Thời hạn đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài là bao nhiêu ngày?

Nhiều bạn đọc hỏi trangtinphapluat.com: Thời hạn đăng ký khai sinh có yếu tổ nước ngoài là bao nhiêu ngày? Trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào:

Trangtinphapluat.com trả lời:

1. Về thời hạn đăng ký

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch quy định trách nhiệm đăng ký khai sinh thì: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”. Quy định này chỉ áp dụng đối với đăng ký khai sinh do UBND cấp xã thực hiện. Đối với khai sinh có yếu tố nước ngoài thực hiện tại UBND cấp huyện thì Luật Hộ tịch không quy định trách nhiệm đăng ký khai sinh, thời hạn đăng ký khai sinh là bao nhiêu ngày.

Thời hạn đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài là bao nhiêu ngày?
Thời hạn đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài là bao nhiêu ngày?

Tại Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015 thì: Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được đăng ký khai sinh. Do đó, mặc dù Luật Hộ tịch không quy định cụ thể thời hạn phải đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài nhưng để đảm bảo quyền lợi cho trẻ (quyền thừa kế, hưởng bảo hiểm y tế…) thì cha, mẹ hoặc ông, bà nên đăng ký khai sinh sớm cho trẻ.

2. Trình tự thủ tục đăng ký khai sinh

Bước 1: Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – UBND cấp huyện;

Bước 2: Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; trường hợp trẻ em có quốc tịch nước ngoài thì không ghi số định danh cá nhân.

– Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

UBND cấp huyện thực hiện đăng ký khai sinh
UBND cấp huyện thực hiện đăng ký khai sinh

* Cách thức thực hiện: Người yêu cầu đăng ký khai sinh trực tiếp nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – UBND cấp huyện, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.

* Thành phần hồ sơ:

– Tờ khai theo mẫu quy định;

– Giấy chứng sinh. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

– Văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con (đối với trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài);

– Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân;

– Văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền(nếu có).

Giấy tờ xuất trình: Bản chính giấy tờ tùy thân để chứng minh về nhân thân và giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.

Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ

* Thời hạn giải quyết: Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

* Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân

* Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính

– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: UBND cấp huyện

– Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Phòng tư pháp

* Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy khai sinh

* Lệ phí (nếu có):  Không quá 75.000 đồng.

– Miễn lệ phí hộ tịch trong những trường hợp sau:

+ Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.

+ Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

(Thông tư số 179/2015/TT-BTC)

* Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Tờ khai đăng ký khai sinh (Thông tư số 15/2015/TT-BTP)

* Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không

* Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13;

Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;

Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP;

Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thông tư số 179/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *