳ thị chuyển giới nữ nặng nề hơn nhiều so với nhóm chuyển giới nam, nên trong khi nhiều chuyển giới nam có thể học lên đại học và cao hơn, rất ít chuyển giới nữ có thể học hành lên cao, đặc biệt tỉ lệ phải bỏ học giữa chừng (do gia đình không trợ giúp và trường học không chấp nhận) khá nhiều. Trong khi đó nhóm chuyển giới nam may mắn hơn vì dường như ít phải chịu áp lực từ giáo viên và bạn bè vì vẻ nam tính của mình.

Theo Báo cáo về người chuyển giới ở Việt Nam: nhu cầu và quyền về giáo dục, việc làm và chăm sóc sức khỏe do UN Women thực hiện năm 2018, Phần lớn người chuyển giới không bộc lộ về bản dạng giới của minh khi còn nhỏ do lo sợ bị ngược đãi trong gia đình và các môi trường xã hội khác tại thời điểm đó cũng như trong tương lai. Với những người dũng cảm, dám sống và thể hiện là một người chuyển giới, họ phải đối mặt với rất nhiều sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Ở độ tuổi 12, khi công khai là người chuyển giới, họ phải đối mặt với nhiều sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Những vấn đề này được lý giải bởi sự thiếu hiểu biết của các cán bộ trong ngành giáo dục và của học sinh về vấn đề giới nói chung và người chuyển giới nói riêng.

“Nghe, nhìn thấy những lời nói, hành động tiêu cực từ bạn bè” và “Nghe, nhìn thấy những lời nói, hành động tiêu cực từ giáo viên, cán bộ nhà trường” là hai hình thức phổ biến nhất mà người LGBT gặp phải trong thời gian đi học với tỷ lệ tương ứng lần lượt là 76,2% và 67,1%. Ngoài ra, trong thời gian đi học, người LGBT còn gặp phải các tình huống như “Bị bắt nạt, quấy rối từ bạn bè” (48,8%); “Bị ép buộc thay đổi kiểu tóc, cử chỉ, điệu bộ” (39,1%); “Bị đối xử không công bằng” (38,0%); “Bị bắt bạt, quấy rối từ giáo viên, cán bộ nhà trường” (28,4%); “Bị ép buộc thay đổi đồng phục” (18,9%); “Bị bạo hành bởi bạn bè, giáo viên…” (18,4%); “Bị phê bình, kiểm điểm công khai” (17,2%); “Bị liên hệ với phụ huynh để phê bình, kiểm điểm” (16,4%); “Trốn học vì sự kỳ thị, phân biệt đối xử ở trường” (16,1%); “Bị từ chối tham gia các hoạt động ngoại khóa” (15,6%); và “Bị từ chối khi đăng ký ở nội trú” (4,9%). Điều đáng chú ý là mặc dù cỡ mẫu người chuyển giới chỉ chiếm 7,7% trong nhóm LGBT tham gia khảo sát nhưng tỷ lệ người chuyển giới gặp phải các tình huống nêu trên trong thời gian đi học đều cao hơn so với người đồng tính và song tính. Đặc biệt, tỷ lệ người chuyển giới “bị ép buộc thay đổi đồng phục” là 54,7% cao gấp 3,4 lần so với người đồng tính và song tính (15,9%). Đối với 2 tình huống phân biệt đối xử xảy ra phổ biến nhất trong thời gian đi học đối với người LGBT thì tỷ lệ người chuyển giới “thường xuyên” gặp phải đều cao hơn so với người đồng tính và song tính. Cụ thể, tỷ lệ người chuyển giới “thường xuyên” “Nghe, nhìn thấy những lời nói, hành động tiêu cực từ bạn bè” là 18,6%, cao hơn +3,4 điểm % so với người đồng tính và song tính. Tương tự, tỷ lệ người chuyển giới “thường xuyên” “Nghe, nhìn thấy những lời nói, hành động tiêu cực từ giáo viên, cán bộ nhà trường” là 18,6%, cao hơn +5,6 điểm % so với người đồng tính và song tính  .

Kỳ thị trong trường học gây rất nhiều hậu quả cho các bạn chuyển giới, đặc biệt từ nam sang nữ, như trầm cảm, bỏ học và thậm chí bỏ nhà đi bụi. Kỳ thị trong nhà trường đã là những rào cản tước đi cơ hội có kiến thức, có công ăn việc làm và có cơ hội phát triển của người chuyển giới.

1.1.3. Trong môi trường Việc làm

Nghiên cứu năm 2015 của iSEE với 450 NCG cho thấy 53% nữ và 60% nam bị các nhà tuyển dụng từ chối nhận vào làm việc trong khi đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực. Và ngay cả khi được nhận vào làm việc thì họ vẫn gặp phải sự kỳ thị, xa lánh, hạn chế thăng tiến ở nơi công sở; gần 30% bị từ chối việc làm; Đặc biệt 59% bị từ chối khi xin việc, cao gấp 3 lần so với nhóm đồng tính và song tính (19.6%); họ cũng bị phân biệt đối xử trong việc trả lương hay thăng tiến, khiến cho họ chỉ giữ các vị trí cấp thấp, cơ bản mà ít người giữ các vị trí quản lý hoặc cao hơn. Người chuyển giới đối mặt với những nhận xét, hành động tiêu cực từ đồng nghiệp, cấp trên, và khách hàng, với tỷ lệ cao từ 33% đến gần 50%. Họ còn bị hỏi thường xuyên về đối tượng yêu đương, ghép đôi với đồng nghiệp khác giới. Người chuyển giới bị từ chối các cơ hội việc làm, chỉ có một số ít người chuyển giới được nhận vào các công ty hay cơ quan nhà nước, trong khi rất nhiều người chuyển giới nữ còn là nạn nhân của ép buộc tình dục và bạo lực tình dục (Bảo và cộng sự, 2016)

Lao động là người chuyển giới thường xuyên bị cô lập tại nơi làm việc và không thể cởi mở về cuộc sống riêng của minh nếu không muốn bị mất việc làm. Áp lực tâm lý cũng như những lo lắng về an toàn cá nhân làm phần nào giảm đi năng suất lao động của họ. Một số Người chuyển giới tại nơi làm việc trở thành nạn nhân của các hình thức bạo lực, kỳ thị khác nhau, nhiều người thậm chí phải bỏ việc sau thời gian dài chịu đựng . Hầu hết các đối tượng tham gia nghiên cứu đều đã từng trải nghiệm việc bị kỳ thị, phân biệt đối xử và thậm chí là bị quấy rối tại nơi làm việc. Các hình thức kỳ thị, phân biệt đối xử chủ yếu là từ chối tuyển dụng do giấy tờ tùy thân và thể hiện giới bên ngoài khác biệt, xì xào bàn tán, cô lập, trêu chọc hoặc có chế độ khen thưởng và tăng lương khác so với nhóm dị tính

Người chuyển giới tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do những vấn đề liên quan đến giấy tờ tùy thân. Ở nhóm NCG đã thay đổi ngoại hình để phù hợp với bản dạng giới, sự khác biệt giữa thể hiện giới với giới tính trong giấy tờ khiến NCG bị từ chối tuyển dụng. Do vậy, nhiều NCG thường lựa chọn cách giải quyết là ăn mặc theo giới tính sinh học trên giấy tờ để dễ dàng được nhận việc hơn. Điều này dẫn đến việc nhiều NCG không dám bộc lộ bản dạng giới khi đi làm. Một số ít NCG khác thì sẽ lựa chọn cách thuyết phục nhà tuyển dụng

So với nhóm đồng tính và song tính, người chuyển giới tỷ lệ người chuyển giới “thường xuyên” “Nghe, nhìn thấy những lời nói, hành động tiêu cực từ đồng nghiệp” (8,9%) cao gấp 1,8 lần so với người đồng tính và song tính (4,9%)

So với người chuyển giới nam, nhóm chuyển giới nữ do gặp nhiều kỳ thị ở môi trường trường học hơn nên có xu hướng bỏ học nhiều hơn, do vậy rất nhiều người chuyển giới nữ rất khó tìm kiếm được các công việc ổn định và có thu nhập cao. Nhiều người phải làm việc trong các khu vực giải trí, hát đám ma hoặc thậm chí làm mại dâm để kiếm sống.

1.1.4. Không gian công cộng hoặc hoạt động cộng đồng

Trong một nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách Y tế, HIV/AIDS thì khu vực người chuyển giới hay bị kỳ thị và phân biệt đối xử nhất là nơi họ sinh sống (64.6%), các khu vực công cộng như quán cà phê, nhà hàng, khu vui chơi (60%), trường học (60%), nơi làm việc (44.5%) và cơ sở y tế (13.7%). Các hành vi xúc phạm phổ biến nhất là lời nói (22.3%), những trò đùa, cười cợt (19.5%) và hành vi tấn công bạo lực (15.4%). Ở những không gian công cộng, NCG cũng bị sự phân biệt đối xử như nhà vệ sinh (28.7%), phòng thay đồ, phòng tắm (25%), nơi vui chơi, giải trí (23.9%), nhà hàng, quán cà phê (21.9%).

Báo cáo khảo sát trực tuyến trải nghiệm bình đẳng và phân biệt đối xử đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện tháng 10 năm 2022 cho thấy 05 hoạt động/dịch vụ mà người LGBT đánh giá là bị phân biệt đối xử phổ biến nhất là “trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông”; tiếp đến là “tham gia phương tiện công cộng”; “Phòng thay đồ, phòng tắm”; “Nhà vệ sinh”; và “Công viên, khu vui chơi, giải trí, mua sắm”, Đáng chú ý, người chuyển giới có trải nghiệm bị phân biệt đối xử vì bị coi là người LGBT cao hơn so với người đồng tính và song tính đối với tất cả các hoạt động/dịch vụ được lấy ý kiến, ví dụ Công viên, khu vui chơi, giải trí, mua sắm (26,7%), “trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông” (58,1%), Tham gia phương tiện công cộng (37,2%), Phòng thay đồ, phòng tắm (44,2%), nhà vệ sinh (48,8%).

1.1.5. Khó khăn trong việc thay đổi tên

Nhiều bạn chuyển giới có tên gọi khi sinh có thể quá nam tính hoặc quá nữ tính so với giới tính mà họ mong muốn cũng như thể hiện giới của họ. Do vậy nhu cầu đổi tên là nhu cầu của rất nhiều bạn chuyển giới. Phần lớn các bài viết trên các nhóm kín của người chuyển giới đều đề cập tới nhu cầu này thông qua các bài viết hỏi về thủ tục đổi tên, đặc biệt sau khi Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 thừa nhận người chuyển đổi giới tính.

Trước đây, theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị đinh số 158/2005/NĐ- CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì một trong những phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch là “Thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh, nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Lý do chính đáng được nêu trong điều 27, 37 và 38 của Nghị định trên bao gồm trùng tên, dễ gây nhầm lẫn, xác định lại huyết thống hoặc xác định lại giới tính. Tuy vậy, việc xác định lại giới tính được quy định tại Điều 36 Luật Dân sự và Nghị định số 88/2008/NĐ- CP về Xác định lại giới tính lại chủ yếu liên quan đến “những bất thường về bộ phận sinh dục”. Quyết định này phù hợp với những người liên giới tính, nhưng đã đóng lại cánh cửa đối với những người chuyển giới, bởi Điều 4, khoản 1 Nghị định ghi rõ nghiêm cấm “thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”. Điều này đã khiến cho việc cấp lại giấy tờ cho những người chuyển giới hầu như là không thể, và là nỗi trăn trở lớn với người chuyển giới.

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật hộ tịch thì việc “Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự”.

Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015:

“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định”.

Bên cạnh đó, Điểm e Khoản 1 Điều 28 Bộ luật dân sự 2015 cũng tạo thêm cơ hội cho các cá nhân là người chuyển đổi giới tính có thể thay đổi tên. Điều này khiến quá trình nộp hồ sơ thay đổi tên của người chuyển giới gặp nhiều khó khăn bởi nó tùy thuộc vào việc áp dụng điểm nào trong khoản 28 này của cán bộ Tư Pháp. Nhiều hồ sơ bị từ chối với lý do pháp luật chưa có quy định chi tiết với người chuyển đổi giới tính.

1.1.6. Khó khăn trong thay đổi giấy tờ tùy thân

Theo ghi nhận từ các tổ chức cộng đồng của người chuyển giới, hầu hết người chuyển giới tại Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn trong việc thay đổi các giấy tờ tùy thân do sự khác biệt giữa ngoại hình với hình ảnh, giới tính trong các giấy tờ tùy thân trước khi chuyển đổi giới tính. Nhiều người không thể làm lại căn cước công dân có gắn chip do ngoại hình khác với giới tính trên giấy tờ. Trước thời điểm ban hành Bộ luật Dân sự năm 2015 và từ thời điểm Bộ luật Dân sự có hiệu lực đến nay, có một lượng lớn người chuyển giới đã thực hiện các can thiệp y học để chuyển giới tính như điều trị hooc-môn, phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục tại các cơ sở y tế ở nước ngoài hay tại các cơ sở y tế chưa được phép tại Việt Nam.Tuy nhiên, hiện nay do chưa ban hành Luật Chuyển đổi giới tính nên chưa có cơ sở pháp lý để công nhận và thay đổi các giấy tờ hộ tịch cho những đối tượng này. Vì vậy, những người đã chuyển đổi giới tính tại Việt Nam hiện nay đang gặp trở ngại, khó khăn rất lớn trong sinh hoạt, lao động, học tập liên quan đến sự không thống nhất giữa ngoại hình và các giấy tờ tùy thân.

1.1.7. Các quan hệ xã hội phát sinh trên thực tế

Kể từ sau khi Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015, nhiều cặp đôi chuyển giới đã kết hôn trên thực tế và có con. Nhóm kín dành cho những người chuyển giới nam muốn có con có tới hơn 1,000 thành viên. Điều nảy có thể dẫn tới việc phát sinh các quan hệ xã hội phức tạp mà nếu không được sớm thừa nhận hoặc có cơ sở pháp lý hỗ trợ có thể tạo ra nhiều hệ lụy về mặt xã hội và quan hệ gia đình, con cái.

1.1.8. Khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ đặc thù

Theo một khảo sát về dịch vụ dành cho người chuyển giới của Trung tâm SCDI năm 2017 : Hầu hết nghiên cứu với các nhóm dân số chuyển giới ở Việt Nam đều cho thấy họ ít được tiếp cận đến với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các dịch vụ y tế dành riêng cho người chuyển giới và không tìm được các thông tin hỗ trợ tư vấn từ các nguồn có uy tín như các bệnh viện, cơ sở y tế lớn. Ngoài ra, việc tiếp cận đến tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người chuyển giới còn hạn chế. Nhiều người chuyển giới đã và đang trải nghiệm các vấn đề sức khỏe tâm thần, ví dụ trầm cảm, căng thẳng, mất ngủ, rối loạn lo âu kéo dài.

Bộ luật Dân sự năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, trong đó đã quy định việc chuyển đổi giới tính của cá nhân được thực hiện theo quy định của luật, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có Luật chuyển đổi giới tính, do đó, những người có mong muốn chuyển đổi giới tính tại Việt Nam vẫn chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện việc chuyển đổi giới tính hay có các can thiệp y tế đặc thù khi có nhu cầutừ đó dẫn đến nhiều bất cập, tồn tại trong thực tiễn của vấn đề chuyển đổi giới tính tại Việt Nam hiện nay, cụ thể như sau:

Những người có mong muốn chuyển đổi giới tính tại Việt Nam vẫn phải đi nước ngoài để thực hiện các can thiệp phẫu thuật chuyển đổi giới tính hoặc phẫu thuật tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phép tại Việt Nam. Chi phí một quy trình hoàn chỉnh cho việc chuyển đổi giới tính tại một bệnh viện uy tín tại Thái Lan (bao gồm phẫu thuật chuyển đổi giới tính và hỗ trợ tư vấn) dao động trong khoảng từ 700 triệu đồng cho việc chuyển đổi từ Nữ sang Nam và khoảng 800 triệu đồng cho việc chuyển đổi từ Nam sang Nữ. Ngoài ra còn những dịch vụ khác như liệu pháp hormorne, thay đổi giọng nói, phẫu thuật thẩm mỹ…  Việc chuyển đổi giới tính không làm thay đổi những đặc điểm nhận dạng sinh học đặc trưng của cơ thể, như: dấu vân tay, nhóm máu, khuôn mặt (trừ khi có phẫu thuật thẩm mỹ). Theo một nghiên cứu của Viện iSEE, trong số những người đã từng trải qua ít nhất một cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính có hơn 40% thực hiện ở nước ngoài, 37% thực hiện tại các cơ sở y tế tư nhân trong nước và đa phần trong số những người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính không được chăm sóc, tư vấn kỹ càng trước trong và sau khi phẫu thuật.

Người chuyển giới đang sử dụng các loại thuốc hooc-môn trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên internet hoặc từ nhiều nguồn khác nhau với giá cả và chất lượng không thể kiểm chứng. Theo điều tra được thực hiện vào năm 2017 của Viện nghiên cứu iSEE chỉ ra rằng có đến 59,6% người chuyển giới tại Việt Nam hiện đang dùng hooc-môn (nội tiết tố) chưa từng nhận được xét nghiệm và tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng. Với những người đã nhận được tư vấn, hầu hết thông tin họ nhận được là từ chính người bán hooc-môn, thường không phải là bác sỹ hay chuyên gia từ các trung tâm y tế hợp pháp. Có rất nhiều người chuyển giới lựa chọn tự tiêm hooc-môn tại nhà hoặc với sự hỗ trợ của bạn bè hay người quen mà không phải là bác sỹ, điều dưỡng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mặc dù chưa có số liệu đầy đủ nhưng trong các tham vấn với cộng đồng đều ghi nhận các trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe khi tự sử dụng nội tiết tố như: áp xe, sốc thuốc thậm chí là tử vong.

Người chuyển giới tại Việt Nam không được tư vấn, đánh giá, chuẩn bị về mặt tâm lý trước khi quyết định chuyển đổi giới tính. Theo một nghiên cứu của Trung tâm SCDI năm 2019[9], trong số 40 người chuyển giới trả lời có các can thiệp y tế như sử dụng nội tiết tố hay phẫu thuật, chỉ có 16,7% người tham gia đã từng nhận được tư vấn tâm lý từ các chuyên gia, còn lại hầu hết người chuyển giới đều chưa được tiếp cận với việc tư vấn, đánh giá tâm lý từ các chuyên gia tâm lý trước và sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Vì vậy, hầu hết người chuyển giới cảm thấy không thoải mái với cơ thể, không thích hợp với bản dạng giới mong muốn của mình (phiền muộn giới), không cảm thấy tự tin với cơ thể, sống chung với tâm trạng thất vọng, bức bối giới, trầm cảm kéo dài…họ thường tự chịu đựng hoặc tự giải quyết vấn đề của mình hoặc chỉ chia sẻ với những bạn bè cùng là người chuyển giới khác.

Việc không được tư vấn, hỗ trợ tâm lý và sử dụng hooc-môn trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phẫu thuật chuyển giới tại các cơ sở y tế không hợp pháp dẫn đến những hậu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần thậm chí là tính mạng của người chuyển giới. Qua các hoạt động thực tế và tìm hiểu của Trung tâm ICS, trung bình mỗi năm tại TP. Hồ Chí Minh, có khoảng 24-30 người chuyển giới gặp các biến chứng hậu phẫu và phải quay trở  lại Thái Lan để thăm khám, và khoảng 8-10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormorne, tiêm silicon… và còn rất nhiều những nguy hiểm khác chưa thể thống kê vì số lượng người chuyển giới sử dụng các dịch vụ y tế hỗ trợ quá ít.

 2. Đối phó với kỳ thị và phân biệt đối xử

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử ở nhiều cấp độ đẩy những người chuyển giới vào tình trạng trầm cảm, bế tắc. Trong nghiên cứu về Trẻ em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới (iSEE 2012), trong số 23 em tham gia thì có 21 em thể hiện các mức độ trầm cảm, cô đơn, tự kỳ thị, và 13 em từng rạch tay hoặc làm đau bản thân. Như vậy có thể thấy ở độ tuổi dậy thì và những năm đầu tuổi trẻ, người chuyển giới chưa làm quen được với những áp lực từ gia đình, nhà trường và xã hội, thường nghĩ đến những giải pháp tiêu cực. Một số trường hợp cho biết từng bị khủng hoảng tâm lý, dẫn đến ý định tự tử, sử dụng chất gây nghiện và tự rạch thân thể. Có người chọn cách vào chùa đi tu, nhiều người đã có hành vi tự tử…

Để đối phó với những kỳ thị này, người chuyển giới có những phương cách khác nhau.

Che giấu: Cũng vì lường trước sự khó khăn để chấp nhận giới tính thực sự của mình, nhiều người chuyển giới đã chọn giải pháp che giấu gia đình, bởi vừa thương bố mẹ, vừa sợ phản ứng tiêu cực từ gia đình.

Cũng có những người sau những khó khăn của việc làm “bóng lộ” – không có công ăn việc làm, bị kỳ thị, lo lắng cho tương lai bấp bênh, lại phải quyết định chuyển sang làm “bóng kín”, hoặc “bóng liễu” (ăn mặc như nam giới, nhưng vẫn điệu điệu kiểu phụ nữ)

Phớt lờ: Ở độ tuổi trưởng thành, nhiều người chuyển giới trở nên lãnh cảm trước sự kỳ thị của xã hội, và nhiều người chọn cho mình cách ứng xử riêng trước những thái độ trêu chọc, dè bỉu xung quanh. Ra đường bị gọi là pê đê nhiều quá, nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ (MTF) trở nên chai lỳ trước những kỳ thị của xã hội. Họ cho biết đều đã có những lúc nghe vậy muốn nổi khùng lên, nhưng bây giờ nghe nhiều quen nên “kệ”, chẳng thèm phản ứng.

Tôn giáo: Có một số người chuyển giới lại chọn tôn giáo như một phương cách khác để sống với thế giới của mình: lên đồng (spirit possession/ mediumship). Trong hình thức tín ngưỡng này, những người có giới tính khác biệt (ví dụ như nam giới nữ tính, hay phụ nữ nam tính) được cho là có “căn” của một vị thánh trong Tứ Phủ (bốn phủ: Thiên = trời, Địa = đất, Thoải = nước, Thượng Ngàn = rừng). Tính cách của các vị thánh được cho là ứng vào những người có “căn” của các Ngài, vì vậy, nếu như một người có căn của các Chúa chầu hay các Cô thì sẽ nữ tính, ví dụ căn “cô Bơ” thì hợp với màu trắng, yểu điệu, hay buồn, còn nếu có căn của “cô Chín” thì sẽ ưa thích màu hồng, hát hay…, còn nếu có căn của các Quan hay ông Hoàng thì sẽ nam tính, mạnh mẽ… Có lẽ cũng chỉ ở thế giới của những ông đồng bà đồng, mà họ được tôn trọng, và được coi là có ưu thế hơn những người có giới tính bình thường. Một người chuyển giới từ nam sang nữ (48 tuổi, Hà Nội) kể rằng chị có căn của cô Chín nên đồ đạc của chị, từ giường ngủ cho đến các vật dụng, đều có màu hồng. Ngày xưa giới tính cũng làm cho chị rất khổ sở, nhưng từ khi đi “hầu cha hầu mẹ” mà kinh tế phất lên, nhờ đó mà có tiền “bao giai”.

Biến mất khỏi cộng đồng: Với những người sau khi trải qua phẫu thuật hoàn toàn, nhiều người đã xa lánh cộng đồng, không muốn giao du vì e sợ bị lộ quá khứ của mình, cũng chính bởi nỗi lo kỳ thị xã hội vẫn đè nặng trong cuộc sống của họ. Hầu hết các trường hợp sau khi phẫu thuật hoàn toàn đều từ chối tiếp xúc. Những người chuyển giới cho biết trừ những trường hợp nổi tiếng mà mọi người đều biết (như Cindy Thái Tài, Cát Tuyền…), đã là một phụ nữ và không còn là “pê-đê” nữa, họ rất e dè khi bị lộ thân phận quá khứ.

Trích từ BÁO CÁO Thực trạng pháp luật và xã hội liên quan đề nghị xây dựng Luật bản dạng giới

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *