Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2025 thay thế cho Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật 2015 sửa đổi 2019). Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 so với Luật năm 2015, sửa đổi năm 2019.
- So sánh Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 và Luật 2015 – Chương 1: Những quy định chung và Chương 2: Tổ chức đơn vị hành chính và thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính và đổi tên đơn vị hành chính.
- Bộ câu hỏi trắc nghiệm Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025
Tiếp theo phần 1: Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương; tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi 2019 không quy định chương riêng về phân định thẩm quyền địa phương mà quy định vào Chương I – Những quy định chung và quy định rải rác ở một số điều khoản về ủy quyền giữa Chủ tịch UBND với Phó Chủ tịch UBND.
Luật năm 2025 đã quy định thành chương riêng và bổ sung rất nhiều quy định mới về phân định, phân cấp, phân quyền, ủy quyền của chính quyền địa phương.
1. Nguyên tắc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương
Bên cạnh việc kế thừa các nguyên tắc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương được quy định trong Luật 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 còn có một số nguyên tắc mới như:

+ Xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả
+ Bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương
+ Bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật;
+ Đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương; ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
2. Về phân cấp, phân quyền, ủy quyền
So với Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, sửa đổi 2019 thì Luật 2025 có rất nhiều điểm mới về phân cấp, phân quyền và ủy quyền.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh
Trên cơ sở kế thừa quy định pháp luật hiện hành về thẩm quyền của HĐND tỉnh trong thi hành Hiến pháp, pháp luật, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương…, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 đã bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh như sau:
+ Căn cứ vào chủ trương của Đảng, quyết định áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù, đặc biệt, chưa được quy định trong pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn sau khi đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép
+ Ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mìn

+ Quyết định chính sách trọng dụng nhân tài, chính sách thu hút, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại địa phương phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương.
4.Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Một trong những điểm mới nổi bật của Luật 2025 là bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh:
+ Quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn, sau đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
+ Chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, bão lụt, dịch bệnh tại địa phương
+ Ban hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật.
5. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân
+ Luật năm 2025 quy định: Hội đồng nhân dân gồm Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân. Còn Luật HĐND không nêu cụ thể như trên mà phân chia thành từng khoản khác nhau về thường trực HĐND, đại biểu HĐND, các ban HĐND, không đề cập đến Tổ đại biểu HĐND.
+ Cả 02 Luật năm 2015 và Luật 2025 đều quy định: Thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
+ Cả 2 luật đều quy định nếu Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. HĐND cấp huyện, cấp xã thì có 01 Phó Chủ tịch HĐND.

+ Về tổ đại biểu HĐND: Luật trước đây chỉ quy định cấp huyện, cấp tỉnh có Tổ đại biểu HĐND, còn Luật 2025 quy định cấp xã vẫn có tổ đại biểu HĐND, cụ thể tại khoản 4 Điều 27 quy định: “Các đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Số lượng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân do Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định.”
+ Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân:
Cơ bản Luật 2025 kế thừa quy định của Luật 2015, tuy nhiên bổ sung:
– Quyết định số lượng thành viên các Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình.
– Trong thời gian Hội đồng nhân dân không họp, Thường trực Hội đồng nhân dân được quyết định các nội dung sau đây và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất:
> Biện pháp giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn;
> Điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hằng năm.
6. Quy định mới về bầu Chủ tịch UBND
+ Tại khoản 2 Điều 34 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định: Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân; bầu Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân.
Như vậy, Luật 2025 đã bỏ quy định về điều kiện bầu Chủ tịch UBND tại kỳ họp thứ nhất của HĐND bắt buộc phải là đại biểu HĐND được quy định tại khoản 3 Điều 83 Luật 2015.
7. Bổ sung quy định những việc UBND thảo luận và quyết định
+ Tại khoản 2 Điều 38 Luật 2025 quy định Những nội dung sau đây phải được Ủy ban nhân dân thảo luận và quyết định:
“a) Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân, dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

b) Chiến lược; quy hoạch; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; kế hoạch tài chính 05 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách địa phương hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định;
c) Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội hằng tháng, hằng quý, 06 tháng, cả năm hoặc những vấn đề quan trọng, đột xuất và những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội;
d) Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân; việc thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân; thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính các cấp để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định;
đ) Chương trình công tác hằng năm của Ủy ban nhân dân; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và việc thực hiện Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân;
e) Những vấn đề mà pháp luật quy định Ủy ban nhân dân phải thảo luận và quyết định;
g) Những vấn đề khác theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân.”
+ Tại khoản 4 Điều 38 bổ quy quy định: Ủy ban nhân dân được ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thay mặt Ủy ban nhân dân xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách cần phải xử lý gấp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân hoặc những vấn đề đã được Ủy ban nhân dân thống nhất về chủ trương, nguyên tắc, trừ những nội dung quy định tại khoản 2 Điều này. Chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo hoặc giao Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thay mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo tại phiên họp Ủy ban nhân dân gần nhất về những vấn đề đã quyết định.
Quy định này phù hợp với các vấn đề phát sinh trên thực tiễn như thiên tai, dịch bệnh..cần phải có ý kiến chỉ đạo, xử lý ngay thì không thể họp UBND được mà Chủ tịch UBND được ủy quyền để giải quyết để đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả.
8.Giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân
Đây là quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, theo đó, tại Điều 40 quy định:
“Trong thời gian khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ kể từ ngày Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Ủy ban nhân dân.”
Còn tiếp