Theo Điều 11 của Luật Du lịch 2005 (sẽ hết hiệu lực vào ngày 01/01/2018) thì Trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch được quy định như sau:
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về du lịch.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về du lịch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quản lýý nhà nước về du lịch.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo sự phân công của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về du lịch.
4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo sự phân cấp của Chính phủ có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương; cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với thực tế tại địa phương và có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường tại khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch.
Như vậy, theo Luật Du lịch 2005 thì việc quan lý nhà nước về du lịch chỉ dừng lại ở UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn cấp huyện, cấp xã không thực hiện, dẫn đến nhiều huyện, thành phố thuộc tỉnh muốn ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút, phát triển du lịch không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Cấp huyện, cấp xã có quyền quản lý nhà nước về du lịch
Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2018, quản lý nhà nước về du lịch đã có sự thay đổi mạnh mẽ, không chỉ UBND cấp tỉnh mà cả UBND cấp huyện, xã vẫn có thẩm quyền quản lý nhà nước về du lịch, cụ thể tại Điều 56 Luật Du lịch 2017 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch của Ủy ban nhân dân các cấp như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương; cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch phù hợp với thực tế tại địa phương.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng;
b) Quản lý tài nguyên du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch và hướng dẫn du lịch trên địa bàn;
c) Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm tại khu du lịch, điểm du lịch, nơi tập trung nhiều khách du lịch;
d) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để bảo đảm môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh và văn minh;
đ) Tổ chức bố trí nơi dừng, đỗ cho các phương tiện giao thông đã được cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch để tiếp cận điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch; tổ chức rà soát, lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn vào khu du lịch, điểm du lịch;
e) Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách du lịch;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.
Như vậy, theo Luật Du lịch 2017 thì UBND các cấp được ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách, ưu đãi thu hút đầu tư; hoặc hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Đây là sự phân cấp mạnh mẽ cho UBND cấp huyện, xã, đặc biệt là những nơi có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch ban hành các chính sách riêng, đặc thù phù hợp với địa phương để thu hút, phát triển du lịch, xây dựng cơ chế hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng – một trong những xu hướng phát triển du lịch hiện nay và tương lai.
Phương Thảo
Điều 75, Luật du lịch năm 2017 nha admin.