Nhiều hành vi trong một vụ vi phạm hành chính – Lập bao nhiêu biên bản?

Trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, có nhiều trường hợp một vụ vi phạm hành chính có cá nhân, tổ chức thực hiện cùng một lúc nhiều hành vi vi phạm ở cùng một lĩnh vực hoặc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Như vậy, trong trường hợp này người phát hiện hành vi vi phạm lập một biên bản hay lập mỗi hành vi vi phạm một biên bản vi phạm hành chính.

Quy định về lập biên bản vi phạm hành chính

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc lập biên bản vi phạm hành chính thực hiện như sau:

 Lập và chuyển biên bản vi phạm hành chính:

 Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính.

Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền.

Nhiều hành vi trong một vụ việc vi phạm hành chính - Lập bao nhiêu biên bản?
Nhiều hành vi trong một vụ việc vi phạm hành chính – Lập bao nhiêu biên bản?

Trường hợp vụ việc phải giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện và các trường hợp cần thiết khác, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thể lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc.

Biên bản làm việc là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính.

Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính

Cũng theo quy định tại Nghị định 118/2021/NĐ-CP, tại điểm đ khoản 2 Điều 12 thì:  Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.

Một cá nhân thực hiện nhiều hành vi chỉ lập 1 biên bản

Tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định: Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm.

Thế nào là một vụ vi phạm hành chính

Hiện nay, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 118/2021/NĐ-CP đều có đề cập đến việc lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi tổ chức, cá nhân vi phạm trong một vụ vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, Luật và văn bản hướng dẫn thi hành không giải thế thế nào là “một vụ vi phạm” dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau. Có nơi lập chung một biên bản vi phạm hành chính, có nơi lập mỗi hành vi một biên bản vi phạm hành chính vì cho rằng mỗi hành vi là một vụ việc.

Lập chung 1 biên bản

Một số ý kiến cho rằng, căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì trường hợp người có thẩm quyền phát hiện cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi  vi phạm hành chính trong cùng một thời điểm thì được xác định là một vụ việc và lập chung một biên bản vi phạm hành chính.

Cách hiểu trên có cơ sở pháp lý, đồng thời phù hợp với thực tiễn khi cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà tất cả hành vi vi phạm đó đều thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của người lập biên bản.

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A có hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đồng thời có hành vi xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. Công chức địa chính kiểm tra, phát hiện và lập 02 hành vi chung một biên bản vi phạm hành chính là đúng và phù hợp với thực tế.

Có thể lập nhiều biên bản

Do không có hướng dẫn cụ thể thế nào là “một vụ vi phạm” hành chính nên cũng có ý kiến cho rằng khi một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong cùng một lĩnh vực hoặc các lĩnh vực khác nhau thì có thể lập mỗi hành vi một biên bản vi phạm hành chính.

Cách hiểu này cũng đúng trong trường hợp cá nhân/tổ chức vi phạm thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong một lĩnh vực hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau mà có hành vi thuộc thẩm quyền, có hành vi không thuộc thẩm quyền của người lập biên bản. Trường hợp này, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 118 để lập biên bản đối với hành vi thuộc thẩm quyền, còn hành vi không thuộc thẩm quyền thì lập biên bản làm việc và chuyển cho người có thẩm quyền để lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

Trường hợp cần phải xác minh

Hoặc trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi, trong đó có hành vi đơn giản không cần phải xác minh thì lập biên bản vi phạm hành chính trước để xử phạt, còn hành vi phức tạp mà thuộc thẩm quyền thì cần có thêm thời gian xác minh để làm rõ, do đó, cần lập biên bản vi phạm hành chính sau để xử phạt cho đúng hành vi, đối tượng.

Để việc lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp có nhiều hành vi vi phạm trong một vụ việc được hiểu và áp dụng thống nhất, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn thế nào được xác định “một vụ vi phạm hành chính” và có quy định cho phép tách hoặc nhập vụ việc để xử phạt nhằm đảm bảo đúng thẩm quyền như trong lĩnh vực hình sự có quy định về tách và nhập vụ án hình sự.

Trangtinphapluat.com rất mong muốn nhận được ý kiến, quan điểm của bạn đọc về việc lập biên bản vi phạm hành chính trong một vụ việc vi phạm.

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

One comment

  1. Nguyễn Văn Tuấn

    Một cá nhân thực hiện nhiều hành vi chỉ lập 1 biên bản
    Tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định: Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm.
    Ở ĐÂY ÁP DỤNG NHƯ THẾ NÀO MỚI HOÀN TOÀN CHÍNH XÁC
    Giải quyết vấn đề cụ thể như sau để thấy rõ áp dụng như thế nào mới chính xác:
    “Ông A vi phạm hành chính cùng một lúc các hành vi sau: xây dựng sai nội dung giấy phép; xây dựng công trình không che chắn để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; khoang giếng không có giấy phép; cản trở người thi hành công vụ.”
    Một vụ vi phạm ở đây được hiểu là trong nhiều lĩnh vực; vd: xây dựng; đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; an ninh trật tự, an toàn xã hội.
    Vậy khi tiến hành lập biên bản thì biên bản vi phạm hành chính sẽ áp dụng như thế nào;
    Biên bản vi phạm hành chính theo quy định thì mỗi lĩnh vực khác nhau thì biểu mẫu biên bản phải ghi rõ từng lĩnh vực cụ thể.
    BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH*( mẫu BB số 01 ND 118)
    Về……………………….. (2)
    (2) Ghi tên lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
    Nếu nhiều lĩnh vực mà lập chung một biên bản vi phạm hành chính thì có đúng mẫu, đúng quy định hay không? Và ai là người lập biên bản? Nếu tách ra từng biên bản thì lại trái với quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP. Vì đã xác định một vụ vi phạm thì chỉ lập một biên bản và không được lập nhiều biên bản.
    Ví dụ ghi biên bản như sau có đúng hay là sai:
    BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH*
    Về xây dựng; đất đai; an ninh trật tự, an toàn xã hội
    Giả sử nếu biên bản vi phạm hành chính lập như vậy là đúng thì khi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì Quyết định xử phạt này có đúng thủ tục hay không? Quyết định bị Huỷ theo điểm c Khoản 1 Điều 13 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP nếu không đúng thủ tục.
    Cùng một vụ vi phạm ở đây được hiểu là trong một lĩnh vực cụ thể; vd: xây dựng; đất đai; an ninh trật tự xã hội….
    Vậy khi tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính hoàn toàn hợp lý và không trái với một quy định nào của luật xử lý vi phạm hành chính.
    Đối chiếu với trường hợp cụ thể trên thì ông A có đến 5 hành vi vi phạm hành chính và thuộc 4 lĩnh vực khác nhau nên phải tiến hành lập 4 biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt trong từng lĩnh vực cụ thể.

    Trường hợp cụ thể như sau:

    BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH*1
    Về xây dựng

    Ông A có 2 hành vi vi phạm về xây dựng là : xây dựng sai nội dung giấy phép; xây dựng công trình không che chắn để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh. Lập một biên bản vi phạm hành chính về xây dựng bao gồm 2 hành vi vi phạm và khi tiến hành xử phạt chỉ ban hành một Quyết định xử phạt vi phạm theo Khoản 1 Điều 67 Luật xử lý vi phạm hành chính, hoàn toàn phù hợp với quy định.

    BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH*2
    Về đất đai
    Ông A có 1 hành vi vi phạm về đất đai là : tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Lập một biên bản và ban hành một Quyết định xử phạt về đất đai, phù hợp Quy định và thủ tục của Luật.

    BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH*3
    Về tài nguyên nước và khoáng sản
    Ông A có 1 hành vi vi phạm về tài nguyên nước và khoáng sản là: thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 01 giếng khoan. Lập một biên bản và ban hành một Quyết định xử phạt về tài nguyên nước và khoáng sản, phù hợp Quy định và thủ tục của Luật.

    BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH*4
    Về an ninh trật tự, an toàn xã hội
    Ông A có 1 hành vi vi phạm về an ninh trật tự, an toàn xã hội là: cản trở người thi hành công vụ. Lập một biên bản và ban hành một Quyết định xử phạt về an ninh trật tự, an toàn xã hội, phù hợp Quy định và thủ tục của Luật.
    Mỗi lĩnh vực vi phạm hành chính đều có mỗi mẫu biên bản áp dụng riêng biệt, không thể hai lĩnh vực riêng biệt mà có thể sử dụng chung một biên bản vi phạm hành chính, giả sử nếu người vi phạm họ vi phạm đến 3 hoặc 4 lĩnh vực trong cùng một lúc thì lập một biên bản liệu có đúng hay không….
     So sánh từ hai cách hiểu trên thì vận dụng cách hiểu như thế nào là đúng. Rõ ràng cách hiểu thứ 2 sẽ đúng và phù hợp với Luật.

    Trường hợp ban hành Quyết định xử phạt vi phạm theo Khoản 1 Điều 67 Luật xử lý vi phạm hành chính
    Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.
    “Xử phạt trong cùng một lần” ở đây được hiểu như thế nào? Có phải là gọp các hành vi vi phạm lại để xử phạt một lần hay không? Các hành vi vi phạm này thuộc một lĩnh vực hay nhiều lĩnh vực. Nếu nhiều lĩnh vực thì lại nhiều biên bản, vậy có đúng thủ tục không? Rõ ràng là không đúng thủ tục.
    Vì vậy ở đây tất nhiên sẽ được hiểu là nhiều hành vi vi phạm này sẽ thuộc một lĩnh vực và chỉ bị lập một biên bản vi phạm hành chính và chỉ ban hành một Quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính. => đến điểm b khoản 3 điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP sẽ phù hợp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *