So sánh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008 – Phần 5

Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, có hiệu lực 01/01/2025 với Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Trong bài viết này, trangtinphapluat.com sẽ giới thiệu những điểm mới trong Chương 5. Tuần tra kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ có 01 điều  87 quy định về tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ. Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ dành chương V với 8 điều để quy định về tuần tra kiểm sát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

So sánh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008
So sánh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008

1. Hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

– Cả 02 luật đều quy định Cảnh sát giao thông là lực lượng chính trong tuần tra, kiểm soát, còn các lực lượng khác trong Công an nhân dân được huy động phối hợp với Cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát trong trường hợp cần thiết trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng được huy động theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với thực tế nhiệm vụ.

– Luật năm 2024 quy định cụ thể Nhiệm vụ, Quyền hạn và nguyên tắc của Cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát.

2. Căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát

Đây là quy định mới của Luật năm 2024, theo đó Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát khi có một trong các căn cứ sau đây:

– Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc vi phạm pháp luật khác;

– Thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát mới phát hiện được;

– Phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh;

– Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách

Theo khoản 1 Điều 68 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 thì  Khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, người chỉ huy trực tiếp của Cảnh sát giao thông tại hiện trường được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó.

4.Di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ

Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật năm 2024, theo đó : Khi phát hiện phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy định dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ nhưng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, chủ phương tiện giao thông đường bộ không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hoặc có mặt nhưng không chấp hành yêu cầu của Cảnh sát giao thông thì Cảnh sát giao thông thực hiện việc di chuyển phương tiện vi phạm ra khỏi vị trí dừng, đỗ trên.

Trường hợp không đủ điều kiện thực hiện thì Cảnh sát giao thông được thuê tổ chức, cá nhân thực hiện việc di chuyển phương tiện đó.

5.  Quyền và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định riêng về quyền và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà quy định rải rác ở một số điều như Điều 11 – Chấp hành báo hiệu đường bộ, Điều 13 sử dụng làn đường, Điều 14 vượt xe….

Biểu mẫu Xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông
Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

Luật năm 2024 ngoài việc quy định quyền và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ ở từng điều liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, Luật 2024 còn bổ sung riêng  Điều 72 quy định về Quyền và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, theo đó:  Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có quyền sau đây:

– Được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Luật này;

– Được thông báo về căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát; nội dung và kết quả kiểm tra, kiểm soát; hành vi vi phạm pháp luật và biện pháp xử lý;

– Giải trình, khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật;

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về tố cáo;

– Báo tin, tố giác, phản ánh những trường hợp vi phạm pháp luật.

 Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có trách nhiệm sau đây:

– Chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

– Chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát;

– Hỗ trợ, hợp tác với lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong quá trình phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác.

6Ngăn chặn hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, cản trở, chống người thi hành công vụ
Luật năm 2008 không quy định về xử lý hành vi chống, cản trở người thi hành công vụ trong kiểm tra, kiểm soát giao thông. Luật năm 2024 đã quy định cụ thể Khi người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ thì người thi hành công vụ thực hiện các biện pháp sau đây:

– Giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ; quyền và trách nhiệm của người vi phạm; thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát;

– Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật trong trường hợp người vi phạm cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

– Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.

– Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm

Bài tiếp theo: So sánh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008: Chương 6 Chỉ huy, điều khiển  giao thông đường bộ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *