Ông Nguyễn Văn A được Nhà nước cho thuê 10.000m2 đất để làm nhà xưởng sản xuất với thời gian là 50 năm. Trong quá trình sử dụng, do khả năng kinh tế nên ông A không xây hết nhà xưởng trên diện tích đất thuê mà cho ông Nguyễn Văn B thuê lại năm 2021. Ông B sử dụng đất thuê lại của ông A vào mục đích kinh doanh, buôn bán tạp hóa.
Qua kiểm tra, chính quyền địa phương phát hiện việc sử dụng đất sai mục đích so với quy định và đã lập biên bản để tiến hành xử lý. Tuy nhiên, có 2 luống ý kiến khác nhau:
1. Một số ý kiến cho rằng ông A thuê đất làm nhà xưởng nhưng lại cho ông B thuê để kinh doanh nên ông A đã sử dụng đất không đúng mục đích. Do đó phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt ông A về hành vi sử dụng đất sai mục đích.
Trường hợp ông A không chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm trên đất đã thuê thì ban hành quyết định cưỡng chế. Và khi tổ chức cưỡng chế thì thông báo cho ông B di dời tài sản trên đất ra khỏi vực cưỡng chế.
Quan điểm này căn cứ vào Điều 9 đến Điều 12 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai. Theo đó, các điều trên đều dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013.
Khoản 2 Điều 57 Luật Đất đai quy định:”Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.”
Người sử dụng đất theo Luật Đất đai tại Điều 5 thì: “Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất “
Như vậy, Luật Đất đai đã quy định rõ người sử dụng đất, đối chiếu với tình huống trên thì A là người thuê đất Nhà nước nên là người sử dụng đất theo Luật Đất đai và Nghị định 91. Trường hợp A muốn chuyển sang mục đích khác thì phải xin phép. Do đó, việc A cho người khác thuê lại và để cho họ tự ý chuyển mục đích thì A phải chịu trách nhiệm và bị xử lý về hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.
2 Tuy nhiên các ý kiến phản đối lại cho rằng, ông A chỉ vi phạm hợp đồng thuê đất, còn ông B mới là người sử dụng đất sai mục đích. Do đó phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt ông B mới đúng.
Quan điểm của trangtinphapluat.com thì trường hợp này phải phạt ông B mới đúng, vì ông B là người có hành vi vi phạm, không thể phạt ông A và buộc ông B di dời tài sản.
– Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”.
(Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa có sổ đỏ, có bị xử phạt?)
Như vậy, xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với cá nhân/tổ chức có hành vi vi phạm. Ở đây, ông B có hành vi tự ý xây dựng nhà trên đất nông nghiệp nên ông B sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.
(Điểm mới của Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt VPHC lĩnh vực đất đai)
– Thứ hai, về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính theo điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính”, ở đây chính quyền địa phương đã chứng minh được ông B là người xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp nên có đủ cơ sở để xử phạt ông B.
– Thứ ba, theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt hành vi chuyển mục đích sử dụng đất, không quy định là ai chuyển, do đó nếu người có thẩm quyền xác định được đối tượng thực hiện hành vi chuyển mục đích sử dụng đất thì phải lập biên bản vi phạm hành chính đối với đối tượng đó và xử phạt.
Theo các bạn thì phải lập biên bản và xử phạt hành chính đối với ông A hay ông B về hành vi sử dụng đất sai mục đích? vì sao?
Ban Biên tập rất mong nhận được sự trao đổi của quý bạn đọc.