So sánh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008

Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, có hiệu lực 01/01/2025 với Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Trong bài viết này, trangtinphapluat.com sẽ giới thiệu những điểm mới trong Chương I. Những quy định chung, giữa Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ năm 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008.

1. Về bố cục

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 có 9 chương và 89 điều, tăng 01 chương so với Luật Giao thông đường bộ 2008 (8 chương, 89 điều).

2. Về phạm vi điều chỉnh

– Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 (Luật 2024) Kế thừa: Quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; TTATGT trong vận tải đường bộ; quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.

Đồng thời bổ sung quy định : Chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về TTATGT đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ

So sánh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008
So sánh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008

– Luật 2024 đã Tách kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ,  vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ sang   Luật Đường bộ năm 2024

3. Bổ sung giải thích một số từ ngữ mới

Luật 2024 bổ sung giải thích một số từ ngữ mới như:

 – Ùn tắc giao thông đường bộ   là tình trạng người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị dồn ứ, di chuyển với tốc độ rất chậm hoặc không thể di chuyển được.

– Tai nạn giao thông đường bộ là va chạm liên quan đến người, phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ, xảy ra ngoài ý muốn của người tham gia giao thông đường bộ, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức.

Thiết bị an toàn cho trẻ em là thiết bị có đủ khả năng bảo đảm an toàn cho trẻ em ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô tô, được thiết kế để giảm nguy cơ chấn thương cho người dùng trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc xe ô tô giảm tốc độ đột ngột, bằng cách hạn chế sự di chuyển của cơ thể trẻ em.

– Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trạng thái giao thông trên đường bộ có trật tự, bảo đảm an toàn, thông suốt; được hình thành và điều chỉnh bởi các quy tắc, nguyên tắc, quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

 4. Chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, bổ sung các chính sách mới như:

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có thành tích thì được khen thưởng, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; người bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương, bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân, gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

– Phát triển phương tiện giao thông đường bộ đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, điều kiện kinh tế – xã hội và nhu cầu đi lại của người dân; nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp phương tiện giao thông đường bộ bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ đối với phương tiện giao thông trên thế giới; ưu tiên phát triển phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn; ưu tiên chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, hạ tầng cung cấp năng lượng sạch.

5. Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Luật 2024 bổ sung quy định về Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo đó: 

– Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

– Lực lượng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó.

 6. Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về TTATGT và an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện tội phạm. Theo đó có các cơ sở dữ liệu như: Cơ sở dữ liệu về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; Cơ sở dữ liệu về người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ…

7.Hợp tác quốc tế về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tại khoản 10 Điều 84  Nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, có đề cập đến hợp tác quốc tế về giao thông đường bộ, còn không nêu cụ thể là hợp tác những nội dung gì.

Xử lý vi phạm hành chính trật tự an toàn giao thông đường bộ
Xử lý vi phạm hành chính trật tự an toàn giao thông đường bộ

Luật năm 2024 đã bổ sung Điều 8 quy định cụ thể về nội dung hợp tác quốc tế về trật tự, an toàn giao thông đường bộ như:

– Ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

– Trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

– Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

– Tăng cường điều kiện vật chất để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

– Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ;

8. Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm

Cơ bản Luật năm 2024 kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như cấm: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.  Đua xe, tổ chức đua xe, xúi giục, giúp sức, cổ vũ đua xe trái phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ lạng lách, đánh võng, rú ga liên tục. Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ…

Đồng thời, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 cũng bổ sung một số hành vi mới như:

– Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có  chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

– Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

– Nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm quy định của pháp luật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

– Cải tạo xe ô tô loại khác thành xe ô tô chở người, trừ cải tạo thành xe ô tô chở người phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

– Cố ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe, động cơ của xe đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian lận kết quả kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định; thuê, mượn phụ tùng xe cơ giới chỉ để thực hiện việc kiểm định.

– Ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào người, phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ.

Ru bi

Bài tiếp theo: So sánh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008: Chương 2. Quy tắc giao thông đường bộ

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *