Thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều nơi UBND cấp xã xác nhận sơ yếu lý lịch của công dân theo kiểu xác nhận tình trạng chấp hành pháp luật, chủ trương, đường lối của địa phương đã gây nhiều khó khăn cho công dân khi nộp hồ sơ học tập, xin việc…
Tại sao lại có tình trạng này và lỗi thuộc về ai? thuộc vềngười ký xác nhận hay cơ quan ban hành mẫu xác nhận?
Quy định của pháp luật về chứng thực, xác nhận sơ yếu lý lịch
Theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, có quy định rõ thủ tục chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân được thực hiện giống như chứng thực chữ ký, cụ thể:
1. Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
b) Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.
(Từ 20/4/2020 chứng thực lý lịch cá nhân phải về nơi thường trú?)
2. Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và việc chứng thực không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 25 của Nghị định này thì yêu cầu người yêu cầu chứng thực ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau:
a) Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định;
b) Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
Đối với giấy tờ, văn bản có từ (02) hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
Mẫu lời chứng được quy định theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP như sau:
a) Lời chứng chứng thực chữ ký của một người trong một giấy tờ, văn bản
Ngày …….. tháng ……. năm …….
(Bằng chữ ………………………………………………)
Tại …………………………………………………………………… (4), ….. giờ ….. phút. Tôi (5) …………………………………………….., là (6) …………………………………..
Chứng thực
Ông/bà …………… Giấy chứng minh nhân dân/Hộ chiếu (3)số …….., cam đoan đã hiểu, tự chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản và đã ký vào giấy tờ, văn bản này trước mặt tôi.
Số chứng thực ………….. quyển số ………… (1) – SCT/CK, CĐ
Ngày ………… tháng ………. năm ………….
Người thực hiện chứng thực ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu (2)
Xác nhận sơ yếu lý lịch chỉ là xác nhận chữ ký?
Như vậy, theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì khi chứng thực sơ yếu lý lịch, người có thẩm quyền (UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực) chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch, không xác nhận về tình trạng thường trú, tình trạng chấp hành pháp luật…
Có thể khẳng định rằng, Nghị định 23/2015/NĐ-CP là cơ sở pháp lý đầu tiên quy định về chứng thực chữ ký trên sơ yếu lý lịch của công dân, trước đó chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về chứng thực, xác nhận sơ yếu lý lịch. Cụ thể văn bản đầu tiên mà trangtinphapluat tìm được quy định về công chứng đó là Nghị định 45-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng ngày 27/02/1991 về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước, sau đó là Nghị định 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ thay thế cho Nghị định 45, sau đó là Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng và chứng thực thay thế cho Nghị định 31, sau đó Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, thay thế cho Nghị định 75. Tất cả văn bản quy phạm pháp luật từ năm 1991 đến trước ngày 10/4/2015 (ngày Nghị định 23 có hiệu lực) không có quy định về chứng thực, xác nhận sơ yếu lý lịch nên UBND cấp xã lúng túng, mỗi nơi làm mỗi kiểu, gây bức xúc cho người dân.
Để khắc phục tình trạng này, vào năm 2014, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1520/HTQTCT-CT ngày 20/3/2014 hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch, theo đó: Chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong Sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng. Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân.
Đây chỉ là Công văn hướng dẫn không phải là văn bản quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc thực hiện. Đến khi Nghị định 23/2015/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực thì việc xác nhận, chứng thực sơ yếu lý lịch mới chính thức được quy định và bắt buộc UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện phải thực hiện đúng quy định, tức là chỉ chứng thực chữ ký.
Xem Clip hướng dẫn công chứng, chứng thực sơ yếu lý lịch, hồ sơ xin việc
Tuy nhiên, sau khi Nghị định 23 ban hành thì vẫn còn tình trạng một số địa phương xác nhận tình trạng thường trú, chấp hành pháp luật của công dân vào sơ yếu lý lịch? Vậy nguyên nhân là đâu?
Theo trangtinphapluat.com thì bên cạnh lỗi của cán bộ tham mưu thực hiện chứng thực cũng như người ký chứng thực thì một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng trên là do hiện nay chưa có mẫu sơ yếu lý lịch thống nhất, mỗi cơ quan ban hành mỗi mẫu như Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành mẫu lý lịch học sinh, sinh viên, ở phần xác nhận của xã, phường nơi cư trú đề nghị ghi hộ khẩu thường trú, nghĩa vụ công dân….
Xác nhận của Chính quyền Xã, Phường nơi học sinh, sinh viên cư trú
(Đề nghị Chính quyền địa phương xác nhận theo nội dung: Hộ khẩu thường trú, việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương).
(Quy định mới về xác nhận sơ yếu lý lịch cá nhân từ ngày 20/4/2020)
Khi sinh viên mang mẫu này về địa phương chứng thực thì nhiều địa phương lúng túng, nếu không ghi như mẫu thì sinh viên sẽ khó khăn trong nhập học còn nếu phê theo mẫu thì lại không đúng quy định.
Mẫu lý lịch học sinh, sinh viên của Bộ giáo dục không những sai về nội dung đề nghị chính quyền xác nhận nghĩa vụ công dân, chấp hành pháp luật mà còn trái Nghị định 23/2015/NĐ-CP về chứng thực khi buộc sinh viên phải về nơi cư trú xác nhận (Nghị định 23 quy định việc xác nhận chữ ký trong sơ yếu lý lịch không phụ thuộc vào nơi cư trú và thẩm quyền là của UBND cấp xã và Phòng Tư pháp cấp huyện).
Cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận hạnh kiểm cá nhân để xin việc?
Để sớm khắc phục tình trạng UBND xã, phường phê vào lý lịch công dân, thiết nghĩ các cơ quan trung ương cần thống nhất trong việc ban hành mẫu sơ yếu lý lịch cũng như nội dung xác nhận sơ yếu lý lịch để thuận lợi cho công dân cũng như các cơ quan có thẩm quyền trong việc chứng thực, xác nhận sơ yếu lý lịch.
Ru bi