Nhiều bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com cho biết giải trình vi phạm hành chính được áp dụng trong trường hợp nào? Trường hợp phạt tiền thì căn cứ vào mức phạt để cho phép giải trình hay căn cứ vào khung phạt tiền của từng Nghi định xử phạt vi phạm hành chính?.
Các trường hợp giải trình vi phạm hành chính
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì giải trình được thực hiện trong các trường hợp sau:
“Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính để ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình”
Như vậy, không phải tất cả các trường hợp vi phạm hành chính cá nhân/tổ chức vi phạm đều có quyền giải trình mà chỉ trong một số trường hợp nêu trên mới được quyền giải trình.
Ban hành quyết định xử phạt trước khi người vi phạm giải trình được không?
Đối với hình thức phạt tiền thì căn cứ vào mức tiền sẽ phạt hay căn cứ vào khung hình phạt để xem xét cá nhân/tổ chức có quyền giải trình hay không để ghi vào biên bản vi phạm hành chính. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính thì căn cứ vào mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt, tức là xem số tiền tối đa của hành vi đó là bao nhiêu, nếu từ 15 triệu trở lên đối với cá nhân, 30 triệu trở lên đối với tổ chức thì biên bản vi phạm hành chính phải ghi quyền giải trình của cá nhân/tổ chức, có thể khi xử phạt thì mức phạt tiền đối với cá nhân có thể dưới 15 triệu hoặc với tổ chức dưới 30 triệu. Không thể căn cứ vào mức tiền sẽ phạt để quyết định người vi phạm có được quyền giải trình hay không, vì người lập biên bản vi phạm hành chính không biết người có thẩm quyền xử phạt sẽ phạt bao nhiêu tiền để xác định có đủ điều kiện giải trình hay không?.
(Slide bài giảng Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành)
Ví dụ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 16/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng, thì:
“2. Xử phạt đối với hành vi không công khai giấy phép xây dựng tại địa điểm thi công xây dựng trong suốt quá trình thi công như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.”
Như vậy, khi phát hiện hành vi không công khai giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác thì người lập biên bản vi phạm hành chính phải ghi quyền giải trình của người vi phạm trong biên bản, bởi lẻ mức phạt tối đa của hành vi này là 20.000..000đ. Mặc dù khi xử phạt có thể phạt dưới 15 triệu hoặc trên 15 triệu nhưng khung tối đa của hành vi là 20 triệu nên thuộc trường hợp giải trình.
Hình thức giải trình vi phạm hành chính
Theo Khoản 2 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 thì giải trình được thực hiện bằng 2 hình thức: Văn bản hoặc trực tiếp.
Giải trình bằng văn bản
Đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử phạt có thể gia hạn nhưng không quá 05 ngày làm việc theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm. Việc gia hạn của người có thẩm quyền xử phạt phải bằng văn bản.
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản
(Giải đáp, hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính)
Giải trình trực tiếp
Đối với trường hợp giải trình trực tiếp, cá nhân, tổ chức, vi phạm hành chính phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.
Người có thẩm quyền xử phạt tổ chức phiên giải trình trực tiếp và có trách nhiệm nêu căn cứ pháp lý, tình tiết, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính, bình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến áp dụng đối với hành vi vi phạm. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, người đại diện hợp pháp của họ có quyền tham gia phiên giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Việc giải trình trực tiếp được lập thành biên bản và phải có chữ ký của các bên liên quan; trường hợp biên bản gồm nhiều trang thì các bên phải ký vào từng trang biên bản. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của họ 01 bản.
Lưu ý ban hành quyết định xử phạt trong trường hợp giải trình
Theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc không gửi văn bản đề nghị gia hạn thời hạn giải trình trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc ghi rõ ý kiến trong biên bản vi phạm hành chính về việc không thực hiện quyền giải trình, thì người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính (07 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; 10 ngày làm việc nếu phải chuyển hồ sơ)
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm có yêu cầu giải trình theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại các điểm b (Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ban hành quyết định là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính) và c (Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính) khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính
Thực tiễn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính rất nhiều cơ quan, đơn vị không để ý thời hạn ban hành quyết định trong trường hợp có giải trình nên khi lập biên bản VPHC thì ban hành ngay quyết định xử phạt mà không đợi hết thời gian giải trình, dẫn đến trường hợp sau khi ban hành quyết định thì người vi phạm có văn bản giải trình, nội dung giải trình nếu không có cơ sở thì không sao nhưng nếu có cơ sở khẳng định việc ban hành quyết định là sai thì người có thẩm quyền phải xem xét hủy bỏ quyết định xử phạt.
Do đó, để viêc ban hành quyết định xử phạt đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đối tượng bị xử phạt thì đối với trường hợp xử phạt vi phạm hành chính thuộc trường hợp được giải trình thì cơ quan tham mưu lưu ý phải để hết thời hạn giải trình 2 ngày – nếu giải trình trực tiếp, hết 5 ngày nếu giải trình bằng văn bản thì mới trình người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Rubi