Theo mẫu lý lịch sinh viên dùng cho học sinh, sinh viên trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (đăng tải trên website trường Đại học Nội vụ) có một số nội dung chưa phù hợp như:
Tại phần Xác nhận của Chính quyền Xã, Phường nơi học sinh, sinh viên cư trú có ghi: Đề nghị Chính quyền địa phương xác nhận theo nội dung: Hộ khẩu thường trú, việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương.
Đề nghị này vô hình chung buộc chính quyền địa phương phải xác nhận nghĩa vụ công dân, tình trạng chấp hành pháp luật của người khai mẫu lý lịch sinh viên, trong khi theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, tại Điểm b Khoản 4 Điều 24 quy định việc chứng thực chữ ký lý lịch cá nhân được thực hiện như chứng thực chữ ký, nghĩa là UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện khi tiếp nhận lý lịch cá nhân của công dân chỉ được CHỨNG THỰC CHỮ KÝ chứ không được ghi nội dung khác. Quy định xác nhận nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật tại mẫu lý lịch học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành đã gây khó khăn không chỉ cho sinh viên mà ngay cả UBND xã, phường khi xác nhận sơ yếu lý lịch, nếu làm đúng Nghị định 23 thì lại không đúng đề nghị của BỘ giáo dục sẽ khó khăn cho công dân khi nhập học.
Mẫu lý lịch sinh viên của Bộ Giáo dục gây khó cho chính quyền cũng như công dân
Mẫu lý lịch của Bộ giáo dục và Đào tạo không chỉ gây khó cho UBND xã, phường mà còn không phù hợp với thẩm quyền chứng thực được quy định tại Nghị định 23, cụ thể theo Điều 5 Nghị định 23 về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực thì Phòng Tư pháp và UBND xã, phường được chứng thực chữ ký và việc chứng thực chữ ký không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. Điều này đồng nghĩa công dân khi có yêu cầu chứng thực lý lịch thì có thể tới bất kỳ UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện để chứng thực chứ không nhất thiết phải về nơi cư trú, trong khi đó Mẫu lý lịch học sinh, sinh viên của Bộ Giáo dục lại quy định chỉ chính quyền xã, phường nơi sinh viên cư trú mới được xác nhận. Quy định này trái với Nghị định 23 và gây phiền hà, tốn kém cho công dân khi phải về nơi cư trú để xác nhận.
(Xem xác nhận sơ yếu lý lịch, lý lịch cá nhân từ ngày 20/4/2020)
Thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm điều chỉnh mẫu lý lịch học sinh – sinh viên cho phù hợp với các quy định của pháp luật về chứng thực, tránh gây khó khăn, phiền hà cho công dân cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xác nhận, chứng thực sơ yếu lý lịch.
Phương Thảo