Xin chào, xin tư vấn cho mình một trường hợp xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, cụ thể:
– Ông A có 100m2 đất nông nghiệp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông A bán 50m2 đất nông nghiệp cho ông B bằng giấy tay (chuyển nhượng không đúng theo các quy định của pháp luật).
– Ông B tổ chức xây dựng không có giấy phép xây dựng trên diện tích 50m2 đất nông nghiệp mua của ông A.
– Ông B bị lập biên bản xử lý vi phạm trật xây dựng.
– Còn vi phạm đất đai (sử dụng sai mục đích lấy đất nông nghiệp xây nhà ở) thì lập biên bản xử lý VPHC đối tượng nào ? ông A hay ông B.
Rất mong anh sớm tư vấn giùm. Xin cám ơn nhiều.
Trangtinphapluat.com trả lời bạn như sau:
Đối với trường hợp bạn nêu thì ông B đã nhận chuyển nhượng của ông A 50m2 và 2 bên đã thực hiện xong việc giao nhận tiền, bàn giao đất trên thực địa nên ông B mới tiến hành xây dựng nhà ở trên đất đã nhận chuyển nhượng (việc chuyển nhượng chưa đúng theo trình tự thủ tục pháp luật quy định).
Việc xây dựng nhà ở của ông B trên đất nông nghiệp vi phạm ở 02 lĩnh vực: Lĩnh vực đất đai và lĩnh vực xây dựng.
+ Trên lĩnh vực xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng không có giấy phép xây dựng theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
(Xem hướng dẫn lập biên bản, xử phạt trên lĩnh vực xây dựng)
+ Trên lĩnh vực đất đai thì còn bâng khuâng là xử lý ông A hay ông B về hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Theo quan điểm của trangtinphapluat.com thì trường hợp trên phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai đối với ông B, bởi vì:
– Theo điểm c khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Như vậy, khi xử lý vi phạm hành chính phải xác định đúng đối tượng vi phạm, ở đây mặc dù việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là chưa đúng thủ tục nhưng 2 bên đã hoàn thành việc giao nhận tiền, đất, do đó ông B có quyền sử dụng và ông B đã có hành vi xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp nên đối tượng vi phạm hành chính là ông B, chứ không phải ông A. Ông A có chăng là hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.
(xem những điểm mới của Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai)
– Theo khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã nêu rõ việc xử phạt áp dụng đối với cá nhân có hành vi phạm hành chính. Do đó, việc xác định ông B là đối tượng và xử phạt ông B là hoàn toàn chính xác theo Luật xử lý vi phạm hành chính.
Trên đây là tư vấn của trangtinphapluat.com liên quan đến việc xác định đối tượng vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai.
Rubi