Bạn đọc có địa chỉ mail anhb..@gmail.com đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp: Trường hợp tổ chức/cá nhân vi phạm đã chết, phá sản thì cơ quan, tổ chức cá nhân nào sẽ thực hiện biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
Trangtinphapluat.com trả lời như sau:
+ Theo Điều 75 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản như sau:
Trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản thì không thi hành quyết định phạt tiền nhưng vẫn thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định.
Nhà nước thi hành biện pháp khắc phục hậu quả
+ Theo khoản 4 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì: Trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này hoặc cá nhân chết, mất tích hoặc tổ chức bị giải thể, phá sản mà không có tổ chức nào tiếp nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 75 của Luật này thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính phải tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Chi phí cho việc tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách dự phòng cấp cho cơ quan đó.
Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp không có tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân bị xử phạt thì nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
Tổ chức, cá nhân thừa kế thực hiện khắc phục hậu quả
Tại Điều 19 Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản như sau:
Còn thời hiệu thì vẫn thi hành
+ Trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản theo quy định tại Điều 75 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà quyết định xử phạt vẫn còn thời hiệu thi hành, thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày người bị xử phạt chết được ghi trong giấy chứng tử; người bị mất tích được ghi trong quyết định tuyên bố mất tích; kể từ thời điểm cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo về việc doanh nghiệp giải thể; thời điểm quyết định tuyên bố phá sản có hiệu lực.
Quyết định thi hành gồm các nội dung sau đây:
– Đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt, lý do đình chỉ; trừ trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện và khắc phục hậu quả.
– Hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả tiếp tục thi hành.
Trách nhiệm thi hành khắc phục hậu quả
+ Trách nhiệm thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản:
– Cá nhân, tổ chức đang quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
– Cá nhân là người được hưởng di sản thừa kế được xác định theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong phạm vi di sản thừa kế.
Gửi quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
+ Quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc giải thể, phá sản; người đại diện theo pháp luật của tổ chức bị giải thể, phá sản để thi hành;
+ Quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được gửi cho cá nhân, tổ chức liên quan trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
Thủ tục thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
+ Thủ tục thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương III Phần thứ hai Luật Xử lý vi phạm hành chính;
+ Trường hợp quá thời hạn thi hành quyết định mà cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính phải tổ chức thực hiện.
Chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả được khấu trừ từ di sản thừa kế mà người bị xử phạt để lại hoặc tài sản còn lại của tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản và được coi là một trong những khoản chi phí ưu tiên thanh toán (nếu có).
Thi hành biện pháp khắc phục hậu quả khi không có người thừa kế
+ Trường hợp người bị xử phạt chết không để lại di sản thừa kế, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản không còn tài sản, thì việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
+ Người thừa kế của người bị xử phạt chết, mất tích, người đại diện theo pháp luật của tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản có quyền giám sát, khiếu nại khởi kiện đối với các chi phí tổ chức thực hiện và việc thanh toán chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều này.
Nhà nước hoặc người thừa kế thi hành khắc phục hậu quả
Tóm lại, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trường hợp tổ chức, cá nhân giải thế, chết, mất tích, phá sản thì được chia làm 2 trường hợp: Nếu có tổ chức, cá nhân thừa kế quyền và nghĩa vụ thì tổ chức, cá nhân đó phải thi hành biện pháp khắc phục hậu quả; trường hợp không có người thừa kế thì cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành quyết định xử phạt phải thực hiện khắc phục hậu quả.
Bạn đọc cần tư vấn, hỗ trợ về xử lý vi phạm hành chính vui lòng để lại câu hỏi ở mục bình luận bên dưới bài viết.
Rubi