So sánh những điểm mới của Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013-phần 11

Sáng 18-1-2024, với 432/477 đại biểu có mặt (chiếm 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Bên cạnh đó, có 20 đại biểu không tán thành và 25 đại biểu không biểu quyết.Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực từ 01/01/2025.

Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 so với Luật Đất đai năm 2013.

1. Quy định về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đất đai

Luật Đất đai 2013 chỉ quy định về Thanh tra chuyên ngành về đất đai, Luật 2024 bổ sung thêm kiểm tra chuyên ngành về đất đai, theo đó:

So sánh những điểm mới của Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013
So sánh những điểm mới của Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013-phần 10

Kiểm tra chuyên ngành đất đai là hoạt động được thực hiện thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý đất đai nhằm đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai; nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

2. Hòa giải tranh chấp về đất đai

+ Các hình thức hòa giải

Luật Đất đai 2013 khuyến khích hòa giải đất đai thông qua hòa giải cơ sở, các bên tự hòa giải. Luật Đất đai 2024 ngoài kế thừa 2 hình thức trên còn bổ sung thêm  hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.

+ Trình tự, thủ tục hòa giải

Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã, theo đó: Phải thành lập Hội đồng hòa giải. Thời gian thực hiện hòa giải được rút ngắn từ 45 ngày xuống còn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai.

Luật bổ sung thêm trường hợp các bên không ký biên bản hòa giải như sau:  Trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp.

3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

+ Luật Đất đai 2024 kế thừa Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, theo đó:

+ Trường hợp có Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ theo quy định của Luật Đất đai thì do Tòa án giải quyết

+ Trường hợp không có giấy chứng nhận hoặc giấy tờ theo quy định của Luật Đất đai thì lựa chọn giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc Tòa án.

+ Thủ tục giải quyết tại cấp huyện, tỉnh

Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể thời gian giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện, tỉnh (Luật 2013 không có quy định thời gian giải quyết), theo đó: Trường hợp các bên tranh chấp lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

– Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có hiệu lực thi hành.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

– Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực thi hành.

4. Xử lý vi phạm pháp luật về đất đai

Cơ bản Luật Đất đai 2024 kế thừa Luật Đất đai 2013 về quy định xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, theo đó:

“Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Luật Đất đai 2024 cũng quy định  Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với các hành vi không đăng ký đất đai; lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển, nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật đất đai khác của người sử dụng đất.

rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *