Ngày 03/3/2020, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, có hiệu lực 20/4/2020.
Quy định chứng thực lý lịch cá nhân
Tại Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn về chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân như sau:
+ Các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân. Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.
+ Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.
UBND xã nơi thường trú nhận xét trong lý lịch cá nhân
Căn cứ vào khoản 1 Điều 15 của Thông tư 01 thì “Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành“. Việc nhận xét trong lý lịch cá nhân hiện nay có một số văn bản quy định, cụ thể như:
+ Quyết định 58/2007/QĐ-BGDĐT ngày 12/10/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về hồ sơ học sinh, sinh viên và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ học sinh, sinh viên, thì lý lịch học sinh, sinh viên phải có xác nhận của chính quyền địa phương theo nội dung: Hộ khẩu thường trú, việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương.
(Quy định mới về xác nhận sơ yếu lý lịch cá nhân từ ngày 20/4/2020)
+ Theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì có quy định về Bản khai lý lịch cá nhân phải có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Theo 02 văn bản viện dẫn ở trên thì việc xác nhận lý lịch cá nhân, lý lịch học sinh, sinh viên phải thực hiện tại UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Chứng thực chữ ký lý lịch không phụ thuộc nơi cư trú
Tuy nhiên, theo khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực thì: Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. Và việc chứng thực chữ ký người khai lý lịch cá nhân cũng thực hiện theo thủ tục chứng thực chữ ký.
Như vậy, theo Nghị định 23 thì chứng thực chữ ký trong lý lịch cá nhân thì người yêu cầu chứng thực có thể yêu cầu bất kỳ UBND xã, phường, Phòng Tư pháp, tổ chức hành nghề công chứng để chứng thực, không phụ thuộc vào nơi cư trú.
Thông tư 01 hướng dẫn Nghị định 23 thì quy định thực hiện theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật chuyên ngành như viện dẫn ở trên thì xác nhận lý lịch phải thực hiện ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Vậy, từ ngày 20/4/2020 việc chứng thực lý lịch cá nhân trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định xác nhận nội dung thì phải thực hiện chứng thực ở nơi thường trú theo pháp luật chuyên ngành hay không phụ thuộc vào nơi cư trú như Nghị định 23 quy định.
Trangtinphapluat.com cho rằng quy định của Thông tư 01/2020/TT-BTP đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc chứng thực lý lịch để phục vụ công việc, do đó kể từ ngày Thông tư 01 có hiệu lực thì nên thực hiện chứng thực như sau:
+ Đối với trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định xác nhận thì thẩm quyền chứng thực thực hiện theo Nghị định 23, nghĩa là thực hiện tại UBND xã, phường, thị trấn, Phòng Tư pháp, Tổ chức hành nghề công chứng không phụ thuộc vào nơi thường trú hay tạm trú.
+ Đối với trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định xác nhận nội dung trong lý lịch và yêu cầu rõ là UBND xã, phường thị trấn nơi thường trú thì công dân liên hệ UBND cấp xã nơi thường trú để được xác nhận. Trường hợp công dân tới UBND xã nơi không phải thường trú hoặc tới Phòng Tư pháp, Tổ chức hành nghề công chứng thì người tiếp nhận hồ sơ nên hướng dẫn, giải thích để người dân hiểu rõ quy định: Nếu không thực hiện tại nơi thường trú thì chỉ được chứng thực chữ ký, còn nếu muốn xác nhận nội dung thì về nơi thường trú để được xác nhận.
Xem clip hướng dẫn chứng thực lý lịch ở nơi thường trú
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.
Phương Thảo