Một số điểm mới của Nghị định 85/2023/NĐ-CP về tuyển dụng viên chức

Ngày 07/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung  một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, có hiệu lực thi hành tư ngày 07/12/2023. 

Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Nghị định 85/2023/NĐ-CP so với Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

1. Về thẩm quyền xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức

Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định  Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức phê duyệt hoặc quyết định theo thẩm quyền để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng.

Nghị định 85/2023/NĐ-CP mở rộng 3 đối tượng xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức gồm:  Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này (Đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên ) hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này (Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan quản lý viên chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng.

2. Mở rộng đối tượng được cộng điểm ưu tiên

Quy định mới về biệt phái viên chức từ năm 2024

Một số điểm mới của Nghị định 85/2023/NĐ-CP về tuyển dụng viên chức

Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã bổ sung thêm Cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân: Được cộng 1,5 điểm vào kết quả vòng 2 trong thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức.

3. Sửa đổi về thi tuyển viên chức

 a) Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức chung

Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã bỏ quy định thi tin học ở vòng 1; đồng thời bổ sung quy định: Trường hợp đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì được miễn thi Phần I. Đối với vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì không phải tổ chức thi Phần II.

b) Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành

+ Nghị định 85 sửa hình thức thi “Phỏng vấn” thành hình thức thi “Vấn đáp “; và bổ sung quy định: Trường hợp lựa chọn hình thức thi viết thì được lựa chọn một trong ba hình thức: Trắc nghiệm hoặc tự luận hoặc trắc nghiệm kết hợp với tự luận.

+ Nghị định 85 đã tăng thẩm quyền cho cơ quan, đơn vị tuyển dụng, cụ thể: Căn cứ vào nhu cầu và đặc thù của cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định yêu cầu cao hơn về nội dung, hình thức, thời gian thi vòng 2. Trước đây theo Nghị định 115  thì phải thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi thực hiện.

+ Về thi môn ngoại ngữ: Nghị định 85 đã bổ sung quy định: Trường hợp tổ chức thi ngoại ngữ thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ; nếu đạt kết quả thì được coi là đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ.

Đối với các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, Nghị định 85 kế thừa Nghị định 115, đồng thời bổ sung một số trường hợp được miễn thi ngoại ngữ như sau: Có bằng tốt nghiệp chuyên môn chuẩn đầu ra về ngoại ngữ theo quy định có giá trị tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn về ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển.

Đối với chứng chỉ dân tộc thiểu số cũng mở rộng trường hợp được miễn thi ngoại ngữ: Cụ thể theo Nghị định 115 thì  chỉ áp dụng đối với trường hợp dự tuyển vào viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số.

Nghị định 85 bổ sung được miễn thi ngoại ngữ nếu Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số dự tuyển vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số, cụ thể: Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số; là người dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác ở vùng dân tộc thiểu số.

c) Bổ sung quy định trúng tuyển viên chức

– Bổ sung căn cứ kết quả vòng 1

Nghị định 85/2023/NĐ-CP bổ sung: Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính vòng 2 bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người trúng tuyển là người đạt kết quả thi phần thi kiến thức chung tại vòng 1 cao hơn (nếu có).
Trường hợp vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định người trúng tuyển.

– Bổ sung được đăng ký 2 nguyện vọng

 Trường hợp đăng ký 02 nguyện vọng nhưng không trúng tuyển ở nguyện vọng 1 thì được xét ở nguyện vọng 2 nếu vị trí việc làm đăng ký ở nguyện vọng 2 vẫn còn chỉ tiêu tuyển dụng sau khi đã xét hết nguyện vọng 1, bao gồm cả việc xét nguyện vọng của người có kết quả trúng tuyển thấp hơn liền kề theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định này.
Trường hợp có 02 người trở lên bằng điểm nhau ở nguyện vọng 2 thì người trúng tuyển được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Trường hợp vị trí việc làm vẫn còn chỉ tiêu tuyển dụng sau khi đã xét đủ 02 nguyện vọng thì căn cứ vào kết quả thi, Hội đồng thi báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định tuyển dụng đối với người có kết quả tuyển dụng thấp hơn liền kề so với kết quả tuyển dụng của người trúng tuyển ở vị trí việc làm tại đơn vị khác nhưng có cùng tiêu chuẩn, điều kiện với tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm tại đơn vị còn chỉ tiêu tuyển dụng, cùng Hội đồng thi, cùng áp dụng hình thức thi hoặc viết (vòng 2) và chung đề thi. Người được tuyển dụng trong trường hợp này phải đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Đối với các vị trí việc làm không có người đăng ký dự tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định việc tuyển dụng theo quy định này.

4. Sửa đổi về xét tuyển viên chức

Nghị định 115/2020/NĐ-CP và Nghị định 85/2023/NĐ-CP đều quy định Xét tuyển viên chức được thực hiện theo 02 vòng; tuy nhiên Nghị định 85 bổ sung thêm quy định tại vòng 1 như sau: Trường hợp vị trí việc làm yêu cầu trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng phải thông báo cụ thể yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu có một trong các văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này thì được sử dụng thay thế. Nếu không có văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp thì Hội đồng xét tuyển tổ chức sát hạch để đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng.

Hội đồng tuyển dụng kiểm tra việc đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ theo thông tin người dự tuyển kê khai tại Phiếu đăng ký dự tuyển. Sau khi trúng tuyển, người trúng tuyển nộp bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này.

5. Quy định mới về tiếp nhận viên chức

Nghị định 85/2023/NĐ-CP bổ sung một số quy định mới về tiếp nhận viên chức như:

– Người tốt nghiệp tiến sĩ trở lên (được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định) đang làm việc tại cơ quan, tổ chức có trụ sở hoặc chi nhánh được thành lập ở nước ngoài hoặc tại cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở hoặc chi nhánh được thành lập ở Việt Nam, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đủ 03 năm công tác trở lên làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận.

– Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của pháp luật, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.

6. Bỏ hình thức thi tuyển viên chức trên giấy

Nghị định 115 quy định 2 hình thức thi tuyển đó là thi trên máy tính hoặc thi trên giấy. Nghị định 85 chỉ quy định một hình thức thi trên máy tính và Thí sinh được thông báo kết quả vòng 1 ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài thi. Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả thi vòng 1

7. Quy định rõ thẩm quyền và thủ tục biệt phái viên chức

Nghị định 85 đã mở rộng thẩm quyền biệt phái viên chức cũng như quy đinh 3 bước biệt phái viên chức.

– Thẩm quyền biệt phái viên chức:

+ Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quy định tại Điều 7 Nghị định này quyết định việc biệt phái viên chức.

+ Việc biệt phái viên chức làm công việc ở vị trí việc làm của công chức phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.

– Trình tự, thủ tục biệt phái viên chức:

+ Bước 1: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi tiếp nhận viên chức biệt phái;

+ Bước 2: Gặp viên chức để trao đổi về chủ trương biệt phái và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;

+ Bước 3: Trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

8. Bỏ thi thăng hạng viên chức

Nghị định 115 quy định 2 hình thức thăng hạng viên chức là thi hoặc xét thăng hạng viên chức. Nghị định 85 bỏ quy định thi thăng hạng, chỉ quy định về xét thăng hạng viên chức.

9. Không giới hạn số lần bổ nhiệm lại viên chức

Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định Thời hạn viên chức giữ một chức vụ quản lý không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Còn Nghị định 85 quy định   Viên chức quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế để giữ một chức vụ quản lý, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành

10. Thôi chức nếu có trên 50% tín nhiệm thấp

Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định 3 trường hợp xem xét cho thôi giữ chức vụ quản lý. Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định 5 trường hợp xem xét cho từ chức viên chức quản lý như sau:

– Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao;

– Để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng;

– Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

– Do không đủ sức khỏe hoặc vì các lý do chính đáng khác;

– Theo yêu cầu nhiệm vụ.

11. 7 trường hợp xem xét miễn nhiệm viên chức quản lý

Nghị định 115 quy định 5 trường hợp viên chức quản lý bị xem xét miễn nhiệm, còn Nghị định 85 quy định đến 7 trường hợp xem xét miễn nhiệm viên chức quản lý, trong đó có trường hợp mới bổ sung như phiếu tín nhiệm thấp, để xảy ra tham nhũng tiêu cực rất nghiêm trọng…

-Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà cấp có thẩm quyền xác định là năng lực hạn chế, uy tín giảm sút;

– Bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo 02 lần trở lên trong cùng thời hạn bổ nhiệm;

– Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

– Có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

– Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và đơn vị nơi đang công tác;

– Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm;

– Viên chức quản lý là người đứng đầu để đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

12. Quy định rõ trường hợp miễn tập sự

Về các trường hợp được miễn tập sự, Nghị định 85/2023/NĐ-CP bổ sung Trường hợp đáp ứng điều kiện Được bố trí làm công việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo và theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của công việc trước đây đã đảm nhiệm  nhưng chưa đủ  Thời gian công tác làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm   thì thời gian đã công tác được trừ vào thời gian tập sự theo quy định.
Đối với các trường hợp không phải thực hiện chế độ tập sự được hưởng 100% tiền lương và các loại phụ cấp (nếu có).

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *