Thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND theo Luật Đất đai 2024

Trangtinphapluat.com giới thiệu các quy định về vấn đề thẩm quyền của Ủy ban nhân dân (thẩm quyền chung) và thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (thẩm quyền riêng) trong pháp luật đất đai

  Một vấn đề tưởng chừng như “chuyện nhỏ” trong pháp luật đất đai nhưng đã trở thành “chuyện lớn” trong thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật đất đai, đó là: thẩm quyền của Ủy ban nhân dân (thẩm quyền chung) và thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (thẩm quyền riêng) trong pháp luật đất đai.

Quy định thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) có điểm tiến bộ đó là phân định tương đối rõ thẩm quyền của Ủy ban nhân dân (thẩm quyền chung) và thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (thẩm quyền riêng). Theo đó, những vấn đề vĩ mô, thật sự quan trọng sẽ do tập thể Ủy ban nhân dân quyết định, còn những vấn đề ít quan trọng hơn sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định.

Thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND theo Luật Đất đai 2024
Thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND theo Luật Đất đai 2024

Tuy nhiên, trong pháp luật chuyên ngành, trong đó có pháp luật đất đai đôi khi chưa thể hiện nhất quán tinh thần đó. Qua nghiên cứu pháp luật đất đai khi đề cập đến thẩm quyền của địa phương thì phần lớn các nội dung đều thể hiện là thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân, chỉ có một số nội dung thể hiện rõ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Chưa quy định rõ thẩm quyền tập thể, cá nhân

Bất cập ở chỗ là khi quy định Ủy ban nhân dân (cấp tỉnh, huyện, xã) quyết định một nội dung nào đó là pháp luật đang phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương nhưng do thể hiện không rõ dẫn đến cách hiểu là tất cả những nội dung thể hiện thẩm quyền của Ủy ban nhân dân đều được hiểu là thẩm quyền chung, kể cả đó là sự vụ hoặc thủ tục hành chính giản đơn.

Trong khi đó, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

  Theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đươc ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 05/3/2024 của của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ sẽ ban hành 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai (bao gồm: 9 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 06 Thông tư của Bộ trưởng).

Cần sớm hướng dẫn thẩm quyền

Trong bối cảnh đó, Luật Đất đai năm 2024 có một số nội dung cũng cần có hướng dẫn rõ để thống nhất thực hiện liên quan thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng như đã nêu ở trên.

So sánh những điểm mới của Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013
So sánh những điểm mới của Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013

Ví dụ:
– Điều 161 Luật Đất đai năm 2024 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể; trong khi đó Điều 160 lại quy định Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định giá đất cụ thể theo thẩm quyền.

– Điều 136 Luật Đất đai năm 2024 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Quy định này cũng cần phải có hướng dẫn rõ là thuộc thẩm quyền chung hay thẩm quyền riêng.

– Theo khoản 2 Điều 142 và khoản 2 Điều 145 Luật Đất đai năm 2024, khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đang sử dụng đất thì trên cơ sở báo cáo hiện trạng sử dụng đất của tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra thực tế sử dụng đất và xử lý theo quy định. Quy định trên đã không làm rõ thẩm quyền chung, thẩm quyền riêng.

Trích từ tài liệu tập huấn Luật Đất đai của Bộ Tư pháp

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *