Xác nhận sơ yếu lý lịch hiện nay ở mỗi địa phương lại thực hiện khác nhau. Có nơi xác nhận chữ ký, có nơi xác nhận nội dung theo yêu cầu của công dân? Vậy cách xác nhận nào là đúng?
Chứng thực chữ ký hoặc nội dung trong sơ yếu lý lịch
Ngày 20 tháng 3 năm 2014, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực ban hành Công văn số 1520/HTQTCT-CT về việc hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch, theo đó: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong Sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng. Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân.
Chỉ chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch
Hướng dẫn trên đã tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong xác nhận sơ yếu lý lịch khi chưa có quy định cụ thể, áp dụng thống nhất trên cả nước.
– Tuy nhiên, đến ngày 10/4/2015, khi mà Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch có hiệu lực thi hành thì tại Điểm b Khoản 4 Điều 24 có quy định thủ tục chứng thực chữ ký cũng được áp dụng đối với trường hợp chứng tờ khai lý lịch cá nhân. Như vậy, theo Nghị định 23 thì tờ khai lý lịch cá nhân (sơ yếu lý lịch) chỉ chứng thực chữ ký chứ không chứng nhận nội dung như hướng dẫn của Công văn 1520 trước đây. Nhưng thực tế những nơi tiếp nhận lý lịch cá nhân (sơ yếu lý lịch) thường yêu cầu phải có xác nhận của chính quyền địa phương là nội dung khai trong lý lịch là đúng, do đó công dân đề nghị UBND cấp xã xác nhận nội dung tờ khai lý lịch là đúng để họ đi xin việc và thực tế UBND cấp xã đã xác nhận theo đề nghị của công dân.
(Cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận hạnh kiểm cá nhân để xin việc?)
– Và theo Công văn 873/HTQTCT-CT ngày 25/8/2017 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực về việc quán triệt thực hiện chứng thực sơ yếu lý lịch thì: Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phổ biến, quán triệt và chỉ đạo đến tất cả các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực trên địa bàn (bao gồm UBND cấp xã, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, các tổ chức hành nghề công chứng) tuyệt đối không phê nội dung nhận xét về việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định…của Đảng, Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân; chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người yêu cầu trên Sơ yếu lý lịch theo đúng quy định tại Mục 3, từ Điều 23 đến Điều 26 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
(Một số hạn chế về chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng giao dịch)
Như vậy, Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Công văn 873/HTQTCT-CT ngày 25/8/2017 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đều quy định, hướng dẫn chứng thực sơ yếu lý lịch cá nhân chỉ chứng thực chữ ký, không còn chứng thực nội dung.
Vậy việc UBND cấp xã xác nhận nội dung lý lịch là đúng có phù hợp với Nghị định 23 và Công văn 873/HTQTCT-CT hay không? Theo quan điểm của người viết thì xác nhận như vậy là không đúng theo tinh thần Nghị định 23 và hướng dẫn Công văn 873/HTQTCT-CT nhưng lại phù hợp với thực tế, giải quyết được yêu cầu chính đáng của người dân. Nghị định 23 quy định lý lịch cá nhân thì chứng thực chữ ký nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, đó là có thể tới bất kỳ UBND xã, phường, Phòng Tư pháp nào để chứng, không bắt buộc phải về nơi cư trú xác nhận. Tuy nhiên, chỉ quy định được xác nhận chữ ký đã gây khó khăn cho công dân, nhất là những trường hợp làm hồ sơ xin việc, xuất khẩu lao động, nơi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu phải xác nhận nội dung, chứ không chấp nhận chữ ký.
(Quy định mới về xác nhận sơ yếu lý lịch cá nhân từ ngày 20/4/2020)
Xem Clip hướng dẫn công chứng, chứng thực sơ yếu lý lịch, hồ sơ xin việc
Hướng dẫn mới về chứng thực lý lịch cá nhân
Ngày 03/3/2020, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, có hiệu lực 20/4/2020.
Theo đó, các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân. Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.
(Từ 20/4/2020 chứng thực lý lịch cá nhân phải về nơi thường trú?)
Như vậy, Nghị định 23 và Thông tư 01/2020/TT_BTP đã quy định rõ việc chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân có thể ghi thêm nội dung nếu pháp luật chuyên ngành quy định, trường hợp không có quy định thì không ghi và thực hiện theo mẫu của Nghị định 23 và hướng dẫn của Thông tư 01.
(Xem những điểm mới của Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP về chứng thực)
Ru bi