Hướng dẫn xử phạt hành chính hành vi đổ đất, san lấp mặt bằng

Đề nghị trangtinphapluat.com tư vấn cho lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi  san lấp mặt bằng để đổ đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ạ. Căn cứ vào quy định nào để lập biên bản và mức xử phạt có thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã hay không?.

Trangtinphapluat.com trả lời như sau:

1. Về căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính

+ Theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì: Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.

Hướng dẫn xử phạt hành chính hành vi đổ đất, san lấp mặt bằng
Hướng dẫn xử phạt hành chính hành vi đổ đất, san lấp mặt bằng

Căn cứ vào quy định trên, để lập biên bản hành vi vi phạm hành chính thì bạn cần phải xác định hành vi đổ đất, san lấp mặt bằng  trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có phải là hành vi vi phạm hành chính hay không? Hành vi này có được quy định trong các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính hay không?. Bởi vì có những hành vi vi phạm luật nhưng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính không quy định xử phạt thì cũng không có cơ sở để lập biên bản vi phạm hành chính.

+ Hành vi san lấp mặt bằng, đổ đất đối chiếu theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì là hành vi chiếm đất theo Điều 14. Tại khoản 6 Điều 14 Nghị định 91 quy định:

Trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão; trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các lĩnh vực chuyên ngành khác.”

Như vậy, theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì hành vi chiếm đất để san lấp mặt bằng, đổ đất trong phạm vi công trình thủy lợi thì phải áp dụng theo pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

+ Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2019/NĐ-CP thì đã bỏ quy định hành vi lấn, chiếm đất (khoản 1 Điều 17 Nghị định 104 có quy định hành vi lấn, chiếm đất), chỉ quy định như sau:

“Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Làm lều, quán, tường; xây dựng các công trình tạm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;

b) Đào, cuốc, xới, đánh vầng cỏ, gieo trồng các loại cây hoa màu trên bờ, mái kênh, mái đập đất.”

Đối chiếu hành vi “san lấp mặt bằng, đổ đất” với quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 104/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 65/2019/NĐ-CP thì chỉ có thể lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi đào đất trên bờ trong phạm vi bảo vệ đê điều.

2. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt

Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 104/2017/NĐ-CP thì: Người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.

(Hướng dẫn cách lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

Như vậy, đối với công chức cấp xã được giao nhiệm vụ quản lý công trình thủy lợi mà đang thi hành công vụ thì có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi “san lấp mặt bằng, đổ đất”. Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính thì trình Chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 100.000 đến 300.000đ, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục tình trạng ban đầu (buộc trả lại mặt bằng nguyên trạng, di dời đất ra khỏi phạm vi công trình thủy lợi).

Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com liên quan đến thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hành vi “san lấp mặt bằng, đổ đất” trong phạm vi công trình thủy lợi. Trường hợp mà cá nhân, tổ chức có hành vi san ủi mặt bằng làm biến dạng địa hình thì sẽ lập biên bản và xử lý về hành vi hủy hoại đất theo quy định tại Điều 15 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *