Một số bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com cho biết: Việc cá nhân tự ý tổ chức sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng có vi phạm quy định pháp luật hay không. Cụ thể là quy định nào. Chế tài xử lý như thế nào.
Trangtinphapluat.com trả lời mang tính tham khảo như sau:
I. Sinh hoạt tôn giáo
Theo Khoản 10 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, có hiệu lực 01/01/2019 thì sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo.
Sinh hoạt tôn giáo là một trong những hoạt động tôn giáo. Cụ thể , tại Khoản 11 Điều 2 Luật Tín ngưỡng tôn giáo thì: Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo.
Và tại Khoản 2 Điều 7 Quy định quyền của tổ chức tôn giáo,tổ chức tôn giáo trực thuộc, có quy định quyền tổ chức sinh hoạt tôn giáo.
II. Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung
A.Điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung
Điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được quy định tại Điều 16 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo như sau:
“1. Tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ tại những nơi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho những người thuộc tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo;
b) Nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung có người đại diện là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
c) Nội dung sinh hoạt tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này.
2. Những người theo tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện sau đây:
a) Có giáo lý, giáo luật;
b) Tên của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc.”
B. Thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được quy định tại Điều 17 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể:
“1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc người đại diện của nhóm người theo tôn giáo trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này gửi hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo.
2. Hồ sơ đăng ký gồm:
a) Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức đăng ký; tên tôn giáo; họ và tên, nơi cư trú của người đại diện; nội dung, địa điểm, thời gian sinh hoạt tôn giáo, số lượng người tham gia;
b) Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để làm nơi sinh hoạt tôn giáo;
c) Sơ yếu lý lịch của người đại diện nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung;
(Hướng dẫn thủ tục xác nhận sơ yếu lý lịch)
d) Bản tóm tắt giáo lý, giáo luật đối với việc đăng ký quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.”
Căn cứ vào quy định trên thì việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung phải đăng ký tại UBND cấp xã, trường hợp không đăng ký mà sinh hoạt tôn giáo tập trung là vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
III. Xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo
Theo quy định tại Điều 64 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được quy định như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Căn cứ quy định của Luật này và Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.”
(Xem bài viết hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
Chỉ xử phạt khi có quy định
Theo điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính như sau: ” Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”. Do đó, hành vi sinh hoạt tôn giáo tại nhà hiện nay chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính do Chính phủ ban hành nên mặc dù hành vi đó vi phạm Luật Tín ngưỡng, tô giáo nhưng không có chế tài để xử phạt hành chính.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (dự thảo được đăng tải trên trang web của Ban Tôn giáo Chính phủ tại địa chỉ: http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/258/0/11541/Gioi_thieu_Du_thao_Nghi_dinh_quy_dinh_xu_phat_vi_pham_hanh_chinh_trong_linh_vuc_tin_nguong_ton_giao), theo dự thảo thì việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung khi chưa được phép và không được phép của cấp có thẩm quyền thì xử lý như sau:
Điều 10. Vi phạm quy định về sinh hoạt tôn giáo tập trung
1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoạt động theo quy định tại Điều 17 Luật tín ngưỡng, tôn giáo tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có thay đổi về người đại diện hoặc nội dung, địa điểm, thời gian sinh hoạt tôn giáo tập trung, số lượng người tham gia sinh hoạt;
c) Tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung không đúng địa điểm, vượt quá thời gian, sai lệch về nội dung so với đăng ký đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
(Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình phụ trợ tôn giáo?)
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung khi không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoạt động theo quy định tại Điều 17 Luật tín ngưỡng, tôn giáo tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung khi không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có thay đổi về người đại diện hoặc nội dung, địa điểm, thời gian sinh hoạt tôn giáo tập trung, số lượng người tham gia sinh hoạt;
c) Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
3.Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc chấm dứt sinh hoạt tôn giáo tập trung đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.
b) Buộc chấm dứt hành vi quy định tại điểm b và c khoản 1; điểm b khoản 2 Điều này.
Tóm lại, việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung phải đăng ký tại UBND cấp xã, trường hợp không đăng ký mà sinh hoạt tôn giáo tập trung tại nhà hay tại nơi nào khác là vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại theo quy định.