Khi thực hiện thủ tục chứng thực giấy ủy quyền tại UBND cấp xã, tại Phòng Tư pháp hay tổ chức hành nghề công chứng thì có bắt buộc bên ủy quyền và bên được ủy quyền có mặt hay chỉ cần bên ủy quyền có mặt là được?.
Nội dung câu hỏi: Bạn đọc ở địa chỉ email phubinh…@gmail.com, hỏi: Em ở Đà Nẵng muốn làm Giấy ủy quyền có xác nhận của UBND cấp xã cho một người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh tới trường Đại học nhận bằng giúp em, vì em không có thời gian vào Thành phố nhận. Vậy, trangtinphapluat.com cho em biết khi đi làm Giấy ủy quyền tại UBND xã thì họ có bắt buộc người được ủy quyền phải có mặt hay không? hay là chỉ một mình em ký giấy là được.
Trangtinphapluat.com trả lời như sau:
Thủ tục chứng thực giấy ủy quyền
Theo Khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì:
Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản, thì thủ tục được thực hiện như chứng thực chữ ký.
(Vướng mắc chứng thực Giấy ủy quyền khi có nhiều người ủy quyền)
Như vậy, trường hợp của bạn là chứng thực giấy ủy quyền để nhận bằng, không có thù lao, không liên quan đến chuyền quyền sở hữu, do đó sẽ được thực hiện theo thủ tục chứng thực chữ ký, cụ thể Khoản 1, 2 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau:
1. Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
b) Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.
2. Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và việc chứng thực không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 25 của Nghị định này thì yêu cầu người yêu cầu chứng thực ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau:
a) Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định;
b) Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
Đối với giấy tờ, văn bản có từ (02) hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
Chứng thực giấy ủy quyền chỉ cần 1 bên có mặt
Trước đây, theo Điều 48 Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực (đã hết hiệu lực) có quy định vềCông chứng, chứng thực hợp đồng uỷ quyền, giấy uỷ quyền như sau:
1. Việc Uỷ quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được uỷ quyền hoặc để chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản phải được lập thành hợp đồng.
Trong trường hợp bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền không thể cùng đến một cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực, thì bên Uỷ quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn của họ công chứng, chứng thực hợp đồng Uỷ quyền; bên được uỷ quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực nơi họ thường trú hoặc tạm trú có thời hạn công chứng, chứng thực tiếp vào bản gốc hợp đồng Uỷ quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng uỷ quyền.
(Hướng dẫn thủ tục chứng thực Giấy ủy quyền vay vốn ngân hàng)
2. Việc uỷ quyền không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì không phải lập thành hợp đồng Uỷ quyền mà có thể được lập thành giấy Uỷ quyền và chỉ cần người Uỷ quyền ký vào giấy Uỷ quyền.
Tóm lại, theo quy định trước đây (Nghị định 75/2000/NĐ-CP) và theo Nghị định 23/2015/ND-CP thì chứng thực giấy ủy quyền không bắt buộc phải có mặt cả 2 bên, chỉ cần bên ủy quyền có mặt và ký vào giấy ủy quyền thì sẽ được UBND cấp xã, Phòng Tư pháp hoặc tổ chức hành nghề công chứng chứng thực chữ ký. VÌ vậy, chỉ cần một mình bạn tới UBND cấp xã chứng thực Giấy ủy quyền sau đó gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh cho bạn của mình để thực hiện công việc ủy quyền.
Rubi