Quy định mới về xác nhận sơ yếu lý lịch cá nhân từ năm 2024

Xác nhận sơ yếu lý lịch cá nhân, tờ khai lý lịch cá nhân, Bản khai lý lịch cá nhân…sẽ có nhiều thay đổi từ năm 2024. Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc một số quy định về lý lịch cá nhân và xác nhận sơ yếu lý lịch cá nhân.

1. Quy định về lý lịch cá nhân

   Qua tìm hiểu của trangtinphapluat.com thì hiện nay việc quy định về tên gọi của lý lịch cá nhân có sự chưa thống nhất, mỗi ngành quy định khác nhau, có văn bản ghi rõ là sơ yếu lý lịch, lý lịch cá nhân, có văn bản lại quy định là lý lịch học sinh, sinh viên, có văn bản quy định tờ khai lý lịch cá nhân, có văn bản quy định bản khai lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp….

a)  Sơ yếu lý lịch, lý lịch cá nhân

Đối với cán bộ, công chức, viên chức thì hiện nay theo tìm hiểu của trangtinphapluat.com thì có quy định về sơ yếu lý lịch, lý lịch cá nhân, phiếu lý lịch tư pháp.

+ Đối với cán bộ, công chức viên chức thì Bộ Nội vụ quy định cụ thể mẫu sơ yếu lý lịch   tại các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nội vụ.

Chứng thực sơ yếu lý lịch ở đâu
Xác nhận sơ yếu lý lịch cá nhân như thế nào

 Cụ thể đối với cán bộ, công chức thì mẫu sơ yếu lý lịch được quy định tại Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về mẫu biểu hồ sơ cán bộ, công chức.

(Từ 20/4/2020 chứng thực lý lịch cá nhân phải về nơi thường trú?)

 Đối với viên chức thì mẫu sơ yếu lý lịch được quy định tại Thông tư 07/2019/TT-BNV quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ viên chức

+ Tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì có quy định:

– Hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào làm công chức: Sơ yếu lý lịch công chức, viên chức theo quy định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;

– Hồ sơ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức: Sơ yếu lý lịch công chức, viên chức theo quy định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thi nâng ngạch, thăng hạng, có xác nhận của cơ quan quản lý, sử dụng công chức, viên chức;

– Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý: Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

b) Lý lịch học sinh, sinh viên

   Đối với học sinh, sinh viên thì không gọi là sơ yếu lý lịch mà gọi là lý lịch học sinh, sinh viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Quyết định 58/2007/QĐ-BGDĐT Quy định về hồ sơ học sinh, sinh viên và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ học sinh, sinh viên.

c) Tờ khai lý lịch cá nhân

   Tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, và tại Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì quy định  Chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân, chứng thực chữ ký người khai lý lịch cá nhân.

(Tổng hợp những điểm mới của Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP)

d) Bản khai lý lịch

  Theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì có quy định về Bản khai lý lịch cá nhân.

  Và chắc chắn một điều rằng trong nhiều văn bản pháp luật khác cũng có quy định khác nhau về tên gọi, biểu mẫu của lý lịch cá nhân.

  đ) Sơ yếu lý lịch xin việc

 Một trong những lý lịch được sử dụng phổ biến nhất là sơ yếu lý lịch để công dân nộp hồ sơ xin việc. Tuy nhiên qua tìm hiểu của trangtinphapluat.com thì pháp luật không có quy định về mẫu cũng như tên gọi của sơ yếu lý lịch mà mỗi cơ quan, đơn vị tuyển dụng lại có quy định khác nhau.

Quy định mới về xác nhận lý lịch cá nhân
Quy định mới về xác nhận lý lịch cá nhân

2. Quy định về xác nhận sơ yếu lý lịch cá nhân

2.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức

Đối với sơ yếu lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức thì Bộ Nội vụ nêu rõ là Thủ trưởng cơ quan, đơn vị (ký, đóng dấu) không hướng dẫn ghi nội dung gì.

…………, Ngày…….tháng………năm 20……

Thủ trưởng đơn vị sử dụng viên chức

(Ký tên, đóng dấu)

2.2. Đối với Bản khai lý lịch

Đối với Bản khai lý lịch theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP và một số bản khai lý lịch khác thì có ghi chung là  Xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, không nêu rõ xác nhận nội dung gì.

Xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội trực tiếp quản lý

  2.3. Đối với lý lịch học sinh, sinh viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ phải xác nhận nội dung chấp hành pháp luật…., cụ thể như sau:

Xác nhận của Chính quyền Xã, Phường nơi học sinh, sinh viên cư trú

(Đề nghị Chính quyền địa phương xác nhận theo nội dung: Hộ khẩu thường trú, việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của  học sinh, sinh viên tại địa phương).

Từ các quy định nêu trên cho thấy việc quy định xác nhận sơ yếu lý lịch của mỗi ngành, lĩnh vực có quy định khác nhau về thẩm quyền xác nhận, như cán bộ, công chức, viên chức thì thủ trưởng xác nhận, lý lịch cá nhân thì UBND xã, phường nơi thường trú, nơi cư trú xác nhận. Về nội dung thì đối với CBCCVC chỉ ký và đóng dấu, đối với các ngành nghề kinh doanh thì ghi chung là có xác nhận của UBND xã, phường, đối học sinh, sinh viên, hồ sơ xin việc thì ghi rõ việc chấp hành pháp luật…

2.4. Xác nhận sơ yếu lý lịch, lý lịch cá nhân theo quy định pháp luật chứng thực

a) Trước ngày 20/4/2020 chỉ chứng thực chữ ký

Theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP  về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì  thủ tục chứng thực chữ ký cũng được áp dụng đối với Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân, và trong các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì cơ quan chứng thực không được ghi việc chấp hành pháp luật của cá nhân vào trong xác nhận sơ yếu lý lịch.

Chứng thực

Ông/bà …………… Giấy chứng minh nhân dân/Hộ chiếu (3)số      …….., cam đoan đã hiểu, tự chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản và đã ký vào giấy tờ, văn bản này trước mặt tôi.

Số chứng thực ………….. quyển số ………… (1) – SCT/CK, CĐ

Ngày ………… tháng ………. năm ………….

Người thực hiện chứng thực ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu (2)

b) Từ ngày 20.4.2020 vừa chứng chữ ký vừa xác nhận nội dung

Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP  thì từ ngày 20/4/2020 thì việc chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân thực hiện như sau:

Xem clip hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch mới nhất

– Các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân. Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.

– Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

   Như vậy, đối với chứng thực tờ khai lý lịch cá nhân từ ngày 20/4/2020 thì trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định ghi nhận xét thì người thực hiện chứng thực (UBND cấp xã, Phòng Tư pháp) có quyền ghi nhận xét vào lý lịch.

Cụ thể như đối với lý lịch học sinh, sinh viên thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ ghi việc chấp hành pháp luật thì UBND cấp xã khi tiếp nhận, giải quyết thì ghi việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên vào lý lịch. Hay như đối với bản khi lý lịch để đăng ký kinh doanh theo Nghị định 96 thì UBND cấp xã có quyền xác nhận nội dung vào lý lịch.

(Xác nhận sơ yếu lý lịch ở nơi thường trú hay nơi tạm trú)

Còn đối với lý lịch cá nhân, sơ yếu lý lịch trong hồ sơ xin việc theo mẫu cá nhân tự khai mà không có các văn bản pháp luật chuyên ngành khác quy đĩnh phải nhận xét trong lý lịch thì người chứng thực không được ghi nhận xét vào lý lịch cá nhân, sơ yếu lý lịch của công dân mà chỉ thực hiện chứng thực chữ ký theo đúng hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP.

Trangtinphapluat.com rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc nhất là các quy định của pháp luật chuyên ngành quy định về nhận xét trong sơ yếu lý lịch, lý lịch cá nhân. Ý kiến vui lòng ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *