Quy định phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý hành chính

Hiện nay trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước đang có chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền để cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính cấp dưới thực hiện thay công việc của cấp trên. Để bạn đọc hiểu rõ các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giao quyền trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu các quy định của pháp luật liên quan về vấn đề trên.

1. Quy định về phân cấp, phân quyền

1.1. Thế nào là phân cấp?

+ Theo Từ điển Luật học của Viện Khoa học pháp lý thì phân cấp quản lý hành chính là: Chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện thường xuyên, lâu dài, ổn định trên cơ sở pháp luật.uy quyen la gi

Phân cấp quản lý hành chính là xác định lại sự phân chia thẩm quyền theo các cấp hành chính cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Phân cấp quản lý hành chính nhằm đạt dược 3 mục tiêu sau: (1) Nâng cao hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của các cấp hành chính; (2) Củng cố mối liên hệ giữa cấp trên và cấp dưới; (3) Khắc phục những biểu hiện quan liêu, cụ bộ.

(Xem bài viết so sánh Luật Tổ chức chính quyền địa phương với Luật Tổ chức HĐND -UBND)

+ Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi, bổ sung 2019 thì không giải thích thế nào là phân cấp, tại Điểu 13 quy định:

Điều 13. Phân cấp cho chính quyền địa phương

1. Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này và phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan nhà nước phân cấp và cơ quan nhà nước được phân cấp.

3. Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm điều kiện v tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp. (sửa đổi, bổ sung 2019)

4. Cơ quan nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, cơ quan nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đã phân cấp.

+ Theo Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực thì:

Thực hiện phân cấp hợp lý về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử và hội nhập quốc tế. Việc thực hiện phân cấp nhiệm vụ phải căn cứ vào khả năng tự cân đối ngân sách, điều kiện phát triển của các địa phương…

1.2. Thế nào là phân quyền?

+ Theo Từ điển Luật học của Viện Khoa học pháp lý thì phân quyền là: Phân cho một tập thể hay một đơn vị hành chính – lãnh thổ tự quản lý, có tư cách pháp nhân, có những quyền hạn và những nguồn lực nhất định, dưới sự kiểm tra của Nhà nước.

+ Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi bổ sung 2019  không giải thích thế nào là phân quyền, tại điểu 12 quy định:

Điều 12. Phân quyền cho chính quyền địa phương

1. Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Trong trường hợp này, luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác (sửa đổi, bổ sung 2019).

2. Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.

Quy định phân cấp, phân quyền, ủy quyền của Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Quy định phân cấp, phân quyền, ủy quyền của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

3. Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương.

4. Các luật khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này và phù hợp với các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương quy định tại Luật này.

* Căn cứ vào các quy định nêu trên thì việc phân cấp, phân quyền phải thể hiện bằng văn bản quy phạm pháp luật chứ không được thể hiện dưới văn bản hành chính thông thường. Riêng việc phân quyền phải thể trong văn bản luật, tức là chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định việc phân quyền của cấp trên cho cấp dưới. Còn việc phân cấp thì cấp tỉnh, cấp huyện cũng có thể thực hiện được thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo Điều 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cấp huyện chỉ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi được Luật giao, tức là trong văn bản Luật có giao cho cấp huyện được phân quyền thì cấp huyện mới được ban hành văn bản QPPL để phân quyền cho cấp xã thực hiện nhiệm vụ của mình.

(Xem bài viết hướng dẫn thể thức văn bản quy phạm pháp luật)

2. Quy định về ủy quyền, giao quyền trong cơ quan hành chính

+ Theo Từ điển Luật học của Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp thì ủy quyền là giao quyền người khác thay mặt mình sử dụng quyền mà mình có được một cách hợp pháp. Ủy quyền được thực hiện bằng văn bản ủy quyền (hợp đồng ủy quyền, quyết định ủy quyền).

(Xem bài viết ủy quyền trong xử phạt vi phạm hành chính)

+ Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi, bổ sung 2019 tại Điều 14 có quy định về ủy quyền như sau:

Điều 14.Ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương

1. Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hp quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùncấp, người đứng đu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản. (sửa đổi, bổ sung 2019)

Luật ban hành văn bản hành chính
Việc ủy quyền phải bằng văn bản hành chính hay quy phạm pháp luật

2. Việc ủy quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã ủy quyền. (sửa đổi, bổ sung 2019)

3. Cơ quan, tổ chức được ủy quyền phải thực hiện đúng nội dung và chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính nhà nước cấp trên về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền. Cơ quan, tổ chức nhận ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.

Như vậy, việc ủy quyền cũng phải bằng văn bản nhưng lại không nêu rõ là văn bản hành chính thông thường hay văn bản quy phạm pháp luật. Việc ủy quyền có thể cơ quan cấp trên cho cơ quan cấp dưới, cho cơ quan chuyên môn hoặc cả đơn vị sự nghiệp công lập và cá nhân Chủ tịch UBND cấp trên có thể ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn hoặc chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp.

Thực tiễn việc ủy quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện bằng văn bản hành chính thông thường. Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản ủy quyền thực hiện theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư.

+ Bên cạnh ủy quyền, trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính thì còn có giao quyền. Tại Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 có quy định về giao quyền xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Điều 54. Giao quyền xử phạt
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm, hành chính quy định tại Điều 38; các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 39; các khoản 2, 2a, 3, 3a và 4 Điều 40; các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 41; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 42; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 43; các khoản 2, 3 và 4 Điều 43a; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 44; các khoản 2, 3 và 4 Điều 45; Điều 45a; các khoản 2, 3 và 4 Điều 46; Điều 47; khoản 3 và khoản 4 Điều 48; khoản 2 Điều 48a; các khoản 2, 4 và 5 Điều 49; Điều 51 của Luật này có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
2. Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc, đồng thời với việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 của Luật này. Việc giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.
3. Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.

3. Sự khác nhau giữa phân quyền, phân cấp và ủy quyền, giao quyền

Giống nhau:

Đưa công việc của cấp trên cho cấp dưới thực hiện.

Khác nhau:

Phân quyền phải quy định trong Luật và chỉ có Quốc hội mới có quyền quyết định; phân cấp thì ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật, đối tượng được quyền phân cấp thì rộng hơn phân quyền, có thể cơ quan trung ương, tỉnh, huyện. Còn ủy quyền thì có thể ủy quyền bằng văn bản hành chính, đối tượng có quyền ủy quyền rộng hơn phân cấp, phân quyền.

Phân biệt phân cấp, phân quyền, ủy quyền
Phân biệt phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý hành chính

Phân cấp thì phải thường xuyên, liên tục, còn ủy quyền thực hiện trong khoảng thời gian xác định.

Sự khác nhau giữa ủy quyền và thừa ủy quyền

Trong hoạt động quản lý nhà nước bên cạnh ủy quyền có có thừa ủy quyền. Theo Khoản 3 Điều 13 Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư thay thế cho  Nghị định 110/2010/NĐ-CP về công tác văn thư đươc sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 09/2010/NĐ-CP  thì thừa ủy quyền là: Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của mình ký thừa ủy quyền một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, giới hạn thời gian và nội dung được ủy quyền. Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa ủy quyền được thực hiện theo thể thức và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức ủy quyền.

Ủy quyền chỉ trong trường hợp cần thiết, phạm vi rộng (ủy quyền của cấp trên với cấp dưới, ủy quyền người đứng đầu cơ quan, đơn vị với các cơ quan chuyên môn…) và việc đóng dấu vào văn bản ủy quyền là sử dụng con dấu của cơ quan được ký ủy quyền Theo điểm c khoản 2 Điều 32 Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư thì văn thư cơ quan có trách nhiệm: Phải trực tiếp đóng dấu, ký số vào văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành và bản sao văn bản..

Thừa ủy quyền chỉ trong trường hợp đặc biệt, tức là phạm vi thừa ủy quyền hẹp hơn so với ủy quyền, và chỉ ủy quyền giữa người đứng đầu cơ quan với người đứng đầu đơn vị thuộc cơ quan đó (ví dụ: Chánh Văn phòng ký Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND, Trưởng phòng ký Thừa ủy quyền của Giám đốc…) thì đóng dấu cơ quan, tổ chức ủy quyền.

Ủy quyền và Thừa ủy quyền đều không được ủy quyền lại.

5. Trường hợp nào kết thúc phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giao quyền

Việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giao quyền trong hoạt động quản lý hành chính kết thúc khi nào?

Xem clip phân biệt phân cấp – phân quyền – ủy quyền

+ Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung 2019  tại Điều 14 thì việc ủy quyền thực hiện trong khoảng thời gian xác định, do đó khi hết thời hạn được ghi trong quyết định ủy quyền thì sẽ chấm dứt việc ủy quyền.

+ Việc phân cấp, phân quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2014 phải được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, do đó khi văn bản QPPL hết hiệu lực (theo thời gian, bị bãi bỏ, hủy bỏ, đình chỉ thi hành, thay thế…) thì việc phân cấp, phân quyền cũng sẽ hết hiệu lực.

+ Theo khoản 4 Điều 10 Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Việc giao quyền chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn giao quyền ghi trong quyết định;

b) Công việc được giao quyền đã hoàn thành;

c) Cấp trưởng chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó. Trong trường hợp này, việc chấm dứt giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định;

d) Người giao quyền hoặc người được giao quyền nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật;

đ) Người giao quyền hoặc người được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;

e) Công việc được giao quyền tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật;

g) Người giao quyền hoặc người được giao quyền bị khởi tố; bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử;

 h) Điều kiện để cấp trưởng giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính không còn.

Trên đây là các quy định liên quan đến việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giao quyền trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *