Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
1. Quy định về phân loại bệnh truyền nhiễm:
Theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm thì bệnh truyền nhiễm (BTN) được chia thành 3 nhóm là nhóm A có 11 bệnh, nhóm B có 27 bệnh và nhóm C có 24 bệnh, việc phân chia theo nhóm bệnh để làm cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp và hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay việc phân chia các nhóm bệnh theo như trong luật chưa đầy đủ cần được bổ sung vào các nhóm cho phù hợp với tình hình thực tế PCBTN hiện nay và phù hợp với quy định của quốc tế.
2. Quy định về báo cáo giám sát Bệnh truyền nhiễm:
Theo quy định tại Điều 22 Luật PCBTN thì báo cáo giám sát BTN phải được thực hiện bằng văn bản, các hình thức khác chỉ áp dụng trong các tình huống khẩn cấp. Hiện nay với việc phát triển của công nghệ thông tin, việc thu thập báo cáo sẽ được thực hiện bằng phần mềm báo cáo trực tuyến và sẽ áp dụng báo cáo trực tuyến sẽ bảo đảm yêu cầu nhanh chóng của công tác phòng, chống dịch bệnh và để đề ra các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.
3. Quy định về an toàn sinh học trong xét nghiệm:
Mục 4 Chương II Luật PCBTN mới quy định về an toàn sinh học trong xét nghiệm tuy nhiên mới chỉ có đề cập đến an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm mà chưa đề cập đến an toàn sinh học đối với xét nghiệm thực hiện ngoài phòng xét nghiệm trong khi hiện nay việc xét nghiệm còn được tiến hành lưu động do đó cần có các quy định để điều chỉnh đối với hoạt động này nhằm bảo đảm tính toàn diện của luật.
4. Về sử dụng vắc xin, sinh phẩm trong phòng bệnh:
Khoản 3 Điều 28 Luật PCBTN quy định thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho người mắc BTN, người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây BTN được sử dụng miễn phí vắc xin, sinh phẩm y tế. Tuy nhiên, quy định này chưa xác định phạm vi vắc xin, sinh phẩm mà đối tượng này được sử dụng miễn phí vì hiện có rất nhiều loại vắc xin, sinh phẩm. Điều 29 quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc tuy nhiên mới chỉ quy định người có nguy cơ mắc BTN tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm mà chưa quy định bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm đối với người có nguy cơ mắc BTN tại vùng nguy cơ có dịch. Việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm bắt buộc cho đối tượng tại khu vực này sẽ bảo đảm tính dự phòng toàn diện và tránh nguy cơ bùng phát thành dịch. Các quy định liên quan đến hoạt động tổ chức tiêm chủng còn chưa được thể chế như: chưa có cơ chế để quản lý đối tượng tiêm chủng và theo dõi; chưa xác định rõ hệ thống tổ chức tiêm chủng bắt buộc, chưa có quy định trách nhiệm trong việc tổ chức tiêm chủng bắt buộc của các cơ sở y tế (CSYT).
5. Quy định về công bố dịch:
Thực hiện khoản 4 Điều 38 Luật PCBTN Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch BTN trong đó quy định một trong các điều kiện công bố dịch BTN là quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Việc quy định điều kiện công bố dịch không mang tính định lượng do vậy khi dịch xảy ra phần lớn các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đều cho rằng các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương đã được triển khai có hiệu quả, chưa vượt quá tầm kiểm soát của y tế địa phương nên không công bố dịch do đó quy định này không bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, tại một số nước trong khu vực và trên thế giới, khi dịch bệnh xảy ra chỉ thực hiện thông báo dịch, báo cáo dịch BTN hoặc thông báo tình trạng khẩn cấp về tình trạng y tế công cộng chứ không có công bố dịch. Như vậy thay vì việc công bố dịch thì đã thông báo trên hệ thống thông tin về tình hình dịch bệnh để phổ biến rộng rãi tới cộng đồng. Ngoài ra, khoản 2 Điều 40 Luật PCBTN mới chỉ đề cập người có thẩm quyền công bố dịch có quyền công bố hết dịch mà chưa quy định việc công bố hết dịch là trách nhiệm của người đó nên dẫn tới việc công bố hết dịch tại địa phương còn chưa được thực hiện đầy đủ. Do vậy, Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg đã được thay thế bằng Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch BTN và bổ sung thời gian ủ bệnh trung bình, bổ sung thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh COVID-19 tại Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/02/2020 để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
6. Quy định về điều kiện công bố hết dịch chưa bảo đảm tính khả thi:
Điều 40 quy định điều kiện công bố hết dịch đề nghị khi đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Mục 3 Chương IV của Luật này là chưa phù hợp với thực tiễn vì việc thực hiện các biện pháp chống dịch là bắt buộc sau khi công bố dịch nhưng việc thực hiện biện pháp nào là tùy điều kiện thực tiễn chứ không nhất thiết phải thực hiện đầy đủ tất cả các biện pháp. Đồng thời, Luật cũng chưa quy định về việc công bố hết dịch đối với một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong điều kiện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác đang có dịch.
7. Về Kiểm dịch y tế biên giới:
Mặc dù việc kiểm dịch tiến hành với đối tượng rộng và liên quan đến nhiều cơ quan quản lý khác nhau như hải quan, cơ quan kiểm dịch thực vật, động vật, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc phối hợp tổ chức thực hiện kiểm dịch giữa các lực lượng chưa được quy định cụ thể nên gây khó khăn cho các lực lượng khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt khi thực hiện nhiều hoạt động quản lý nhà nước trên cùng một đối tượng. Đối với quy định về KDYT biên giới tại Nghị định 103/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCBTN về KDYT biên giới chưa đáp ứng theo đúng quy định về thủ tục hành chính. Trong đó, các thủ tục kiểm dịch chưa thể hiện rõ ràng về hồ sơ thủ tục, trình tự giải quyết do đó còn gây khó khăn cho các đối tượng được kiểm dịch. Bên cạnh đó, việc quy định mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người khi vận chuyển qua biên giới phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Y tế là không cần thiết vì Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về PCBTN nói chung và KDYT nói riêng mà không phải là cơ quan trực tiếp tiến hành KDYT trong khi đó, các mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người khi vận chuyển qua biên giới vẫn phải tiến hành KDYT tại cửa khẩu. Do đó, việc yêu cầu phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn đó, Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCBTN về KDYT biên giới đã được ban hành để thay thế cho Nghị định 103/2010/NĐ-CP
8. Quy định về chi phí cho tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A chưa thực sự chặt chẽ, gây khó khăn cho ngân sách nhà nước, cụ thể:
khoản 2 Điều 48 quy định: “Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí”. Theo như quy định hiện nay, không phân biệt công dân Việt Nam và người nước ngoài trong quá trình khám và điều trị bệnh dịch thuộc nhóm A, trong thực tế, thời gian qua, đối với dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc cần khám, điều trị, xét nghiệm là khá lớn tại Việt Nam, bên cạnh đó đã xảy ra tình trạng người nước ngoài nhập cảnh (hợp pháp và bất hợp pháp) vào Việt Nam để lợi dụng quy định về hưởng chế độ khám và điều trị miễn phí tại Việt Nam góp phần gây quá tải cho hệ thống y tế và tạo gánh nặng khá lớn cho ngân sách nhà nước.
– Việc quy định cơ sở khám bệnh, chữa BTN phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư là không mang tính khả thi trong điều kiện thực tế hiện nay.
– Việc quy định người mắc BTN ra khi ra viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe không khả thi.
– Những quan hệ xã hội phát sinh còn thiếu các quy phạm pháp luật điều chỉnh: Tại khoản 1 Điều 62 Luật PCBTN quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiện nay Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch chưa được thành lập trong khi đó do yêu cầu của việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID -19, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 do vậy đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 46 theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng (bao gồm cả Quỹ vắc-xin).
– Một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCBTN đã không còn phù hợp trong thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay như Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCBTN về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch. Bên cạnh đó, chế độ chính sách còn nhiều bất cập như chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác YTDP, kinh phí bồi dưỡng cán bộ tham gia chống dịch còn thấp, chưa tương xứng.
rubi