Xây dựng sai phép: Phạt theo lĩnh vực xây dựng hay đất đai?

Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực xây dựng theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP đối với hành vi xây dựng sai giấy phép xây dựng được cấp đang có 2 cách hiểu và áp dụng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính khác nhau. Có địa phương xử phạt trên lĩnh vực xây dựng nhưng cũng có nơi xử phạt theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP trên lĩnh vực đất đai.

Trong thực tiễn có trường hợp xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ mới tại thửa đất số 5, tờ bản đồ số 01 phường A. Thửa đất này gồm 200 m2, trong đó 100 m2 đất ở và 100 m2 đất trồng cây lâu năm. Công trình xây dựng được cấp giấy phép xây dựng số 20/GPXD ngày 1/6/2023. Diện tích xây dựng được cấp giấy phép xây dựng là 100 m2.

Thực tế hiện trạng Chủ đầu tư xây dựng đến 150 m2 tại vị trí thửa đất số 5, tờ bản đồ số 01 phường A.

Vậy, đối với phần vi phạm 50m2 ngoài giấy phép xây dựng xử phạt hành vi sai phép theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP hay xử phạt hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP?

Xử phạt hành vi sai phép

Có ý kiến cho rằng, đối với trường hợp công trình nhà ở riêng lẻ (cấp mới) mà tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép xây dựng, xây ngoài phạm vi được cấp phép thì sẽ bị lập biên bản hành chính về hành vi xây dựng sai phép và xử phạt theo điểm a khoản 6 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng, với   Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ. Đồng thời trong thời hạn 30 ngày

Hướng dẫn xử phạt xây dựng nhà trên đất nông nghiệp
Xây dựng sai phép: Phạt theo lĩnh vực xây dựng hay đất đai?

kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp   giấy phép xây dựng điều chỉnh.

Quan điểm xử phạt theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP cho rằng: Đối với trường hợp xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng nhưng thuộc trường hợp được điều chỉnh giấy phép xây dựng thì xử lý hành vi sai phép. Còn trường hợp không thuộc trường hợp điều chỉnh giấy phép xây dựng như quy định tại khoản 17 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP (Trường hợp xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp nhưng không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng thì không bị coi là hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.) thì sẽ xử phạt trên lĩnh vực đất đai về hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.

Xử phạt hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì ” Đối với các công trình xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì xử phạt theo quy định tại nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”. Do đó, trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp, thì phần 50m2 nằm ở vị trí đất nông nghiệp sẽ bị xử phạt theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, với mức từ 3 đến 5 triệu đồng. Đồng thời áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc nộp số lợi bất hợp pháp có được do  hành vi vi phạm gây ra.

Quan điểm của trangtinphapluat.com đồng ý với ý kiến thứ nhất, tức là trường hợp xây dựng sai phép mà thuộc trường hợp được điều chỉnh giấy phép xây dựng thì xử phạt hành vi xây dựng sai phép theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP, buộc cá nhân, tổ chức vi phạm điều chỉnh giấy phép xây dựng. Trường hợp không được điều chỉnh giấy phép xây dựng thì áp dụng khoản 11, 17 ĐIều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP để xử phạt phần xây trên diện tích đất ngoài giấy phép về hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP trên lĩnh vực đất đai là phù hợp.

Tuy nhiên, thực tiễn sẽ rất khó cho cá nhân, tổ chức vi phạm, vì Nghị định 16 chỉ cho phép 30 ngày để hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng, trong khi đó trường hợp đất cây lâu năm phải làm thủ tục chuyển mục đích sang đất ở thì tốn nhiều thời gian, chưa nói là phải nằm trong kế hoạch sử dụng đất, phù hợp quy hoạch…Dẫn đến quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm không hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt ra văn bản thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Bên cạnh đó, người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt sẽ rất khó xác định trường hợp nào vị trí đất vi phạm được chuyển mục đích từ nông nghiệp sang đất ở.

Do đó, để đảm bảo thuận lợi cho cơ quan nhà nước cũng như tổ chức, cá nhân thì cần tăng thời gian để cho người vi phạm thực hiện các thủ tục đất đai, xây dựng đối với trường hợp xây dựng ngoài vị trí đất ở nhưng thuộc trường hợp được chuyển mục đích sang đất ở.

Trangtinphapluat.com rất mong nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc về việc áp dụng Nghị định 16/2022/NĐ-CP hay Nghị định 91/2019/NĐ-CP để xử phạt hành vi xây dựng sai giấy phép xây dựng đối với trường hợp vị trí sai phép không phải là đất ở. Ý kiến vui lòng ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết.

Tuấn Huy

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *