Theo quy định tại Khoản 2 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”.
Hộ gia đình phải ủy quyền cho một người thực hiện
Như vậy để thực hiện việc vay vốn với tư cách là hộ gia đình thì các thành viên trong hộ phải ủy quyền cho một người để đại diện thực hiện các công việc với ngân hàng. Và hiện nay, các ngân hàng đều xây dựng riêng mẫu giấy ủy quyền để cho hộ gia đình vay vốn, theo đó các thành viên trong hộ đồng ý để chủ hộ vay vốn kèm theo các điều kiện do ngân hàng đưa ra, sau đó mang đến UBND cấp xã xác nhận chữ ký thì ngân hàng sẽ giải ngân vốn.
Đối với UBND các xã, phường, thị trấn khi tiếp nhận các yêu cầu này thường rất lúng túng, chứng thực chữ ký thì không đúng, vì bản chất của mẫu giấy ủy quyền này liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản theo quy định tại Khoản 4 Điều 25 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch, thì không được chứng thực chữ ký đối với Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp: Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu UBND xã, phường từ chối không chứng thực thì gây khó khăn cho công dân trong quá trình giao dịch với ngân hàng cho nên hầu như UBND cấp xã vẫn chứng thực giấy ủy quyền theo mẫu của ngân hàng để công dân có thể thực hiện vay vốn làm ăn.
Chứng thực hợp đồng, giao dịch
Để để bảo việc chứng thực văn bản ủy quyền đúng quy định pháp luật, ngày 28/9/2017, Cục hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Bộ Tư pháp đã ban hành CÔng văn số 979/HTQTCT-CT về việc hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến chứng thực chữ ký trong văn bản ủy quyền. Nội dung công văn nếu rõ: Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015, “hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong trường hợp này việc các thành viên trong hộ gia đình cùng ký văn bản ủy quyền để ủy quyền cho một thành viên làm đại diện cho việc vay vốn, thực hiện các giao dịch với ngân hàng chính sách xã hội về bản chất được hiểu là một hợp đồng.
Mặc khác theo quy định tại Điều 223 và 464 BLDS 2015 thì thông qua hợp đồng cho vay tài sản, bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó. Theo đó, văn bản ủy quyền mà ngân hàng chính sách xã hội soạn thảo có nội dung liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản giữa ngân hàng chính sách xã hội và hộ gia đình vay vốn. Do vậy, căn cứ vào Khoản 4 Điều 25, Điểm d Khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch, cơ quan có thẩm quyền chứng thực sẽ không chứng thực chữ ký trong mẫu Giấy ủy quyền nêu trên mà hướng dẫn người yêu cầu chứng thực chứng thực hợp đồng, giao dịch theo quy định tại Chương 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP hoặc tiến hành công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng.
Như vậy, theo hướng dẫn của Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực thì UBND xã, phường, Phòng Tư pháp cấp huyện sẽ không chứng thực chữ ký trong mẫu Giấy ủy quyền liên quan đến ủy quyền vay vốn do các Ngân hàng soạn thảo mà hướng dẫn người dân lập hợp đồng ủy quyền để chứng thực hoặc công chứng.
(Một số hạn chế về chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng giao dịch)
Rubi