Nhiều bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp Trường hợp nào cấp phó được giao Quyền cấp trưởng, Trường hợp nào cấp phó được giao phụ trách, điều hành thay cấp trưởng?. Sự khác nhau giữa giao quyền cấp trưởng và giao phụ trách, điều hành thay cấp trưởng?.
Quy định về giao quyền cấp trưởng
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 2013, tại Điều 93 có quy định về 02 trường hợp phó Chủ tịch nước giữ quyền chủ tịch nước.
02 trường hợp Quyền chủ tịch nước
+ Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước.
+ Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.
Giao quyền cho Bộ Trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ
Theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
“Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ”.
Như vậy, theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ thì trong 01 trường hợp khuyết Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ mà Quốc hội không họp thì Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Giao quyền Chủ tịch UBND các cấp
Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 08/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân: “Trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân giữa 02 kỳ họp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện báo cáo Sở Nội vụ để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã báo cáo Phòng Nội vụ để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.”
Giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn như sau: “Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Giao quyền Chủ tịch UBND cấp huyện
Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền “giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp huyện”.
Giao quyền Chủ tịch UBND cấp xã
Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền “giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã”.
Giao quyền trong các đơn vị sự nghiệp
Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì:
“Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chưa kiện toàn người đứng đầu, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm việc giao quyền hoặc giao phụ trách đơn vị sự nghiệp công lập cho đến khi bổ nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Thời gian giao quyền, giao phụ trách không tính vào thời gian giữ chức vụ khi bổ nhiệm.”
Giao quyền trong cơ quan hành chính nhà nước
Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì:
“Trường hợp cơ quan, tổ chức chưa kiện toàn người đứng đầu, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm việc giao quyền hoặc giao phụ trách cơ quan, tổ chức cho đến khi bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Thời gian giao quyền, giao phụ trách không tính vào thời gian giữ chức vụ khi được bổ nhiệm.”
Tóm lại, căn cứ vào Hiến pháp, các Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chỉ quy định về giao quyền đối với một số chức danh như: Chủ tịch nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các cấp, không có quy định về giao phụ trách, điều hành đối với các chức danh này. Và điều kiện để giao quyền đó là “khuyết chức danh đó”; chỉ riêng chức danh Chủ tịch nước thì thêm trường hợp “không làm việc được trong thời gian dài” nhưng không giải thích thời gian dài là bao lâu.
Căn cứ vào Nghị định 138/2020/NĐ-CP và Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì quy định chung trong trường hợp “chưa kiện toàn người đứng đầu” thì cấp có thẩm quyền quyết định giao quyền hoặc giao phụ trách, điều hành.
Ký văn bản khi giao quyền, giao phụ trách điều hành
Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư, tại khoản 1, khoản 2 Điều 13 về ký ban hành văn bản không có quy định về giao quyền cấp trưởng mà chỉ quy định về cấp phó ký thay cấp trưởng khi được giao phụ trách, cụ thể:
Cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành; có thể giao cấp phó ký thay các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Trường hợp cấp phó được giao phụ trách, điều hành thì thực hiện ký như cấp phó ký thay cấp trưởng.
Cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ tập thể
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt tập thể lãnh đạo ký các văn bản của cơ quan, tổ chức. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được thay mặt tập thể, ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức những văn bản theo ủy quyền của người đứng đầu và những văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.”
Cách ghi thẩm quyền người ký
Mặc dù trong nội dung Nghị định 30 không có quy định về giao Quyền cấp trưởng. Tuy nhiên, Tại khoản 7 mục II phụ lục kèm theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP hướng dẫn ghi chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền thì có hướng dẫn trong trường hợp giao Quyền cấp trưởng:
+ Trường hợp được giao quyền cấp trưởng thì phải ghi chữ viết tắt “Q.” vào trước chức vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
+ Trường hợp cấp phó được giao phụ trách, điều hành thì thực hiện ký như cấp phó ký thay cấp trưởng.
“KT. TRƯỞNG PHÒNG
PHÓ TRƯỞNG PHÒNG”
Khi được giao quyền cấp trưởng thì ghi chữ “Q.” vào trước chức vụ, ví dụ:
“Q. TRƯỞNG PHÒNG
Q. CHỦ TỊCH NƯỚC”
Khác nhau của giao quyền và giao phụ trách
Như vậy, theo các quy định viện dẫn ở trên thì việc giao cấp phó phụ trách, điều hành chỉ áp dụng đối với cơ quan thực hiện theo chế độ Thủ trưởng. Còn việc giao Quyền cấp trưởng áp dụng cho cả cơ quan thực hiện theo chế độ Thủ trưởng cũng như chế độ tập thể.
Khi thực hiện giao quyền cấp trưởng thì người được giao quyền không ghi Ký thay cấp trưởng mà ghi trực tiếp Quyền cấp trưởng, còn giao phụ trách, điều hành thì vẫn ghi Ký thay cấp trưởng.
Và điều kiện giao quyền cấp trưởng là khi khuyết cấp trưởng, chưa kiện toàn cấp trưởng hoặc trường hợp CHủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài. Còn điều kiện giao phụ trách điều hành thì bên cạnh trường hợp chưa kiện toàn chức danh cấp trưởng, còn có thể có cấp trưởng nhưng cấp trưởng đi học hoặc ốm đau.
Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com liên quan đến việc giao quyền cấp trưởng và giao phụ trách, điều hành cơ quan, đơn vị. Bạn đọc có ý kiến vui lòng ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết.
Rubi