Vướng mắc thẩm quyền lập biên bản VPHC lĩnh vực giao thông đường bộ

Một bạn đọc có địa chỉ mail: Duyen Hoang….@gmail.com hỏi: Bên em có trường hợp vướng mắc về thẩm quyền Lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 nhờ  trangtinphapluat.com tư vấn giúp em với ạ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 79  Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định:

“1. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bao gồm:

a) Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại các Điều 75, 76 và 77 của Nghị định này;

b) Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuần kiểm có quyền lập biên bản đối với các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ;

Huong dan lap bien ban vi pham hanh chinh
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ

c) Công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương;

d) Công chức thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của Thanh tra Sở Giao thông vận tải;

đ) Công chức, viên chức thuộc Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3, khoản 5 Điều 28 Nghị định này khi xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của cảng vụ”.

Câu hỏi:

1. Đối với thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại điểm c khoản 1 Điều 79 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.  Công an viên xã (hiện nay Xã đã được bố trí Công an chính quy) có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi pham: Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, các công trình trái phép khác trong phạm vi đất dành cho đường bộ xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương không?

Trả lời:

– Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với những nơi chưa bố trí công an chính quy thì công an viên xã được quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

– Đối với những nơi đã bố trí Công an chính quy về xã thì Công an chính quy không gọi là Công an viên xã mà gọi là chiến sĩ Công an nhân dân theo quy định của Luật Công an nhân dân 2018.

(Hướng dẫn cách lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Nghị định 100 thì chiến sĩ công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, do đó căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 79 Nghị định 100thi :người có thẩm quyền xử phạt có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Như vậy, chiến sĩ công an nhân dân có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo Nghị định 100.

2. Công chức Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường xã có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi pham: Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, các công trình trái phép khác trong phạm vi đất dành cho đường bộ xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương không?

Trả lời:

– Tại điểm b khoản 1 Điều 79 Nghị định 100 có quy định thẩm quyền lập biên bản như sau: Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuần kiểm có quyền lập biên bản đối với các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ.

– Theo quy định tại khoản 32 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ thì UBND cấp xã là cơ quan quản lý đường bộ.

– Tại Điều 9 Thông tư 04/2019/TT-BGTVT  quy định về tuần đường, tuần kiểm để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thì  Trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ như sau:

“Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ

Thực hiện trách nhiệm của người quản lý, sử dụng công trình đường bộ quy định tại Thông tư này đối với tuyến đường được giao quản lý và thực hiện các quy định sau:

1. Kiểm tra việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của người quản lý, sử dụng công trình đường bộ;

2. Xử lý các kiến nghị của người quản lý, sử dụng công trình đường bộ đối với công tác điều chỉnh, bổ sung các biện pháp tổ chức giao thông theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư này;

3. Thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.”

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 04/2019/TT-BGTVT thì: Người quản lý sử dụng công trình đường bộ có trách nhiệm cử người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ.

Nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ có quyền: “lập biên bản vi phạm việc quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; yêu cầu tổ chức, cá nhân dừng hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và khôi phục vị trí ban đầu” (điểm c khoản 2 Điều 7)

Căn cứ vào quy định trên thì UBND cấp xã là cơ quan quản lý đường bộ ở địa phương, có quyền cử công chức xã thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ trên địa bàn và khi thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm nếu phát hiện có hành vi vi phạm thì người được giao nhiệm vụ tuần kiểm (ví dụ: là công chức địa chính cấp xã) có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

Trên đây là trả lời của trangtinphapluat.com liên quan đến thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Công an viên, chiến sĩ công an nhân dân và công chức địa chính – xây dựng cấp xã trên lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *