Một bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp liên quan đến lập biên bản làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính, cụ thể như sau: Anh cho em hỏi, khi đang thi hành công vụ phát hiện 1 vi phạm thuộc lĩnh vực mình phụ trách, 1 vụ việc thuộc lĩnh vực khác. Lập biên bản kiểm tra cả 2 hành vi vào cùng 1 biên bản. Vậy khi lập biên bản vi phạm hành chính có được tách ra làm 2 biên bản không ạ. Nếu không tách ra được thì ai sẽ là người được quy định lập biên bản vi phạm hành chính ạ. Thanks à rất nhiều.
Trangtinphapluat.com trả lời như sau:
Quy định lập biên bản
Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì Lập biên bản vi phạm hành chính thực hiện như sau:
” Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm.
Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.”
Lập biên bản khi có nhiều hành vi vi phạm
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính.
Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền.
Lập một biên bản hành chính
Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 118 thì trường hợp có 02 hành vi vi phạm, trong đó có 1 hành vi thuộc thẩm quyền của người đang thi hành công vụ, 1 hành vi không thuộc thẩm quyền thì người đang thi hành công vụ có quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi thuộc thẩm quyền của mình. Còn hành vi không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của người đang thi hành công vụ thì lập biên bản làm việc để ghi nhận lại sự việc và chuyển cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính để lập biên bản và xử phạt theo quy định.
Trường hợp đã lập chung 1 biên bản làm việc cho cả 2 hành vi (vừa thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, vừa không thuộc thẩm quyền) thì căn cứ vào biên bản làm việc, người đang thi hành công vụ lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi thuộc thẩm quyền; còn hành vi không thuộc thẩm quyền thì chuyển biên bản làm việc (bằng hình thức sao y bản chính hoặc gửi bản chính trong trường hợp lập thành 2 bản) cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com liên quan đến lập biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính khi có nhiều hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của nhiều chức danh khác nhau. Bạn đọc có ý kiến vui lòng để lại ở mục bình luận bên dưới bài viết.
Rubi