Nhiều bạn đọc thắc mắc việc xây dựng công trình ở nông thôn (nhà ở, công trình khác) trường hợp nào được miễn giấy phép xây dựng, trường hợp nào phải xin phép, và pháp luật xử phạt hành vi xây dựng công trình ở nông thôn như thế nào.?
1. Quy định về xây dựng công trình ở nông thôn
Luật Xây dựng 2014 tại Khoản 2 Điều 89 quy định vềcông trình được miễn giấy phép xây dựng ở nông thôn gồm:
“i) Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;
k) Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa”.
Như vậy, theo Luật Xây dựng thì ở nông thôn đối với khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt thì công trình xây dựng được miễn phép. Đối với nhà ở riêng lẻ thì dù nằm trong quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt hay không thì vẫn được Miễn giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa phải xin giấy phép xây dựng.
2. Xây dựng nhà ở nông thôn trường hợp nào phải xin phép
Theo quy định trên thì nhà ở riêng lẻ ở nông thôn được miễn giấy phép xây dựng, tuy nhiên việc xây dựng nhà ở riêng lẻ phải xây dựng trên đất ở thì mới được miễn giấy phép xây dựng. Trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ không phải trên đất ở mà thuộc các loại đất khác như đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì sẽ bị xử phạt hành chính trên lĩnh vực xây dựng và đất đai.
2.1.Xử phạt trên lĩnh vực xây dựng
Do công trình nhà ở nông thôn thuộc trường hợp miễn giấy phép xây dựng nên không xử lý về hành vi xây dựng không phép mà có thể xử phạt hành vi xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt với mức phạt từ 50 đến 60 triệu đồng theo quy định tại Khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Tuy nhiên, cần lưu ý phải xác định được quy hoạch xây dựng được duyệt ở khu vực đó là gì thì mới có cơ sở xử phạt.
(Quy định mới về cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn)
2.2. Xử phạt trên lĩnh vực đất đai
Hành vi xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp sẽ bị xử phạt trên lĩnh vực đất đai theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 102/2014/NĐ-CP (nay đã được thay thế bởi Nghị định 91/2019/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, cụ thể:
“1. Hành vi tự ý chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm thuộc mức 1;
b) Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm thuộc mức 2;
c) Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm thuộc mức 3;
d) Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm thuộc mức 4.”
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
3. Xây dựng công trình khác ở nông thôn
Công trình khác theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 139/2017/NĐ-CP gồm: công trình có quy mô không thuộc các trường hợp: Lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình và nhà ở riêng lẻ.
Công trình khác ở nông thôn có thể là: Nhà kính, chuồng gà, chuồng heo, tường rào, xây dựng kho chứa vật tư nông nghiệp…
3.1. Trường hợp chuyển mục đích không phải xin phép
Theo Luật Xây dựng thì công trình xây dựng ở nông thôn được miễn giấy phép xây dựng, tuy nhiên trường hợp cá nhân/tổ chức trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi loại đất nông nghiệp gì thì phải sử dụng đúng mục đích trong giấy chứng nhận đã ghi, nếu chuyển mục đích sử dụng sang đất nông nghiệp khác hoặc đất phi nông nghiệp thì phải xin phép cơ quan có thẩm quyền, trừ một số trường hợp sau việc chuyển mục đích sử dụng đất không cần phải xin phép mà phải đăng ký theo Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ đã được sửa đổi theo Khoản 1 Điều 12 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai, thì: ( hiện nay là Thông tư 09/2021/TT-BTNMT về việc sửa đổi bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai) ” Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm:
a) Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;
c) Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;
d) Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;
đ) Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.”
Như vậy, nếu trường hợp cá nhân/tổ chức xây dựng nhà kính, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm…trên đất nông nghiệp thì không cần phải xin chuyển mục đích sử dụng đất và trường hợp này sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tự chuyển mục đích sử dụng đất.
3.2. Trường hợp chuyển mục đích phải xin phép
Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai thì trường hợp chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thuộc trường hợp phải xin phép. Do đó, trừ trường hợp được miễn phép đã nêu ở trên nếu cá nhân/tổ chức chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sáng đất nông nghiệp khác được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc sang đất phi nông nghiệp thì phải xin phép, nếu không sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 6, 7, 8, 9 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.
(Xây nhà trên đất nông nghiệp – xử phạt lĩnh vực đất đai hay xây dựng?)
3.3. Xây dựng tường rào có phải xin phép?
Trong thực tiễn có việc các hộ gia đình xây tường rào kiên cố quanh khu vực đất nông nghiệp của mình. Hành vi xây dựng tường rào có vi phạm pháp luật hay không? xử lý như thế nào cho đúng?.
Như đã phân tích ở trên, công trình xây dựng ở nông thôn được miễn giấy phép xây dựng, trừ trường hợp khu vực đã có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt. Và Luật Đất đai cũng quy định đất nông nghiệp được xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, láng trại, nhà kho, nhà chứa vật tư phục vụ phát triển nông nghiệp…Như vậy, trong trường hợp người dân xây dựng tường rào xung quanh khu đất nông nghiệp để chăn nuôi gia súc, gia cầm thì không vi phạm pháp luật.
Và Luật Đất đai tại Khoản 4 Điều 170 quy định nghĩa vụ chung của người sử dụng đất là “thực hiện các biện pháp bảo vệ đất”.
Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 176 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Mốc giới ngăn cách các bất động sản như sau: Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
Do đó, việc cá nhân/ tổ chức xây dựng tường rào để bảo vệ ranh giới thửa đất là phù hợp với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.Xem video hướng dẫn xử phạt hành vi xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp
Tóm lại, việc xây dựng công trình nhà ở, công trình khác (nhà kho, tường rào, chuồng trại chăn nuôi…) ở nông thôn hiện nay pháp luật quy định tương đối rõ nhưng vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về việc trường hợp nào xây dựng phải xin phép, trường hợp nào chuyển mục đích không phải xin phép. Trangtinphapluat.com rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn đọc để có cái nhìn đa chiều về việc xử lý các hành vi xây dựng công trình ở nông thôn.
Thảo Huy
Theo quan điểm “Đối với các khu vực đã có quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, trường hợp vị trí xây dựng phù hợp với quy hoạch, nhưng mục đích sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là đất ở thì xử lý ra sao. đó là khu vực được chuyển sang Đất ở để xin phép hoặc không xin phép xây dựng theo Luật xây dựng. Tuy nhiên nếu xử lý vi phạm theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phụ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấr đai”. Theo đó, hành vi xử lý theo nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phụ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hầu như là buộc khôi phục tình trạng trạng của đất trước khi vi phạm, đồng với nghĩa là buộc tháo dỡ công trình trên đất, tuy nhiên theo quy định việc xây dựng công trình trên đất phù hợp quy hoạch sử dụng đất và xây dựng, thì chủ đầu tư được chuyển đổi mục đích sử dụng sang thành đất ở và xin phép xây dựng đảm bảo các quyền quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư hoặc thực hiện theo Điều 89 Luật Xây dựng khi đã chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở.
Đồng thời, qua nghiên cứu Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Quốc Hội có hiệu lực 2015 và Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ, Đội Thanh tra địa bàn có kiến nghị về áp dụng xử lý hành vi xây dựng công trình không phép ở nông thôn phù hợp quy hoạch xây dựng được duyệt như sau:
Theo Khoản 29, Điều 3 Luật Xây dựng có giải thích từ ngữ “Nhà ở riêng lẽ là công trình được xây dựng trong kuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật”.
Tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ có giải thích từ ngữ như sau “Công trình khác quy định tại Nghị định này là công trình có quy mô không thuộc các trường hợp: lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình và nhà ở riêng lẽ”. Theo đó tại Điểm a, Khoản 5, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP có quy định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm công trình khác; Điểm b, Khoản 12, Điều 15 của Nghị định 139/2017/NĐ-CP, có quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng.
Quy định về Giấy phép xây dựng (Khoản 3, Điều 89 Luật Xây dựng)
+ Giấy phép xây dựng mới
+ Giấy phép sữa chữa, cải tạo
+ Giấy phép di dời công trình
Do đó, khi phát hiện công trình vi phạm trật tự xây dựng (xây dựng không phép ở nông thôn, phù hợp với quy hoạch), hầu như chúng ta chưa có căn cứ để xác định đây là dạng công trình sử dụng vào mục đích gì (vì mục đích sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là đất ở, nên không thể xác định đây là công trình nhà ở được). Để đảm bảo quyền và lợi ích của chủ đầu tư, tránh thiệt hại về tài sản do vi phạm hành chính gây ra, thì khi chúng ta tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trật tự xây dựng quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ, đồng thời ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính buộc chủ đầu tư trong thời hạn 60 ngày để liên hệ cơ quan chức năng thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lập thủ dục xin phép xây dựng theo quy định để phù hợp với việc xây dựng công trình và phù hợp với mục đích sử dụng đất, công trình khi hoàn thành đưa vào sử dụng.
Từ những căn cứ trên,
có ý kiến thống nhất về trường hợp xử lý công trình xây dựng không phép ở nông thôn, đối với các khu vực đã có quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, trường hợp vị trí xây dựng phù hợp với quy hoạch, nhưng mục đích sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là đất ở, thì áp dụng xử phạt đối với hành vi quy định tại “Điểm a, Khoản 5, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẽ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c của khoản này”.
Xử lý công trình xây dựng không phép ở nông thôn, đối với các khu vực đã có quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, trường hợp vị trí xây dựng phù hợp với quy hoạch, nhưng mục đích sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là đất ở, thì áp dụng xử phạt đối với hành vi quy định tại “Điểm a, Khoản 5, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẽ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c của khoản này”.
Xử lý như trên sẽ sai vì nhà ở riêng lẻ không phải là công trình khác theo Khoản 1, Điều 2, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017.
Theo quan điểm của tôi chỉ có thể xử lý theo nghị định 102 về tự ý chuyển mục đích sử dụng đất