Chế tài xử phạt hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân

Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc các quy định của pháp luật về dữ liệu cá nhân và chế tài xử lý hình sự, hành chính, dân sự liên quan đến dữ liệu cá nhân để bạn đọc tham khảo.

1. Quy định về dữ liệu cá nhân

Theo thống kê của Bộ Công an, có tổng số 69 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam, trong đó có: Hiến pháp; 04 Bộ luật; 39 Luật, 01 Pháp lệnh; 19 Nghị định; 04 Thông tư/Thông tư liên tịch; 01 Quyết định của Bộ trưởng. Tuy nhiên, dù có tới 69 văn bản nhưng tất cả đều chưa thống nhất về khái niệm và nội hàm dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản Nghị định, chưa phải văn bản Luật nên cần thống nhất thực hiện trong thực tiễn.

Chế tài xử phạt hành vi xâm phạm bí mật đời tư
Chế tài xử phạt hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân

Chưa có khái niệm dữ liệu cá nhân

– Có hơn 10 khái niệm thuật ngữ liên quan tới thông tin cá nhân được diễn giải theo những cách khác nhau, gồm: “dữ liệu cá nhân”, “thông tin cá nhân”, “thông tin riêng”, “thông tin riêng tư”, “thông tin số”; “thông tin cá nhân trên môi trường mạng”; “thông tin bí mật đời tư”; “thông tin về đời sống riêng tư”, “bí mật gia đình”, “quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư”; “cơ sở dữ liệu điện tử”; “thông tin của người tiêu dùng”.

Riêng về khái niệm “thông tin cá nhân”, khái niệm này được coi là tương đồng và gần gũi nhất với khái niệm “dữ liệu cá nhân”. Cụm từ “thông tin cá nhân” xuất hiện ở hơn 300 văn bản quy phạm pháp luật, nhưng chỉ có 07 văn bản pháp luật có định nghĩa/diễn giải thế nào là thông tin cá nhân[1]. Số văn bản pháp luật còn lại chỉ đề cập đến thông tin cá nhân trong nội dung các quy định, không đưa ra giải thích hay dẫn chiếu giải thích đến văn bản pháp luật khác.

Đời sống riêng tư theo Hiến pháp

Trong đó, Hiến pháp năm 2013 có quy định về quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Điều 21 như sau: “1.Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an ninh.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Kể từ Hiến pháp năm 2013, cụm từ “thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” được sử dụng tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật tiếp cận thông tin, Luật trẻ em. Tuy nhiên, trong tất cả các văn bản nêu trên, chưa văn bản nào đưa ra được định nghĩa cho các khái niệm này.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an ninh xã hội, đạo đức xã hội, súc khỏe cộng đồng”.

2. Chế tài xử lý vi phạm dữ liệu cá nhân

Pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân còn quy định các chế tài xử phạt với những hành vi vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nếu có hành vi vi phạm, tùy vào mức độ nghiêm trọng thì cá nhân, tổ chức có thể phải chịu các chế tài hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật:

– Chế tài hình sự:

Vi phạm các quy định về dữ liệu cá nhân có thể bị xử phạt hình sự, với án tù giam cao nhất là 07 năm. Cụ thể: Điều 159 Bộ Luật Hình sự quy định, việc “xâm phạm bí mật hoặc an ninh thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” có thể bị phạt tù tới 03 năm. Điều 288 quy định về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù giam. Tuy nhiên, 02 tội danh này chưa quy định cụ thể, trực tiếp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới dữ liệu cá nhân đang diễn ra hiện nay.

– Chế tài dân sự:

Quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân (dữ liệu cá nhân) là một quyền dân sự, việc bảo vệ quyền này được coi là nguyên tắc trong pháp luật Dân sự. Khoản 1 Điều 9 Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định: “Tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.

Tại Khoản 2 điều này đã ghi nhận 5 hình thức chế tài dân sự: Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: a) Công nhận quyền dân sự của mình; b) Buộc chấm dứt hành vi vi phạm; c) Buộc xin lỗi, cải chính công khai; d) Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; đ) Buộc bồi thường thiệt hại.

– Chế tài hành chính:

Các hành vi vi phạm, xâm hại đến dữ liệu cá nhân có thể bị buộc bồi thường thiệt hại, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Mặc dù pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay đã có các quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng các quy định trên chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện để làm cơ sở xử phạt đối với các hành vi vi phạm không thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện, thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, việc xử lý hành vi mua bán dữ liệu cá nhân gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, ví dụ như: khó truy ra đầu mối ai là người tiết lộ, đánh cắp, sử dụng thông tin cá nhân.

Quy định xử phạt

Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định:

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp bảo vệ thông tin riêng hoặc dữ liệu cá nhân của người sử dụng (điểm c khoản 1 Điều 65);

+Mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông (điểm a khoản 4 Điều 66);

+ phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông (điểm a khoản 5 Điều 66).

rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *