Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc những nội dung mới về quy định phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2025 (có hiệu lực 01/3/2025) so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019.
So sánh Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 và Luật 2015 – Phần 1
1. Về phân quyền
+ Theo quy định tại Điều 12 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 thì: “Việc phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp phải được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, trong đó xác định rõ chủ thể thực hiện, nội dung, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm các nguyên tắc phân định thẩm quyền và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp quy định tại Luật này.”
Đề cương tuyên truyền Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025
Theo quy định trên thì việc phân quyền được thực bằng văn bản luật hoặc nghị quyết của Quốc hội. Trước đây theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, sửa đổi, bổ sung 2019 thì việc phân quyền được quy định trong luật. Như vậy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định việc phân quyền rộng hơn, gồm cả luật và nghị quyết của Quốc hội.

+ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi 2019 không đề cập đến việc sau khi được phân quyền thì chính quyền địa phương có được phân cấp, ủy quyền hay không. Luật 2025 đã quy định rõ: Chính quyền địa phương tự chủ trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; được phân cấp, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội quy định không được phân cấp, ủy quyền.
2. Về phân cấp
2.1. Về đối tượng phân cấp
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 quy định đối tượng có quyền phân cấp là UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Luật trước đây quy định đối tượng được phân cấp rất là rộng, gồm: cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.
Như vậy, Luật 2025 bó hẹp phạm vi đối tượng được phân cấp.
2.2 Đối tượng nhận phân cấp:
Khoản 1 Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình hoặc Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp”
Theo đó, chỉ phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc cấp mình và UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp.
Theo Luật 2015 sửa đổi 2019 tại Điều 13 quy định Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, Luật 2015, sửa đổi 2019 quy định rất chung chung, đối tượng được phân cấp là chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND, cơ quan nhà nước cấp dưới thì không rõ là cơ quan hành chính hay là đơn vị sự nghiệp. Chính vì vậy khó khăn trong quá trình thực hiện phân cấp.
3. 3 Văn bản phân cấp
Cả Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi 2019 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 đều quy định:Việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan phân cấp.

Luật năm 2015, sửa đổi 2019 quy định cơ quan được phân cấp được quyền phân cấp tiếp. Còn Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 không quy định phân cấp tiếp. Tức là chỉ phân cấp 01 lần, cơ quan cấp dưới đề xuất,góp ý các nội dung phân cấp phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương.
4. Về ủy quyền
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi 2019 tại khoản 1 Điều 14 nêu: “Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.”
Theo đó, việc ủy quyền chỉ thực hiện “trong trường hợp cần thiết” nhưng Luật không giải thích, hướng dẫn thế nào là cần thiết.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp mà chưa quy định trường hợp ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cùng cấp. Điều này dẫn đến vướng mắc cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là trong các nội dung ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Để khắc phục các vướng mắc trên, tại Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 đã quy định rõ về đối tượng ủy quyền, theo đó:
“

Ủy ban nhân dân ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình hoặc Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới; Chủ tịch Ủy ban nhân dân ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới; cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ủy quyền cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp dưới thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền.
Việc ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện đối với các nhiệm vụ, quyền hạn nhằm tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản trị đơn vị và cung ứng dịch vụ công.”
Luật 2025 ngoài quy định về điều kiện ủy quyền, theo dõi, đôn đốc việc ủy quyền, không được ủy quyền tiếp còn bổ sung thêm quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận ủy quyền sử dụng hình thức văn bản, con dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền.
Trên đây là một số quy định mới về phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2019.
Rubi